Phát triển đô thị biển ở Phú Yên

Đường Trần Hưng Đạo rợp bóng cây xanh là một trong những trục đường phố chính hướng về phía biển ở đô thị Tuy Hòa. Ảnh: VIỆT AN

Thế kỷ XXI, con người chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế kinh tế biển, các đô thị phát triển hướng về biển cả. Theo quy hoạch đến năm 2025, tỉnh Phú Yên có 4 đô thị biển đó là: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa.

Lợi thế đô thị biển

Phú Yên là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có đường bờ biển dài 189km; phía bắc giáp với ghềnh Ráng, Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - chạy vào đến đảo Hòn Nưa giáp tỉnh Khánh Hòa. Dãy Trường Sơn hùng vĩ khi vào đến Phú Yên, ở phía bắc là núi Cù Mông như con rồng khổng lồ trườn ra biển; còn phía nam là núi Đá Bia thuộc khối núi Đại Lãnh, là dấu chấm của dãy Trường Sơn sừng sững, hiên ngang, nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Tổ quốc, điều này làm cho bờ biển Phú Yên càng thêm xinh đẹp và hấp dẫn.

Dọc bờ biển có nhiều đảo nhỏ, núi đồi, hoa lá xanh tươi bốn mùa; có nhiều đầm vịnh đẹp nổi tiếng như đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan, vịnh Vũng Rô; có nhiều danh thắng đẹp như Gành Đá Đĩa, quần thể Hòn Yến, Mũi Đại Lãnh… Tại các cửa biển, cửa sông có các làng biển lâu đời với nghề nuôi trồng, đánh bắt hải sản, như nuôi tôm hùm, câu cá ngừ đại dương; nơi đây còn có lễ hội cầu ngư, hò bá trạo, với các nghề truyền thống như đóng tàu thuyền, đan thúng chai… Ngoài ra còn có các đô thị biển hình thành ở những khu vực này.

Cũng như nhiều đô thị biển trên cả nước, các đô thị biển ở Phú Yên được hình thành theo các trục giao thông ven biển, thường gọi là trục động lực kinh tế biển, đường tới đâu thì đô thị phát triển theo tới đó. Nhìn chung các đô thị biển ở Phú Yên có khí hậu khá tốt, bờ biển đẹp còn hoang sơ, rất thích hợp cho đầu tư các công trình du lịch nghỉ dưỡng. Mỗi đô thị lại có nhiều thế mạnh riêng khác hỗ trợ, chính vì vậy cần khai thác các lợi thế đặc trưng này cho từng đô thị.

Khai thác các tiềm năng

Theo quy hoạch đến năm 2025, Phú Yên có 4 đô thị biển đó là: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa. Trong đó, đô thị Sông Cầu sở hữu hơn 80km đường bờ biển mà ít đô thị nào có được. Thiên nhiên cũng ban tặng cho Sông Cầu những miền cát trắng trải dài, khi lại cong như vầng trăng với vẻ đẹp thanh khiết, tươi mới của những biển đảo xanh; nơi có rừng núi xanh, và đặc biệt có vịnh Xuân Đài - một di sản mà thiên nhiên ban tặng cho đô thị này. Sông Cầu tương lai là đô thị biển - du lịch - nghỉ dưỡng, nằm trong chuỗi đô thị khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Đô thị Tuy An có mật độ di sản lớn với hơn 50 di sản các loại, trong đó có 8 di sản cấp quốc gia, 1 di sản quốc gia đặc biệt. Các di sản phong phú, phân bổ khá đều, đó là chưa nói đến nhiều danh thắng ở núi rừng phía tây chưa được khai thác như Vực Hòm, Đập Đồng Tròn… Tuy An có cấu tạo địa chất văn hóa đá, nổi bật nhất là gành Đá Đĩa, bộ đàn và kèn đá Tuy An. Địa phương này đang phấn đấu hướng đến năm 2025 hình thành một đô thị: biển - di sản - dịch vụ tổng hợp.

Đô thị Tuy Hòa đang được xây dựng theo hướng hiện đại, hội nhập, thông minh, có nền văn hóa và thể thao vững mạnh, hướng đến phát triển bền vững về môi trường. Đô thị này hình thành với tầm nhìn quy hoạch là xây dựng một đô thị trung tâm, du lịch biển liên châu lục thông qua sân bay Tuy Hòa, là cửa ngõ của Tây Nguyên, có mối lưu thông hàng hóa, đào tạo về nhân lực, nơi trung chuyển thiết yếu cho hoạt động kinh tế và dân cư qua hệ thống đường bộ, đường sắt Bắc - Nam; với khu vực công nghiệp, công nghệ cao, thuận lợi cho phát triển kinh tế mang tính quốc tế.

Đối với đô thị Đông Hòa, tại đây có 2 cảng nước sâu là cảng Vũng Rô và cảng Bãi Gốc; có quốc lộ 29 lên Tây Nguyên, có đường sắt Bắc - Nam, có quốc lộ 1 đi qua, có sân bay Tuy Hòa; một đô thị mà có đến 4 phương tiện giao thông đối ngoại là rất hiếm. Đông Hòa còn là vùng kinh tế trọng điểm nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa. Tương lai nơi đây là đô thị biển, với yếu tố công nghiệp là chủ đạo, là đầu mối về giao thông trung chuyển hàng hóa giữa các phương tiện đường sắt - đường thủy - đường bộ.

Thực trạng khu trung tâm tại các đô thị biển ở Phú Yên hiện nay nói chung đều có mật độ cư trú rất thấp, có thể đặc hơn, cao hơn; xây dựng các đô thị nén trung tâm chú trọng phát triển về chiều cao, nhằm tiết kiệm về đất đai, tạo vóc dáng đô thị hiện đại. Khi đó cuộc sống của người dân đô thị thực sự tốt hơn, hạn chế việc đi lại, thuận lợi cho tiếp cận với các dịch vụ công trình phúc lợi hiện có.

Các đô thị biển Phú Yên có nhiều trục đường phố chính hướng về phía biển như đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo tại TP Tuy Hòa; đây là nét đặc trưng cho các đô thị trên địa bàn tỉnh. Đường phố không chỉ là giao thông mà còn là hành lang đưa nắng và gió biển vào lòng đô thị, đem lại không khí trong lành là tiêu chí hàng đầu về môi trường mà các đô thị hiện đại đang hướng tới.

Hiện nay, các đô thị biển trên cả nước luôn có những dự án nhà ở biệt thự cao cấp, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và đẳng cấp. Các đô thị biển cạnh tranh nhau gay gắt, nhưng các dự án đầu tư gần như lại giống nhau; dự án nào cũng biệt thự, nhà hàng, khách sạn; một số dự án phân lô bán nền. Các công trình phúc lợi như nhà trẻ, trường học, chợ... không theo kịp nên con em phải đi học xa, các sinh hoạt khác gặp nhiều khó khăn. Tại các đô thị ít thấy bóng dáng các công trình như trung tâm tài chính, thương mại, văn hóa, thể dục thể thao... đặc biệt là đầu tư cho cảng biển.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/286210/phat-trien-do-thi-bien-o-phu-yen.html