Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp huyện Tân Sơn

Là huyện miền núi, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Tân Sơn có những đặc thù, khó khăn riêng do phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô đầu tư còn nhỏ, nguồn vốn hạn hẹp, nhiều lĩnh vực sản xuất mới dừng lại ở mức độ sơ chế, chưa chế biến sâu nên giá trị sản xuất chưa cao. Tuy nhiên, để thúc đẩy CN-TTCN phát triển, huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào đầu tư, khai thác lợi thế về vùng nguyên liệu, lao động...

Cơ sở sản xuất, chế biến ván bóc của hộ anh Nguyễn Văn Kim, khu Trung tâm 1, xã Thu Cúc tạo việc làm cho trên 30 lao động.

Thời gian qua, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển CN-TTCN như: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ về hành lang pháp lý; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường. Cùng với đó, quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển TTCN gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình mỗi xã một sản phẩm, chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.Tính đến nay, toàn huyện có trên 100 doanh nghiệp, HTX, ba làng nghề, trên 1.000 hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động phổ thông tại địa phương. Cụm công nghiệp Tân Phú thu hút ba doanh nghiệp đi vào hoạt động ổn định, doanh thu hàng năm ước đạt trên 200 tỉ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Đối với TTCN, trên địa bàn phát triển các ngành, nghề truyền thống dựa trên vùng nguyên liệu như chế biến chè, gỗ.

Với diện tích chè trên 3.700ha, sản lượng chè búp tươi trên 43.000 tấn/năm, ngành chế biến chè phát triển mạnh ở Tân Sơn. Toàn huyện có khoảng 165 cơ sở sơ chế, chế biến chè, trong đó có bảy cơ sở chế biến chè đen có công suất từ năm tấn búp tươi/ngày trở lên. Huyện có hai làng nghề chè, bảy hợp tác xã chuyên sản xuất chè xanh, đây là tiền đề để thúc đẩy chế biến chè theo hướng an toàn, chuỗi liên kết. Một số sản phẩm chè của huyện đã từng bước hoàn thiện quy trình sản xuất, đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm như chè Long Cốc, chè Nàng Cúc...

Đối với chế biến gỗ, toàn huyện có khoảng 100 cơ sở chế biến. Ngành chế biến gỗ có tiềm năng phát triển, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu từ rừng trồng và lao động địa phương. Sản phẩm chế biến từ gỗ khá đa dạng với sản phẩm gỗ ghép thanh xuất khẩu của Công ty CP Gemmy Wood - Cụm công nghiệp Tân Phú, lõi gỗ xuất khẩu của HTX lâm sản Gia Bảo, xã Tân Phú và các sản phẩm ván bóc, dăm gỗ... của các xưởng sản xuất.

Tại xã Tân Phú có khoảng 10 xưởng sản xuất, chế biến gỗ. Đồng chí Thái Việt Anh - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn xã góp phần tiêu thụ nguồn gỗ nguyên liệu tại chỗ cho người dân địa phương và các xã lân cận, giải quyết việc làm cho lao động phổ thông, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động sang ngành nghề CN-TTCN. Xã tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở và phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để các cơ sở có thể tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi.

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện cho biết: Phát triển CN-TTCN tạo thêm nhiều việc làm, đẩy mạnh tiêu thụ và gia tăng giá trị cho các vùng nguyên liệu sản xuất. Để phát huy hiệu quả sản xuất, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề, hộ kinh doanh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng quy mô; tập trung chế biến sâu, tạo thành hàng hóa có thương hiệu, giá trị kinh tế cao. Triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển CN-TTCN, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng cần chủ động cập nhật thông tin, tìm kiếm thị trường, đầu tư đổi mới công nghệ, học hỏi kỹ năng và kiến thức quản lý… góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep-huyen-tan-son/189406.htm