Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Ngọc Lặc
Nhằm khuyến khích, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), những năm qua, huyện Ngọc Lặc đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Năm 2021, Công ty TNHH Trường Long đã đầu tư xây dựng trạm trộn bê tông Trường Long - Việt Nhật ở khu phố 1 Quang Trung, thị trấn Ngọc Lặc với diện tích trên 4.500m2, tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng. Đến nay, trạm trộn bê tông đã đi vào hoạt động ổn định, mỗi năm sản xuất được 20.000m3 bê tông trộn. Sản phẩm được tiêu thụ trong và ngoài huyện. Hiện trạm trộn bê tông tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ngọc Lặc, Lưu Đình Thường, cho biết: Để phát triển CN-TTCN, những năm qua huyện đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài, phát triển CN-TTCN và thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tập trung rà soát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện; quy hoạch, định hướng vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, hệ thống điện, đào tạo nguồn nhân lực; đồng thời có nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện về quỹ đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng để các DN mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, đặc biệt thu hút các ngành nghề có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại địa phương.
Đến nay, huyện đã bố trí được 5 cụm CN, gồm các CN Phúc Thịnh, Minh Tiến, Ngọc Sơn, Ngọc Trung, Cao Lộc Thịnh. Đồng thời, kêu gọi xúc tiến đầu tư xây dựng hạ tầng cụm CN để thu hút các DN, cơ sở sản xuất. Hiện nay, huyện đã thu hút được 3 dự án đầu tư trực tiếp; xúc tiến, kêu gọi các dự án đầu tư trực tiếp, như: Dự án sản xuất đồ chơi, may mặc và giầy da Minh Sơn (xã Minh Sơn); Dự án Nhà máy sản xuất, gia công giầy dép xuất khẩu Ngọc Lặc tại xã Quang Trung; các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện. UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương 6 dự án, trong đó có 2 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các cơ sở dịch vụ, thương mại trên địa bàn huyện ngày càng phát triển đa dạng các loại hình, mạng lưới, bán buôn, bán lẻ ngày càng mở rộng, nhiều cơ sở được đầu tư quy mô lớn đáp ứng mua sắm cho người dân, như: Siêu thị Ngọc Lặc, Siêu thị Điện máy xanh, Siêu thị Điện máy Mediamart... Đến tháng 10/2024, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc có hơn 2.540 DN, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực CN-TTCN. Các DN chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực khai thác đá, chế biến tinh bột sắn, may mặc, gạch các loại, phân bón, bê tông thương phẩm, sản phẩm nông nghiệp..., tạo việc làm cho gần 15.000 lao động có thu nhập ổn định. Năm 2024, huyện Ngọc Lặc dự ước giá trị CN-TTCN đạt 2.272 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Ngọc Lặc tiếp tục khuyến khích các DN, cơ sở sản xuất, đặc biệt là các DN, cơ sở sản xuất CN-TTCN ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đầu tư các trang thiết bị tiên tiến để tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao, mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả cạnh tranh, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với các chương trình, dự án phù hợp với thị trường và vùng nguyên liệu. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN phát huy tối đa năng lực sản xuất hiện có; đồng thời, đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất; có cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư sản xuất CN-TTCN trên địa bàn, tập trung phát triển thêm các ngành nghề, nhất là ngành nghề truyền thống có thế mạnh, có chính sách hỗ trợ các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động.