Phát triển đa dạng mô hình kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đã và đang phát triển tích cực, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, góp phần giúp địa phương sớm về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước hướng đến nền nông nghiệp đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội chung của thành phố.

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú là mô hình nông nghiệp hữu cơ kiểu mẫu của huyện Chương Mỹ. Trên vùng lúa rộng chuyên canh tập trung với tổng diện tích lúa gieo trồng cả năm là 460ha, bà Trịnh Thị Nguyệt - Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong canh tác.

Bà Nguyệt chia sẻ: "Năm 2012, Trường đại học Tokyo Nhật Bản và Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện thí điểm thành công dự án Pamci, canh tác lúa theo nguyên tắc hữu cơ Pamci và phương pháp SRI tại thôn Thượng Phúc, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ không có sự tham gia của các chất hóa học và các chất bảo quản, hệ thống nước tưới trước khi dẫn vào ruộng đều được chảy qua các cửa cống có đặt than hoạt tính, lúa được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi thu hoạch. Toàn bộ quá trình sản xuất đều được ghi chép đầy đủ qua hệ thống camera và sổ sách. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay tổng thu nhập bình quân trên diện tích sản xuất hữu cơ đạt 185 triệu đồng/ha/năm.

Nhờ sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền địa phương và biết áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên mô hình của tôi đang phát triển tốt. Mô hình này được kỳ vọng là mô hình hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp mang tính chất bền vững.

Bà Trịnh Thị Nguyệt, Chủ tịch Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú

Hiện tại, mô hình của bà Nguyệt đang được nhân rộng cho nhiều xã trên địa bàn, tại nhiều thôn của xã Nam Phương Tiến và xã Quảng Bị. Tại xã Nam Phương Tiến đã phát triển vùng trồng lúa hữu cơ Japonica từ năm 2019 với diện tích được chứng nhận là 20ha, đã được công bố nhãn hiệu tập thể Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến, Chương Mỹ. Ở đây có thuận lợi ven sông Bùi, nước sạch, vùng đồi gò giáp với núi rừng nên rất phù hợp cho phát triển hữu cơ.

Mô hình lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Mô hình lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Hợp tác xã thỏ Việt Nhật (thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ) là mô hình mới, điển hình của Hà Nội được triển khai theo chuỗi khép kín tại Chương Mỹ. Thành lập từ năm 2020, hiện hợp tác xã đang nuôi 400 con giống, diện tích 1 ha

Xuất thân là cán bộ nông nghiệp, bà Lâm Thị Hương thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ vẫn luôn hăng say, miệt mài chăm sóc từng chú thỏ theo mô hình liên kết chuỗi. Bởi đây là mô hình hiệu quả mang lại kinh tế cao, được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.

Đầu ra của thỏ đã có công ty của Nhật Bản bao tiêu và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, mô hình nuôi thỏ của hợp tác xã được thực hiện theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số về thức ăn, trọng lượng, trên các lồng nuôi đều có bảng theo dõi cụ thể từng con, thỏ được quản lý theo tiêu chuẩn của Nhật Bản nên đòi hỏi rất khắt khe về thức ăn, nguồn nước.

Bà Lâm Thị Hương - Giám đốc Hợp tác xã thỏ Việt Nhật

Để thỏ bảo đảm tiêu chuẩn xuất bán, phía hợp tác xã được Tập đoàn dược phẩm Nippon Zoki hướng dẫn và kiểm soát chặt chẽ. Trung bình một con thỏ mẹ giống một năm đẻ được từ 6-7 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 8 con. Sau 45 ngày nuôi, những con thỏ bảo đảm về hình dáng, trọng lượng tiêu chuẩn từ 2,3 kg không nhiễm bệnh, lông mềm mượt, không tồn dư hoóc-môn tăng trưởng sẽ được phía đối tác thu mua. Quy trình chăm sóc tại hợp tác xã Việt Nhật được thực hiện theo hướng an toàn sinh học, tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ số về thức ăn, trọng lượng.

Mô hình nuôi thỏ Việt Nhật tại xã Lam Điền mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Mô hình nuôi thỏ Việt Nhật tại xã Lam Điền mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình Hợp tác xã thỏ Việt Nhật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lam Điền Đặng Văn Hùng cho biết, hợp tác xã thỏ Việt Nhật là một trong 2 mô hình ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa vào các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với bảo đảm an toàn thực phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã. hợp tác xã đã hoàn thành mục tiêu kép vừa bảo đảm thỏ chất lượng cao cung cấp cho thị trường Nhật Bản vừa bảo đảm xanh sạch đẹp đối với môi trường chăn nuôi, sản xuất. Đây là mô hình được huyện Chương Mỹ đánh giá cao vì là mô hình tiêu biểu thân thiện với môi trường.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Phòng kinh tế huyện Chương Mỹ chia sẻ: Thời gian qua, cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, ứng dụng công nghệ cao... vào sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển các mô hình kinh tế.

Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ cần huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở các địa phương. Phát động các phong trào thi đua, và các địa phương cần rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hiệu quả. Chú trọng công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới, trong đó có quy hoạch phát triển các vùng chuyên canh tập trung, quy hoạch phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch nông thôn. Đẩy mạnh liên kết, liên doanh theo chuỗi phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, Nguyễn Đình Hoa cho biết, đến nay, huyện Chương Mỹ được công huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020, 30/30 xã duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Tổng giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 ước thực hiện là 18.370 tỷ đồng, đạt 52,9% kế hoạch năm và tăng 10,9% so cùng kỳ, trong đó giá trị sản xuất ngành nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 2.667 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, cụ thể: công nghiệp chiếm 55,6%, dịch vụ 28,4%, nông nghiệp 16%; cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp cũng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, 6 tháng đầu năm 2023, tỷ trọng ngành chăn nuôi ngày càng lớn, chiếm 69,2%, trồng trọt là 30,8%.

Ông Nguyễn Đình Hoa cho biết thêm, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã được công nhận xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao; nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu có thêm từ 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao,1 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục thực hiện Đề án liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện; duy trì và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-da-dang-mo-hinh-kinh-te-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-post774278.html