Phát triển đô thị, động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội
Đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, khi nói về chiến lược phát triển Phú Yên trong thời gian đến. Nhân chuyến công tác đến Phú Yên mới đây, ông đã chia sẻ với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề này.
* Ông đánh giá thế nào về sự phát triển các đô thị của Phú Yên hiện nay, thưa ông?
- Phú Yên có tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý; điều kiện tự nhiên, đất đai; cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối khu vực khá đầy đủ. Đây là những lợi thế để xây dựng và phát triển đô thị ngang tầm với các tỉnh lân cận trong khu vực và cả nước; đặc biệt là hệ thống đô thị ven biển.
Những năm gần đây, Phú Yên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng và quy hoạch đô thị có sự đột phá. Hệ thống đô thị khá thoáng đãng nhờ được đầu tư nhiều công viên, cây xanh dọc bờ biển, đây là điều mà hiếm địa phương nào có được.
Phú Yên có khoảng cách khá xa với các đô thị trung tâm lớn của cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một điều phải thừa nhận là tỉnh đang yếu về dịch vụ cho khách du lịch; hàng hóa cũng như phục vụ phát triển công nghiệp, nông nghiệp. Tuy đi sau nhưng đây lại là cơ hội để phát triển. Chúng ta phải nhìn nhận hệ sinh thái đang thiếu những gì để xây dựng quy hoạch liên kết vùng.
* Theo ông, phát triển đô thị có vai trò như thế nào đối với nền kinh tế? Phú Yên cần có chiến lược gì để sớm bắt kịp với các tỉnh lân cận?
- Thực tế tại các đô thị phát triển trên thế giới (Việt Nam cũng không ngoại lệ) đã dần khẳng định phát triển đô thị có vai trò là động lực phát triển nền kinh tế, là hạt nhân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội. Các đô thị đóng góp từ 75-80% GDP địa phương.
Chính vì thế, trong quá trình xây dựng quy hoạch cũng như định hướng phát triển, Phú Yên nên tập trung đầu tư xây dựng hệ thống đô thị theo hướng xanh, hiện đại, bền vững và nhất là phù hợp với thế mạnh của địa phương.
Để Phú Yên nhanh chóng bắt kịp các tỉnh lân cận, tỉnh nên tập trung vào 6 vấn đề chính gồm: Tổ chức quy hoạch kinh tế - xã hội và đô thị trong tương quan chiến lược liên kết và hợp tác vùng đô thị; hình thành các trục động lực phát triển kinh tế biển; xây dựng mạng lưới hạ tầng chiến lược trọng điểm theo hướng bắc - nam và đông - tây; tổ chức không gian đô thị theo hướng mở ra biển kết hợp với gia tăng quỹ đất phát triển; phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng nền tảng cho phát triển kinh tế số và đô thị thông minh.
Phú Yên đang rất cần những nghiên cứu chuyên sâu về giải pháp quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện để có thể lập các đồ án quy hoạch xây dựng có chất lượng; làm cơ sở đầu tư xây dựng các chuỗi đô thị nhằm phát triển có hệ thống, có giá trị hỗ trợ các chức năng đô thị với nhau. Đối với những khu vực là nông thôn ven biển, các làng chài truyền thống có sinh kế gắn với mặt nước, tỉnh cần có những mô hình tổ chức không gian ở và sản xuất của các cụm điểm dân cư ven biển, đảm bảo vệ sinh môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời có thể khai thác du lịch dịch vụ ven biển trong điều kiện đảm bảo hài hòa lợi ích, quan hệ cộng sinh giữa dân cư và nhà đầu tư.
* Phú Yên đang từng bước xây dựng hệ thống đô thị biển gồm: Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa. Ông nhìn nhận thế nào về định hướng phát triển các đô thị này?
- Tôi nghĩ, trọng tâm chiến lược phát triển đô thị Phú Yên cất cánh sẽ là chuỗi đô thị từ Tuy Hòa kéo xuống Vũng Rô nối liền với các đô thị Ninh Hòa, Nha Trang, Cam Ranh… để phát triển kinh tế gắn với cảng biển. TP Tuy Hòa phải phấn đấu sớm trở thành đô thị loại 1 để mở ra không gian, động lực phát triển cho cả tỉnh.
Hiện nay, Tuy Hòa có hai tiêu chí về dân số và diện tích chưa đạt nên cần mở rộng quy hoạch đô thị và gia tăng quy mô dân số. Đô thị Đông Hòa thì yếu tố công nghiệp là chủ đạo, với trọng tâm là Khu kinh tế Nam Phú Yên. Tương lai nơi đây là đô thị biển, là đầu mối về giao thông trung chuyển hàng hóa giữa các phương tiện giao thông đường sắt - thủy - bộ.
Phía bắc tỉnh Phú Yên với TX Sông Cầu và huyện Tuy An rất thuận lợi phát triển du lịch và có nhiều tiềm năng để phát triển thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia. Sông Cầu cần được quy hoạch, xây dựng để trở thành đô thị biển - du lịch - nghỉ dưỡng, nằm trong chuỗi đô thị du lịch khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Đô thị Tuy An, nơi có mật độ di sản lớn với nhiều di sản cấp quốc gia, danh lam thắng cảnh nổi tiếng sẽ rất phù hợp để hình thành đô thị du lịch di sản - văn hóa.
* Xin cảm ơn ông!
Trong chiến lược quy hoạch phát triển đô thị ven biển, Sông Cầu nên định hướng trở thành đô thị du lịch, sinh thái, công nghiệp về biển với nhiều tiềm năng thiên nhiên hiếm có. Tuy Hòa và Đông Hòa là đô thị động lực, tạo nên đô thị loại 1 trong tương lai, hình thành vùng kinh tế nam Phú Yên.
NHƯ THANH (thực hiện)