Phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng

Phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng là quan điểm phát triển kinh tế địa phương dựa trên nền tảng và tiềm năng của cộng đồng cư dân bản địa, từ đó giúp cho đời sống của người dân được nâng cao hơn. Trong những năm gần đây, một loạt dự án sản xuất nông nghiệp xanh và an toàn đã được triển khai tại một số vùng của ĐBSCL, giúp lan tỏa các mô hình khả thi trong cộng đồng, từ đó giúp nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình nuôi dê và sản phẩm của hợp tác xã Đông Nghi, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nguồn ảnh: Trần Minh Hải

Mô hình nuôi dê và sản phẩm của hợp tác xã Đông Nghi, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nguồn ảnh: Trần Minh Hải

TS Trần Minh Hải, Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những chia sẻ với các cơ quan báo chí liên quan câu chuyện này. KTSG Online xin được lược ghi.

Ở Việt Nam “phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng (Asset-Based Community Development- ABCD) bắt đầu từ năm 2006 tại Đại học An Giang do Học viện Quốc tế Coady (Canada) tổ chức. GS.TS Võ Tòng Xuân, một chuyên gia ngành nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang lúc bấy giờ là một trong những người có công lớn đưa ABCD vào Việt Nam.

Tiếp theo, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là người đã đưa tư tưởng ABCD vào một số dự án của đơn vị này…

Lấy “nội lực cộng đồng” để “thúc đẩy cộng đồng”

Triết lý của phát triển địa phương dựa vào nội lực cộng đồng hay còn có tên gọi khác là phát triển kinh tế địa phương dựa vào nội lực cộng đồng hoặc phát triển địa phương dựa vào nội lực và tiềm năng bắt đầu từ chữ “cộng đồng”, tức lấy điều cộng đồng có để cùng nhau xây dựng cho cộng đồng, chứ không phải bắt đầu từ những cái ở bên ngoài.

Thứ hai, giá trị cơ bản của ABCD là cộng đồng có thể chèo lái “con thuyền”, tiến trình phát triển của cộng đồng một cách chủ động, tức cộng đồng tự phát huy các nguồn lực sẵn có để đáp ứng nhu cầu và ra tạo cơ hội phát triển cho chính cộng đồng của họ.

Thứ ba, người dân xây dựng cộng đồng theo hướng từ bên trong ra, tức xuất phát từ nội lực của cộng đồng ra.

Thứ tư, ABCD bắt đầu tư cấp thôn, ấp, xóm, tức ở quy mô rất nhỏ, nghĩa là bắt đầu từ các cán bộ lãnh đạo thôn, ấp, xóm để thực hiện.

Thứ năm, ACBD khác với các phương pháp tiếp cận truyền thống, tức dựa trên nhu cầu của cộng đồng, bắt đầu từ những việc cộng đồng cần để sau đó cộng đồng tự giải quyết, tìm thêm những hỗ trợ từ bên ngoài và cuối cùng là ABCD tập trung huy động sự tham gia của người dân cũng như kết nối các nguồn lực.

Tuy nhiên, cái khó là làm sao để người dân trong một cộng đồng họ tự thấy được khả năng, năng lực chưa phát huy.

Về việc này, một trường hợp điển hình, đó là ở xã Đắk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum- nơi có 98% người dân là đồng bào Xơ Đăng, với sinh kế chính là trồng và bán mì tươi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để người dân cắt lát, phơi khô rồi bán cho doanh nghiệp nhằm mang lại giá trị hơn 40%, thì phải mất 1 năm để “khơi gợi” khả năng này của người dân. Hiện, cộng đồng nơi đây đã có khả năng tự cắt lát phơi khô, thậm chí bây giờ họ xây dựng kế hoạch để tương lai có thể đầu tư một nhà máy chế biến tinh bột mì.

Rõ ràng, cần phải giúp người dân nhận biết được khả năng của họ, bởi có nhiều người bình thường không thể hiện được khả năng, nhưng khi gặp một hoàn cảnh gì đó sẽ được phát huy. Chính vì vậy, phải cố gắng tìm kiếm những khả năng, nhân tố như thế để phát triển cộng đồng và kinh tế địa phương.

Khi đã phát hiện nhân tố tích cực, thì vấn đề quan trọng là cần truyền thông để nhân rộng để cả một cộng đồng rộng lớn cùng tham gia giống như viên phấn bỏ vào ly nước thì từ từ lan rộng ra cả ly. Điều đó có nghĩa, kinh tế của địa phương phát triển từ chính nội lực của cộng đồng ngày một lớn mạnh lên.

Bảng kế hoạch hoạt động dựa vào nội lực cộng đồng. Nguồn ảnh: Trần Minh Hải

Bảng kế hoạch hoạt động dựa vào nội lực cộng đồng. Nguồn ảnh: Trần Minh Hải

Kinh nghiệm của Hàn Quốc và những thành công bước đầu ở Việt Nam

Chương trình làng mới của Hàn Quốc (SAEMAUL UNDONG) phát triển dựa trên ba nguyên tắc cơ bản, đó là cần cù, tự lực và hợp tác. Trong đó, hai nguyên tắc cuối cùng (tự lực và hợp tác) chính là triết lý của ABCD, nghĩa là người dân trong cộng đồng tự lực, tự tìm ra khả năng, tài sản đang có trong cộng đồng và từ khả năng đó họ liên kết, hợp tác với nhau để thực hiện.

Năm trụ cột của Chương trình phát triển làng mới tại Hàn Quốc hiện đã giúp đưa quốc gia này phát triển đi theo hướng đó, bao gồm vốn (phần vốn ngân sách rất nhỏ, chỉ chiếm 20%, còn lại là của cộng đồng); kỹ thuật; kế hoạch, dự án cấp thôn, ấp (80% nguồn lực thực hiện là của cộng đồng); con người và cuối cùng là quản lý và hỗ trợ của cán bộ Nhà nước.

Chẳng hạn, đối với trụ cột thứ ba, tức các kế hoạch, dự án cấp thôn/ấp, thì Nhà nước chỉ giữ vai trò thưởng để khuyến khích, nghĩa là cộng đồng nào đưa ra kế hoạch và thực hiện thành công sẽ được Nhà nước thưởng.

Đây là chương trình rất hay của Hàn Quốc mà Việt Nam có thể vận dụng vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Trong đó, năm trụ cột nêu trên khi vận dụng có thể giúp cộng đồng phát huy tính chủ động của người dân (chẳng hạn như trong xây dựng nông thôn mới), nhất là giúp họ tự chủ những phần liên quan trực tiếp đến đời sống của họ.

Hiện nay, trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Việt Nam, đang làm nhiều về hạ tầng, có thể đẩy mạnh những phần việc liên quan đến đời sống cộng đồng.

Chương trình làng mới của Hàn Quốc được vận dụng để giải quyết ba vấn đề cơ bản, đó là thứ nhất, xây nhà vệ sinh bên ngoài; thứ hai, phụ nữ trong thôn giữ bếp ăn sạch sẽ, ăn có dinh dưỡng và thứ ba, chuyển đổi mái nhà từ tôn xi măng (FIBRO) sang nhà máy lá có lợi cho sức khỏe, môi trường…

Một vấn đề nữa của chương trình này, đó là đào tạo và việc này có hai giai đoạn, bao gồm dùng người của cộng đồng đào tạo cho cộng đồng, nghĩa là người giỏi (có thể ở hội quán, hợp tác xã- PV) hay nói cách khác dùng những người có khả năng để vận động và hướng dẫn người dân thực hiện. Ngoài ra, còn giáo dục cho thế hệ trẻ ở các trường cấp 1, 2 và 3 để thông qua các câu chuyện các em hiểu việc phát triển địa phương dựa vào nội lực là như thế nào và từ đó lan tỏa phong trào này lên.

ABCD không phải là chuyện “huyền bí hay mê hoặc”, mà là những triết lý được thế giới thực hiện và Việt Nam chỉ gom lại, kết nối lại.

Một điển hình thành công ở Việt Nam, đó là xuất phát từ chỗ ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang bị tình trạng xoài cát chu rụng trái non rất nhiều, cho nên, những người dân “lành nghề” với món dưa kiệu sau khi được “gợi ý” đã làm thành công món dưa xoài non. Chính vì vậy, món ăn này đã được thương mại, giúp mang lại thu nhập cho cộng đồng người dân nơi đây, thay vì phải đổ bỏ như trước.

Hay câu chuyện ở hợp tác xã Đông Nghi, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang, từ một ốc đảo nằm gần TP Mỹ Tho- nơi người dân trong cộng đồng ai cũng than khổ, nghèo khó. Thế nhưng, từ chỗ thấy trong cộng đồng cỏ mọc rất nhiều, cho nên, bà Lê Khắc Đông Nghi (hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã Đông Nghi- PV) đã phát triển nuôi dê lấy sữa và vận động bà con cùng thực hiện.

Tuy nhiên, khi người dân nuôi nhiều dê đã phát sinh câu chuyện sữa không tiêu thụ được, cho nên, bà Nghi vận động, hướng dẫn và đào tạo người dân trong cộng đồng làm sữa chua từ sữa dê. Từ chỗ đó, đã hình thành hợp tác xã, đầu tư nhà máy sấy thăng hoa và bây giờ toàn bộ người dân trong cộng đồng nuôi dê vắt sữa làm sữa chua xong được sấy thành sữa khô, có thể bảo quản, vận chuyển dễ dàng, giúp kinh tế bà con trong cộng đồng tăng lên. Hiện, hợp tác xã đã phát triển thêm dịch vụ du lịch giúp tạo giá trị gia tăng thêm cho người dân trong cộng đồng.

Còn trường hợp của xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trường Chính sách công và phát triển nông thôn hỗ trợ để người dân trong cộng đồng nơi đây phát triển sản xuất cá giống.

Theo đó, từ việc phát hiện trong cộng đồng nêu trên có người đã nhân giống và nuôi thành công cá linh non (vốn là đặc sản chỉ có trong tự nhiên mỗi khi mùa lũ về ở ĐBSCL – PV), các cán bộ của Trường Chính sách công và phát triển nông thôn đã “gợi ý” người dân nhân giống cá lòng ròng và cá sặc nhỏ trên những ruộng lúa kém hiệu quả và hiện phong trào này đang lan tỏa, mang lại hiệu quả cho người dân nơi đây.

Cuối cùng, bà con tự thảo luận, xây dựng kế hoạch hoạt động để làm giảm chi phí trong bối cảnh thức ăn đầu vào tăng cao như thời gian qua. Bà con tự đưa ra mục tiêu, kế hoạch, nguồn lực thế, phân chia công việc cụ thể cho từng người và mời UBND xã đến nghe kế hoạch để xin một phần kinh phí triển khai, thì hiện nay trường hợp này cũng đang phát triển.

Thông qua những điểm phát triển trong cộng đồng như trên, vấn đề sản xuất an toàn, cách làm hay…, đã được lồng ghép vào để nâng cao nhận thức cho bà con và lan tỏa ra trong cộng đồng, nhằm giúp nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế địa phương…

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phat-trien-dia-phuong-dua-vao-noi-luc-cong-dong/