Phát triển đội ngũ giáo viên cả về lượng và chất

Trong năm học 2024-2025, các địa phương tập trung triển khai tuyển sinh lớp 10, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Trong 2 ngày 22 và 23-7, tại TP Hải Phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị giám đốc Sở GD-ĐT năm 2024, bàn thảo phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Lo tuyển giáo viên, trường lớp

Đánh giá về năm học 2023-2024, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đây là năm học thành công, ngành giáo dục đã khắc phục khó khăn, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra theo kế hoạch năm học.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng biểu dương các sở GD-ĐT trong cả nước đã rất tích cực trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các địa phương tích cực xử lý khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các môn học mới, giáo viên cho các môn học mới, vấn đề dạy học tích hợp, đổi mới kiểm tra đánh giá và tham mưu cho chính quyền địa phương giải quyết nhiều nội dung liên quan đến quá trình đổi mới giáo dục. Các địa phương cũng đã phối hợp, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đạt kết quả tốt.

Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học 2023-2024 vẫn còn hạn chế, như tình trạng thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương; việc rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cấp mầm non, phổ thông còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Góp ý tại hội nghị, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, nêu một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu giáo viên. Nhằm khắc phục, ngành giáo dục Đắk Lắk đã triển khai các phương án dạy liên cấp, liên trường, trực tiếp kết hợp trực tuyến để đáp ứng yêu cầu dạy, học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang, cho biết thiếu giáo viên, khó tuyển dụng giáo viên là nỗi trăn trở của ngành giáo dục địa phương. Để thu hút được giáo viên, Sở GD-ĐT đã tham mưu với HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về đãi ngộ và cam kết đối với giáo viên tuyển mới, đặc biệt là giáo viên ở các bộ môn tin học, tiếng Anh, âm nhạc và mỹ thuật. Năm qua, Sở GD-ĐT tỉnh Hậu Giang đã thu hút được 66 giáo viên đảm nhận 4 môn học này.

Từ năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TẤN THẠNH

Từ năm học 2024-2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: TẤN THẠNH

Chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng năm học 2024-2025 là năm đặt ra rất nhiều yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng. Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đặt ra cho năm học mới, Bộ trưởng đề nghị các sở GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29; củng cố, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xóa mù chữ và từng bước phấn đấu đạt chuẩn mức độ cao hơn để nâng cao chất lượng giáo dục.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các địa phương về triển khai tuyển sinh lớp 10, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học 2024-2025 là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, do đó người đứng đầu ngành giáo dục đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu lãnh đạo địa phương xây dựng kế hoạch 5 năm 2025-2030 để địa phương chủ động đầu tư cho giáo dục. Cùng với đó là tham mưu bảo đảm chi ngân sách tối thiểu cho giáo dục 20%.

Về xây dựng thể chế, Bộ trưởng lưu ý lãnh đạo các sở GD-ĐT tiếp tục quan tâm góp ý cho các dự thảo văn bản, trong đó, trước hết là thảo luận góp ý thật sâu, đầy đủ, toàn diện cho Luật Nhà giáo và chuẩn bị tinh thần, điều kiện để chủ động thực hiện các nội dung của Luật Nhà giáo nếu được thông qua, ban hành.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng dự thảo luật đang xây dựng trên tinh thần chuyển từ quản lý mang tính hành chính sang quản trị nguồn nhân lực đối với nhà giáo. Luật cũng nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo, đem lại nhiều ưu thế và quyền lợi hơn cho nhà giáo, nhưng cũng yêu cầu, đòi hỏi nhà giáo phải phấn đấu phát triển nhiều hơn, tạo tiền đề và căn cứ để nâng cao chất lượng giáo dục và làm điều kiện để khôi phục và nâng cao sự tôn vinh của xã hội đối với nhà giáo.

Nhấn mạnh ưu tiên và tập trung cao cho đổi mới giáo dục phổ thông các lớp cuối cấp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu địa phương quan tâm đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, chuẩn bị phương án để bảo đảm kiên cố hóa 100% cơ sở giáo dục đến năm 2030, phát triển đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng. Song song đó quan tâm phát triển các trường dân tộc nội trú, giáo dục dân tộc...

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phat-trien-doi-ngu-giao-vien-ca-ve-luong-va-chat-196240723202546733.htm