Phát triển đa dạng sản phẩm du lịch tại 'Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh'

Vườn Quốc gia (VQG) Bến En nằm trên địa bàn 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, vốn được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nét đẹp thanh tú, nguyên sơ của các cánh rừng nguyên sinh, các đỉnh núi, hang động, sông, suối, thác nước đẹp, hùng vĩ. Những năm qua, tại đây đã phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái, cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh... thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Du khách ngồi trên tàu tham quan lòng hồ sông Mực tại Vườn Quốc gia Bến En.

Du khách ngồi trên tàu tham quan lòng hồ sông Mực tại Vườn Quốc gia Bến En.

VQG Bến En là nơi có đa dạng hệ động, thực vật, trong đó có nhiều loại động vật quý hiếm như, gấu ngựa, gấu chó, cu li lớn, cu li nhỏ, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ... và các loại thực vật như, sao hải nam, chò đãi, trầm hương... Trên cơ sở tiềm năng về sự đa dạng sinh học, cảnh quan tự nhiên, Ban Quản lý VQG Bến En đã phát triển sản phẩm du lịch tìm hiểu nhằm giáo dục nâng cao nhận thức về môi trường, thiên nhiên cho du khách với nhiều hoạt động như, tham quan các loài động vật, thực vật, các cây cổ thụ, xem thú đêm... Đây là sản phẩm du lịch đã và đang tạo được sức hấp dẫn và thu hút được đông đảo du khách tham gia khi đến VQG Bến En.

Ngoài ra, VQG Bến En là nơi có cảnh quan thiên vô cùng đặc sắc, nơi đây còn có hồ sông Mực trong xanh với diện tích 3.000ha và độ sâu có nơi tới 30m, là nơi bảo tồn và phát triển hệ thủy sinh... Giữa hồ sông Mực là hệ thống 21 hòn đảo lớn nhỏ được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn của xứ Thanh". Trên cơ sở lợi thế đó, những năm qua tại VQG Bến En đã phát triển đa dạng loại hình du lịch sinh thái. Với loại hình du lịch này, du khách có thể lựa chọn đi tàu, di chuyển bằng đường thủy, xuất phát từ đập Mẫy để tham quan, ngắm cảnh hồ sông Mực và một số hòn đảo như, đảo Thanh Niên, đảo Thực Vật. Để đáp ứng tốt nhu cầu của du khách, Ban Quản lý VQG Bến En cũng đã đầu tư mua sắm, trang bị 6 tàu hiện đại với hệ thống ghế ngồi, áo phao và các trang thiết bị khác đảm bảo an toàn cho khách du lịch khi sử dụng phương tiện tham quan các điểm trong khu vực lòng hồ của VQG Bến En.

Cùng với đó, xung quanh VQG Bến En là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Thái, Mường nên tại đây còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Đó cũng là nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc để VQG Bến En phát triển thêm sản phẩm du lịch cộng đồng. Tham gia loại hình du lịch này, du khách có thể đi bằng đường thủy hoặc đường bộ để đến tham quan làng Lúng và thôn Cây Nghia, xã Xuân Thái (Như Thanh), là nơi sinh sống của đa số người Thái, Mường. Du khách sẽ được khám phá nhiều nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán của bà con từ những nếp nhà sàn, đến các lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ như, đánh cồng chiêng, khua luống và có thể cắm trại tự do, thưởng thức nhiều món ăn đặc sản như: cơm lam, thịt lợn nướng, tôm sông, cá nướng...

Ngoài ra, tại VQG Bến En sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh cũng đã và đang dần hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả. Vào những mùa cao điểm du lịch, đặc biệt là những dịp lễ hội, có khá nhiều khách du lịch đã lựa chọn những điểm đến văn hóa, tâm linh nằm ở vùng phụ cận VQG Bến En để tham quan, chiêm bái. Tiêu biểu là các di tích trên địa bàn huyện Như Thanh như: Di tích đền mẫu Phủ Sung, đền Đức Ông Khe Rồng (thị trấn Bến Sung), đền Phủ Na (xã Xuân Du), đền Bạch Y công chúa (xã Phú Nhuận), di tích hang Lò cao kháng chiến (xã Hải Vân); và một số di tích ở huyện Như Xuân như đền Chín Gian (xã Thanh Xuân)...

Để phát triển du lịch tại VQG Bến En một cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, Ban Quản lý VQG Bến En đã xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng VQG Bến En giai đoạn 2021-2030". Trong đó tập trung phát triển một số loại hình, sản phẩm du lịch như: du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch mạo hiểm... Đây cũng là cơ sở để VQG Bến En có một cách nhìn toàn diện về các tiềm năng phát triển các loại hình du lịch, cũng như xác lập một lộ trình phù hợp để phát huy các tiềm năng du lịch trên cơ sở các điều kiện thực tế về thiên nhiên, con người và nguồn lực tại đây.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/phat-trien-da-dang-san-pham-du-lich-tai-vinh-ha-long-tren-can-cua-xu-thanh-32943.htm