Phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng chọn 'người thắng cuộc' để hỗ trợ
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn 'Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020', TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh rằng cần phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng chọn 'người thắng cuộc' để hỗ trợ. Cụ thể là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) hoạt động tốt, các dự án tiềm năng, có hiệu quả....
Tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung cho biết, thực hiện quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cả nước mới có 25,8% nhóm nhiệm vụ đã được triển khai và có kết quả rõ ràng; 57,5% nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng; 16,7% nhiệm vụ đã triển khai nhưng chưa có kết quả. Đánh giá chung cho thấy, có 24% mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế dự kiến hoàn thành, 32% mục tiêu có khả năng hoàn thành và 41% nhiệm vụ khó hoàn thành.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc cơ cấu lại nền kinh tế đất nước đã đạt được những kết quả tích cực như: Kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, tăng trưởng phục hồi và đạt mức tương đối cao, chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế còn bộc lộ những hạn chế như cách thức phân bố nguồn lực chưa thay đổi, chưa được phân bố lại theo hướng nâng cao hiệu quả.
Bên cạnh đó, các dòng chảy lớn chuyển dịch còn chậm như: Chuyển nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ, nông thôn sang thành thị, nhà nước sang tư nhân, chính thức sang phi chính thức. Trong khi, các dòng chuyển dịch này là nhân tố quan trọng tạo động lực cho tăng trưởng.

Toàn cảnh Hội thảo tham vấn “Đánh giá giữa kỳ kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020”. (Ảnh: DNVN/My Anh)
TS. Nguyễn Đình Cung cho biết thêm, để tạo động lực tăng trưởng cao và bền vững, Việt Nam cần thay đổi khác biệt về tư duy, cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tạo cực tăng trưởng động lực cho nền kinh tế.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng đề nghị: Sau nhiều năm tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, chúng ta cần có cơ quan độc lập đánh giá lại thực trạng và hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong chỉ tiêu tái cơ cấu, cần làm rõ chúng ta đã phải bỏ ra chi phí bao nhiêu để tái cơ cấu, số tiền là bao nhiêu. Cái này rất quan trọng và cực kỳ cần thiết.
Song song với đó, cũng làm rõ chi phí cơ hội của tái cơ cấu, chuyển đổi. Làm rõ nếu chúng ta chậm ban hành hoặc không sửa đổi chính sách thì sẽ kéo giảm sự phát triển đất nước như thế nào?
Chúng ta cũng cần làm rõ 4 điểm so sánh với thế giới là: Chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực kinh doanh, đổi mới sáng tạo và chi phí logistics, để từ đó nhận định đúng khoảng cách của nền kinh tế Việt Nam với thế giới.
Tạo sự cạnh tranh công bằng giữa DN Nhà nước và DN tư nhân
Đề xuất các giải pháp nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới mạnh mẽ hơn cho giai đoạn trước mắt, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng phải kiên quyết thực thi sự cạnh tranh thị trường công bằng, bình đẳng, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các giải pháp hiện có (Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, xử lý nợ xấu…). Theo nguyên tắc đó, cần hỗ trợ "người thắng cuộc" để phát triển doanh nghiệp tư nhân. Cụ thể là tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động tốt, các dự án tiềm năng, có hiệu quả.... Hỗ trợ ở đây không phải bằng nguồn lực mà bằng cách tháo bỏ nhanh những rào cản, chính sách bất hợp lý, giải quyết ngay các vướng mắc để doanh nghiệp hoàn thành dự án càng nhanh càng tốt, tối đa hiệu quả đầu tư. Cùng với đó là xóa bỏ độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước, ví dụ xóa bỏ độc quyền của Tổng công ty Hàng không…
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, chỉ có “thị trường, thị trường và thị trường hơn mới tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, phát triển. Còn nếu cứ kìm hãm thị trường như hiện nay thì sẽ không có dư địa cho tăng trưởng”.
Với cách mạng 4.0, TS. Cung nói cần suy nghĩ nhiều hơn, hành động nhiều hơn là tuyên bố khẩu hiệu. Sự thay đổi phải bắt đầu từ tư duy, thể chế và hạ tầng. Nếu cứ tư duy thiếu thị trường như hiện nay thì sẽ đẩy cách mạng 4.0 đi chứ không phải kéo 4.0 ở lại.
Đối với tái cơ cấu đầu tư công, giải pháp được đề xuất là trong 2 năm còn lại nên ưu tiên đầu tư công cho 3 cực tăng trưởng là khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông, Hà Nội và một số tỉnh lân cận (Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương…), Đà Nẵng và Trung Trung Bộ. Bởi lẽ, nếu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh tăng GDP 1% thì cả nước tăng GDP 0,5%, vì 2 khu vực này chiếm tới 50% tăng trưởng GDP cả nước.