Phát triển đô thị xanh: Thị trường chưa đủ động lực, cần chính sách tiếp sức
Đô thị xanh, công trình xanh và phát triển theo hướng Net Zero đang dần trở thành xu thế chủ đạo trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và quy hoạch đô thị tại Việt Nam.

Thành phố Tuy Hòa có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng vẫn giữ được không gian xanh gần gũi thân thiện. Ảnh minh họa: Phạm Cường-TTXVN
Trước yêu cầu cấp bách của phát triển bền vững và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, khái niệm đô thị xanh, công trình xanh và phát triển theo hướng Net Zero đang dần trở thành xu thế chủ đạo trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản và quy hoạch đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, để tiến trình này diễn ra thực chất và hiệu quả, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa hành lang pháp lý, chính sách khuyến khích, cùng với nhận thức và hành động từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.
* Doanh nghiệp chủ động chuyển mình xanh hóa
Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Ariston Việt Nam cho biết, trong khi các lĩnh vực như công nghiệp, giao thông thường được nhắc đến nhiều khi nói về phát thải carbon, thì khu vực dân dụng – bao gồm các công trình nhà ở, khách sạn, khu nghỉ dưỡng – lại chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi mảng dân dụng đóng góp tới gần 40% lượng khí thải carbon toàn cầu là nguồn tác động môi trường rất lớn nhưng chưa nhận được đầu tư và cải tiến tương xứng.
Từ góc độ doanh nghiệp, Ariston – tập đoàn dẫn đầu trong ngành gia nhiệt toàn cầu – đã chủ động theo đuổi định hướng phát triển xanh bằng việc đẩy mạnh các dòng sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như máy nước nóng bơm nhiệt, hệ thống gia nhiệt tiết kiệm năng lượng, đồng thời hướng tới việc đồng bộ thiết bị xanh trong các công trình dân dụng và nghỉ dưỡng tại Việt Nam.Câu chuyện và mong muốn của Ariston cũng là điển hình của nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, để việc phát triển xanh diễn ra một cách đồng bộ và có chiều sâu, vẫn cần một khuôn khổ chính sách đủ mạnh để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi.Tiến sỹ Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, hiện nay việc triển khai đô thị xanh phần lớn do doanh nghiệp chủ động. Trong khi đó, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cụ thể vẫn còn thiếu, dẫn đến thực trạng “trăm hoa đua nở”, mỗi nơi một kiểu, không có chuẩn mực thống nhất để đánh giá hiệu quả chuyển đổi.Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần xây dựng các bộ tiêu chí xanh rõ ràng, bắt buộc áp dụng trong cấp phép xây dựng cũng như các cơ chế ưu đãi tài chính như tín dụng xanh, giảm thuế hoặc hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho các chủ đầu tư cam kết đạt chuẩn công trình xanh.Với Tiến sỹ Hoàng Mạnh Nguyên, công trình xanh không chỉ mang lại lợi ích môi trường mà còn có hiệu quả kinh tế rõ rệt. Công trình bền vững có thể tiết kiệm tới 30% năng lượng, giảm 35% phát thải carbon, tiết kiệm 50% lượng nước và giảm tới 90% chi phí xử lý chất thải so với công trình truyền thống. Đặc biệt, công trình xanh còn giúp cải thiện sức khỏe người dùng và nâng cao năng suất lao động nhờ vào các thiết kế tối ưu hóa ánh sáng, thông gió và kiểm soát nhiệt độ - ông Nguyên phân tích.Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – Tiến sỹ Võ Trí Thành cho rằng, tư duy phát triển xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành mệnh lệnh thị trường, xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng mới của tầng lớp trung lưu, thế hệ Z và nhóm người tiêu dùng có ý thức xã hội cao. Trong bối cảnh hiện nay, phát triển xanh phải đi liền với chuyển đổi số. Dù số hóa không đồng nghĩa với xanh hóa, nhưng cả hai là yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại.“Không chỉ vậy, phát triển bền vững hiện đã trở thành tiêu chí hợp tác bắt buộc trong nhiều ngành. Các đối tác quốc tế hiện yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị) để được xem xét hợp tác hoặc đầu tư” – ông Thành nhấn mạnh.* Cần chính sách tiếp sứcMột trong những trở ngại lớn mà các doanh nghiệp hiện gặp phải là chi phí đầu tư ban đầu cho các thiết bị, vật liệu và thiết kế xanh còn cao, trong khi người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả thêm cho yếu tố bền vững. Ông Nguyễn Cao Trí nêu thực tế, việc tích hợp máy nước nóng bơm nhiệt của Ariston trong các dự án dân dụng vẫn gặp khó vì thiếu quy chuẩn và sự đồng bộ với các thiết bị khác trong công trình.

Tòa nhà trụ sở Techcombank được trao chứng nhận quốc tế cao nhất về công trình xanh. Ảnh: BNEWS phát
Đặc biệt, hiện Việt Nam vẫn chưa có hệ thống quy chuẩn quốc gia cho các sản phẩm xanh như bơm nhiệt, năng lượng tái tạo… Điều này gây khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư và người tiêu dùng tin tưởng và sử dụng sản phẩm xanh.
“Chúng ta có rất nhiều khẩu hiệu về nhà thông minh, tòa nhà thông minh, nhưng thực tế lại chưa có sự đồng bộ thiết bị trong cùng hệ thống. Đây là một điểm nghẽn cần tháo gỡ”, ông Trí chia sẻ.
Còn các chuyên gia cho rằng, không nhất thiết phải phát triển công trình đạt chuẩn xanh toàn diện ngay từ đầu, mà nên có lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Theo ông Hoàng Mạnh Nguyên, Quy chuẩn 04:2019/BXD (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư) hiện mới chỉ áp dụng cho các công trình có tổng diện tích sàn từ 2.500 m2 trở lên. Trong tương lai, cần mở rộng áp dụng với công trình nhỏ hơn để tạo lan tỏa.
Từ góc độ chính sách, ông Võ Trí Thành cho rằng, hai yếu tố quan trọng nhất hiện nay là xây dựng bộ tiêu chuẩn rõ ràng và lộ trình triển khai minh bạch. Phải công khai mức phát thải thực tế của các công trình, từ đó mới có thể áp dụng quy chuẩn cụ thể, tránh tình trạng “tẩy xanh” – tô vẽ thành tích bền vững để đánh bóng thương hiệu.
Một đề xuất đáng chú ý là việc xếp hạng khách sạn hay văn phòng theo chuẩn xanh thay vì chỉ theo sao hoặc hạng truyền thống. Tuy nhiên, thay vì bắt buộc, các chuyên gia đề xuất nên sử dụng cơ chế khuyến khích như miễn giảm thuế, ưu đãi tín dụng để tạo động lực thay đổi từ phía doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vấn đề tín dụng xanh hiện cũng là điểm nghẽn lớn trong phát triển đô thị xanh. Theo thống kê, hiện nay tỷ trọng tín dụng xanh tại Việt Nam chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ tín dụng toàn quốc, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Trong khi đó, bất động sản – lĩnh vực có nhu cầu vốn lớn – lại chưa tiếp cận được nguồn tín dụng này do thiếu bộ tiêu chí xác định dự án xanh.
Do đó, các chuyên gia đề xuất cần quy định rõ chỉ cấp tín dụng xanh cho những dự án đạt chứng chỉ công trình xanh quốc tế uy tín, đồng thời thiết lập cơ chế minh bạch trong phân bổ và giám sát dòng vốn. Đặc biệt, cần hành động từ cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Phát triển xanh là xu thế tất yếu, nhưng để quá trình chuyển đổi diễn ra thực chất, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách và thị trường. Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng bộ tiêu chí chuẩn, đồng thời triển khai các ưu đãi đủ mạnh. Về phía doanh nghiệp, cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư vào công nghệ xanh, thiết bị tiết kiệm năng lượng và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Quan trọng hơn cả, phát triển xanh không chỉ là bài toán kỹ thuật hay tài chính, mà còn là vấn đề thay đổi nhận thức. Mỗi hành động nhỏ hướng tới bền vững, dù là cải tiến thiết bị, điều chỉnh thiết kế hay nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đều là bước đi cần thiết trên hành trình hướng tới mục tiêu Net Zero.