Phát triển đô thị vẫn bảo vệ được môi trường: Bài toán khó của Hà Nội cần giải sớm
Trong những năm gần đây, bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ hàng đầu của các quốc gia trên mọi phương diện. Theo xu thế đó, tại Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng, bảo vệ môi trường đã và đang là vấn đề được quan tâm đặc biệt vì vai trò và tầm quan trọng của công tác này. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng được thực hiện trên tinh thần đó.
PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy - ĐH Luật Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng xác định rõ mục tiêu của Thành phố đến năm 2030. Theo đó, Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, việc kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đây cũng là một trong những nguyên tắc xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Điều đó được thể hiện khá rõ thông qua một số quy định về bảo vệ môi trường tại Dự luật này.
Tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực đến môi trường tại Hà Nội
Theo ông Nguyễn Quốc Phi - Trường ĐH Mỏ - Địa chất, là trung tâm kinh tế chính của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội thu hút nhiều nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, dẫn đến sự quá tải về hạ tầng đô thị do gia tăng dân số, đi cùng với quá trình đô thị hóa nhanh khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền về phát triển đô thị gắn với vẫn bảo vệ được môi trường.
Theo thống kê, tổng dân số Hà Nội hiện nay đạt hơn 8 triệu người. Mật độ dân số của TP Hà Nội là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số của cả nước. Điều này tạo áp lực ngày càng lớn về các hạ tầng giao thông, kỹ thuật TP. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh tác động tiêu cực đến môi trường tại Hà Nội.
Ô nhiễm môi trường do tăng lượng chất thải sinh hoạt, theo kết quả thống kê, việc gom rác ở Hà Nội chưa đạt hiệu quả triệt để, vẫn còn khoảng 15% lượng rác thải không được thu gom, xử lý mà vứt tại các kênh, rạch hay các khu đất trống trong địa bàn thành phố. Hiện nay, tỷ lệ này đang có xu hướng tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 7.000 tấn, trong đó có 10-15% không được thu gom. Lượng rác thải này đủ để gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý và tiêu hủy rác thải rắn đã và đang trở thành vấn đề nan giải đối với những nhà quản lý đô thị tại Hà Nội. Các cơ quan có thẩm quyền tại Hà Nội đã đề ra những phương án để xử lý chất thải rắn bằng phương pháp phân loại rác thải rắn tại nguồn. Tuy nhiên, do yếu tố nguồn lực và nhân lực còn hạn chế, chương trình này vẫn chưa thể triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn thành phố. Vấn đề tồn đọng về rác thải đã và đang gây ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan cho quá trình đô thị hóa.
Ô nhiễm môi trường do lượng nước thải sinh hoạt, hiện nay, ở Hà Nội nói riêng và các khu đô thị trên nước ta nói chung hầu hết nước thải sinh hoạt đều chưa được xử lý mà đổ thẳng ra các sông hồ trong đô thị. Tổng lượng nước thải hằng ngày của thành phố Hà Nội vào khoảng 320.000m3 trong đó có tới 1/3 là nước thải công nghiệp. Trên thực tế, đã có những con sông ở Hà Nội đã trở thành dòng sông chết do bị ô nhiễm quá nghiêm trọng, như sông Tô Lịch… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của những người dân khu vực đó.
Cho đến nay, Hà Nội vẫn luôn trong top những TP có độ ô nhiễm môi trường không khí cao nhất thế giới. Chất lượng không khí của Hà Nội “không có dấu hiệu được cải thiện”. Yếu tố gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội chủ yếu do ô nhiễm bụi, nồng độ bụi lơ lửng trong không trung, tổng số TSP, bụi PM10 và bụi mịn (PM2,5 đến PM1).
Với một khu đô thị lớn như Hà Nội, mức độ đô thị hóa cao, mật độ xe cộ tham gia giao thông luôn ở mức dày đặc, tiếng ồn đến từ còi xe, nẹt bô… đã trở thành nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường, bởi tiếng ồn và gây những khó chịu đến cuộc sống của người dân, đồng thời làm xấu bộ mặt của đô thị. Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại các đô thị như Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA).
Còn ở các khu công nghiệp, người lao động ở mọi ngành nghề đều phải tiếp xúc với tiếng ồn. Trong tổng số khoảng 52 triệu người lao động, có khoảng từ 10 - 15 triệu người phải tiếp xúc với tiếng ồn cao hơn mức quy định đã gây ra ô nhiễm môi trường bởi tiếng ồn. Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động; tiếng ồn 90dB sẽ gây mệt mỏi, mất ngủ, tổn thương chức năng thính giác, mất thăng bằng cơ thể và suy nhược thần kinh.
Hà Nội hiện nay có chất lượng môi trường đất bị ô nhiễm ngày càng gia tăng. Nguyên nhân là do đất chịu tác động của các chất thải từ hoạt động công nghiệp và đô thị hóa, xây dựng, sinh hoạt và các bãi chôn lấp rác thải; các chất độc hóa học tồn lưu; nước thải ngấm vào đất, gây ô nhiễm môi trường đất và làm thay đổi hàm lượng các chất hóa học trong đất. Ngoài ra, một số khu vực là nơi chứa đựng và lưu trữ các chất thải của quá trình sản xuất, hay chất thải rắn sinh hoạt tiềm tàng nhiều nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường đất. Tại khu vực đô thị, chỉ có khoảng 15% số bãi chôn lấp chất thải rắn bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh. Nước rỉ từ các hầm ủ, bãi chôn lấp không được xử lý theo quy định sẽ ngấm xuống đất gây ô nhiễm môi trường đất và nước ngầm.
Để ngăn chặn, giảm nguồn phát sinh ô nhiễm, TP Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, như Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”... đã đề cập đến nhiều lĩnh vực, từ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường đến xác định cụ thể các “điểm đen”, khu vực ô nhiễm môi trường; xử lý ô nhiễm và kiểm soát các nguồn xả thải...
Tính từ năm 2017 đến nay, các cơ quan quản lý môi trường đã xử phạt vi phạm về bảo vệ môi trường 6.025 cơ sở, với số tiền hơn 63 tỷ đồng. Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt hơn 53.000 công trình gây ô nhiễm môi trường với số tiền gần 100 tỷ đồng...
Cần chú trọng công tác xã hội hóa trong bảo vệ môi trường
Để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp hơn với yêu cầu bảo vệ môi trường nói chung và pháp luật bảo vệ môi trường nói riêng của các quy định này, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy cho rằng, tên điều luật nên sửa đổi để đảm bảo bao quát hết các nội dung được điều chỉnh trong các điều khoản cụ thể. Nếu chỉ dùng thuật ngữ “giảm phát thải” thì không bao quát được hết các vấn đề được điều chỉnh tại khoản 2 đến khoản 5 của Điều luật này. Bởi lẽ, việc nghiêm cấm lấn chiếm, gây ô nhiễm sông, suối, hồ, ao, đầm, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng; chặt phá rừng, cây xanh trái phép; xả chất thải chưa qua xử lí ra môi trường; sử dụng diện tích công viên, vườn hoa công cộng sai chức năng, mục đích hay việc san lấp, cải tạo sông, hồ, ao suối, đầm bị ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt phải phù hợp với quy hoạch đô thị, quy định về kiến trúc, cảnh quan, môi trường của Thủ đô không chỉ nhằm bảo vệ môi trường theo nghĩa hẹp, giảm phát thải mà còn bao hàm cả việc quản lí các hoạt động xả thải chất thải ra môi trường và cải thiện môi trường. Vì vậy, nên bỏ “và giảm phát thải” trong Điều luật này, chỉ nên quy định bảo vệ môi trường là đủ.
Thứ hai, khoản 3 Điều luật này nên đề cập vấn đề xã hội hóa, vì đây là một biện pháp đã và đang mang lại hiệu quả trong bảo vệ môi trường tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường là việc cho phép các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước tự do hóa kinh doanh các hoạt động cung cấp dịch vụ bảo vệ môi trường, cùng với quá trình thu hẹp các lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước. Điều đó có nghĩa người dân và các đối tượng tiếp nhận lợi ích môi trường sẽ tăng thêm đóng góp tài chính (thuế, cước phí dịch vụ, thậm chí cả một phần vốn đầu tư ban đầu...) và chủ động tham gia giám sát rộng rãi, dân chủ hơn để được thụ hưởng các dịch vụ và tiện ích môi trường đa dạng hơn, chất lượng cao hơn, thuận tiện và phù hợp nhu cầu của mình hơn.... Trong việc giải quyết các vấn đề môi trường của Thủ đô, đặc biệt là thu gom, vận chuyển và xử lí rác thải sinh hoạt, xã hội hóa bảo vệ môi trường sẽ góp phần không nhỏ trong việc huy động sức mạnh của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, hợp tác xã ngoài khu vực kinh tế nhà nước.
Với lí do đó, Ban soạn thảo nên sửa quy định tại khoản 3 Điều 28 của Dự t hảo Luật như sau: “Bố trí nguồn lực, xã hội hóa và thu hút đầu tư vào các dự án phân loại, xử lí chất thải rắn sinh hoạt, xử lí ô nhiễm môi trường sông, suối, hồ, ao, đầm có công nghệ tiên tiến, hiện đại”.
Khoản 5 điểm a nên sửa lại cho phù hợp với thực tiễn và mục tiêu giảm phát thải từ các nguồn thải động. Khoản 5 Điều 28 Dự thảo luật quy định: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”. Quy định này vô tình đã tạo ra sự phân biệt đối xử giữa việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân và sử dụng phương tiện giao thông công cộng về nghĩa vụ đối với bảo vệ môi trường. Không thể phủ nhận việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng là cần thiết để giảm phát thải, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm không khí tại Thủ đô. Song điều đó không đồng nghĩa với việc các phương tiện giao thông công cộng là tuyệt đối an toàn cho môi trường, không cần kiểm soát. Vì vậy, để phù hợp hơn với thực tiễn và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, PGS.TS Vũ Thị Duyên Thủy cho rằng quy định này nên được sửa như sau: “HĐND TP Hà Nội quy định vùng phát thải thấp cho Thủ đô và Vùng Thủ đô bao gồm quy hoạch vùng phát thải thấp, các biện pháp khuyến khích đầu tư đối với lĩnh vực, phương thức sản xuất, kinh doanh dịch vụ phát thải thấp trên địa bàn Thủ đô; biện pháp kiểm soát phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ không đảm bảo tiêu chuẩn về phát thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và chuyển dịch năng lượng”.