Phát triển đột phá: Thể chế hay con người và chính sách?

Để vươn tới vị thế quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự đột phá cả về tư duy và chính sách.

Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra mục tiêu: Đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Nếu hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo 2045, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, thay đổi được vị thế quốc gia, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng mong mỏi từ những ngày đầu sau khi đất nước giành được độc lập.

Nếu hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo 2045, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, thay đổi được vị thế quốc gia. Ảnh: Vũ Minh Quân

Nếu hiện thực hóa được tầm nhìn lãnh đạo 2045, Việt Nam sẽ gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, thay đổi được vị thế quốc gia. Ảnh: Vũ Minh Quân

Trên bình diện quốc tế, vị thế quốc gia đề cập đến chỗ đứng của mỗi đất nước trong các cấu trúc khu vực hoặc toàn cầu, phản ánh quyền lực, uy tín và mức độ ảnh hưởng của nước đó đối với các quốc gia khác cũng như những tổ chức quốc tế. Thông thường, vị thế quốc gia được nhận diện dựa vào các tiêu chí như diện tích, dân số, quy mô của nền kinh tế, sức mạnh quân sự, năng lực tài chính, sức hấp dẫn văn hóa, vị trí địa lý và địa chính trị, mức độ hiện đại về cấu trúc quản trị quốc gia, cũng như sự văn minh, tiến bộ về tổ chức đời sống xã hội.

Sự tổng hòa của các yếu tố nêu trên tạo thành quyền lực quốc gia, có thể chia thành hai nhóm, đó là quyền lực cứng (sức mạnh vật chất, tài chính) và quyền lực mềm (sức mạnh văn hóa). Quyền lực quốc gia sẽ quyết định vị thế, vai trò, và ảnh hưởng của mỗi nước trong quan hệ quốc tế.

Sau gần 40 năm thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, một thực tế không thể phủ nhận là vị thế của Việt Nam trên bình diện quốc tế đã thay đổi hoàn toàn. Từ chỗ là một quốc gia nghèo, bị cấm vận, cô lập vào cuối những năm 1980, hiện nay Việt Nam đã trở thành nền kinh tế xếp thứ 34 trên thế giới, quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia; quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, quan hệ quốc hội, nghị viện với trên 140 nước.

Tuy nhiên, để vươn tới vị thế quốc gia phát triển vào năm 2045, Việt Nam vẫn đang đứng trước rất nhiều thách thức, đòi hỏi sự đột phá cả về tư duy và chính sách.

Cụ thể, trong hơn hai thập kỷ tới, Việt Nam phải nâng được GDP bình quân đầu người lên khoảng 12.500 đến 15000 USD/năm, chỉ số phát triển con người (HDI) vượt 0.8, quan hệ hài hòa và tích cực với các đối tác quốc tế, có tiếng nói và ảnh hưởng với các vấn đề khu vực và toàn cầu, và trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư và khách du lịch quốc tế. Có thể nói, chỉ có phát triển đột phá mới giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình để nâng tầm vị thế quốc gia.

Quan điểm thể chế

Từ Đại hội Đảng lần thứ 11, ba trọng điểm đột phá chiến lược đã được xác định để thúc đẩy phát triển, bao gồm: thể chế, con người, và cơ sở hạ tầng. Mặc dù đột phá về thể chế được đặt lên hàng đầu thể hiện quan điểm và tư duy quản trị hiện đại nhưng lịch sử đất nước cũng như bài học thành công của nhiều nước trong khu vực lại gợi ra rằng thể chế không phải là điều kiện quyết định cho những phát triển đột phá trong ngắn hạn.

Thể chế không đơn giản chỉ bao gồm các cơ chế, luật pháp, quy định, mà còn là hệ thống chính trị - hành chính, quy trình chính sách... Bên cạnh đó, những thể chế phi chính thức như thông lệ xã hội, phong tục, tập quán, thói quen hành vi…cũng có ảnh hưởng rất quan trọng đến các hoạt động quản trị quốc gia. Như vậy, đột phá thể chế chỉ thực sự hữu hiệu, phát huy tác dụng nếu được tiến hành trên phương diện cấu trúc tổng thể, vốn đòi hỏi thời gian, có thể cần đến nhiều thập kỷ.

Kinh nghiệm phát triển của các nước cũng gợi ra rằng thiết kế thể chế ở mọi hình thức, mọi cấp độ đều cần thời gian để có thể tồn tại được trên mảnh đất cụ thể, trưởng thành, và phát huy tác dụng. Khả năng vận hành, uy lực của hệ thống thể chế cũng còn phụ thuộc vào chất lượng con người, truyền thống văn hóa cũng như các thói quen hành vi... Trong khi đó, từ truyền thống cho đến hiện nay, đa số người Việt Nam vẫn còn khá lạ lẫm với ý niệm về thể chế, vẫn quen với niềm tin vào con người cụ thể chứ chưa hình dung được những tiềm năng và sức mạnh của thể chế.

Những đặc trưng cấu trúc quản trị quốc gia ở nước ta hiện nay cũng ảnh hưởng đến vai trò và tác dụng của thể chế. Bởi lẽ, bản thân thể chế không thể tự vận hành, hoặc được vận hành đúng như thiết kế. Đặc trưng quyền lực tập trung và thống nhất ở nước ta hiện nay khiến khả năng phát huy tác dụng của thể chế còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của chủ thể duy nhất của hệ thống quyền lực, ở mọi cấp độ quản trị.

Những đặc điểm nêu trên gợi ra rằng coi trọng thể chế là tư duy hiện đại, hướng tới tương lai nhưng nếu đặt trong quan hệ với nhu cầu phát triển đột phá trong hai thập kỷ tới thì chúng ta không nên duy ý chí với niềm tin vào sức mạnh của thể chế.

Con người và chính sách

Nhìn lại những thành công bứt phá của một số nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, hay vùng lãnh thổ Đài Loan từ nửa sau thế kỷ 20 thì có thể thấy hai yếu tố quan trọng hàng đầu, đó là con người và chất lượng chính sách, chứ không phải các điều kiện thể chế.

Về con người, thành công ở mỗi nước nêu trên trước hết đều ghi dấu ấn của đội ngũ các nhà lãnh đạo chính trị có khát khao phát triển bứt phá để sớm thay đổi vị thế quốc gia. Bên cạnh các lãnh đạo chính trị quyết đoán là đội ngũ công chức hành chính, chuyên môn tài năng, đủ năng lực để hoạch định và thực hiện hiệu lực, hiệu quả các kế hoạch tăng trưởng của quốc gia.

Về chính sách, các nước nêu trên đều đề ra các ưu tiên phát triển quốc gia. Chính phủ và doanh nghiệp cùng hợp tác, nhận diện được những “khoảng trống” trên thị trường thế giới. Dựa vào đó, chính sách công nghiệp hóa được hình thành với những ưu tiên nhất định nhằm giúp các doanh nghiệp trong nước gia tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, nhờ đó gia tăng quy mô và giá trị của nền kinh tế.

Đến nay, các chính sách đúng đắn đã tạo nên những “ấn tượng quốc gia” trong tiến trình phát triển. Với Nhật Bản và Hàn Quốc, đó là những doanh nghiệp dân tộc (Keiretsu và Chaebol) đã vươn lên, trở thành những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới chỉ sau vài thập kỷ. Với Trung Quốc, đó là các khu kinh tế mở, nơi thu hút nguồn lực quốc tế để từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước. Với Singapore, đó là nỗ lực bền bỉ để trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực và thế giới.

Những điển hình thành công nêu trên cho thấy vai trò hàng đầu của chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức Nhà nước và những định hướng chính sách “đúng và trúng”. Vì thế, hai yếu tố này được nhận diện là hai đặc điểm nổi bật nhất của mô hình Nhà nước kiến tạo phát triển, một yếu tố đã được giới nghiên cứu quốc tế khẳng định tầm quan trọng với sự thành công thần kỳ của “các con hổ châu Á”.

Khẳng định vai trò quyết định của hai yếu tố con người và chính sách đúng đắn trong nỗ lực bứt phát phát triển của các nước thành công không có nghĩa phủ định vai trò của các điều kiện thể chế. Trên thực tế, những điều chỉnh thể chế tại các nước nêu trên cũng được thực hiện nhưng theo hướng phục vụ cho các ưu tiên chính sách, chứ không phải xây dựng nền kinh tế cạnh tranh tự do để theo đuổi các lợi ích vị kỷ của mỗi doanh nghiệp.

Sản phẩm quan trọng thứ hai của các điều kiện thể chế tại các nước thành công trong khu vực Đông Á chính là các “Liên minh phát triển”, một mối quan hệ hợp tác giữa các lực lượng quyền lực nhất trong xã hội, đặc biệt là chính quyền và doanh nghiệp, để cùng theo đuổi các mục tiêu phát triển quốc gia. Đây chính là điều kiện để kiến tạo và duy trì sự ủng hộ chính trị cho các quyết sách đột phá được dẫn dắt bởi Nhà nước.

Khơi dậy, nuôi dưỡng, và dẫn dắt khát vọng quốc gia phát triển

Là nước đi sau và bối cảnh hiện nay cũng đã khác xa so với trước đây, Việt Nam tất nhiên không thể lặp lại các mô thức thành công của các nước đi trước. Tuy nhiên, xét đến nhu cầu phát triển đột phá trong hơn hai thập kỷ tới thì chúng ta vẫn có thể học được nhiều điều. Quan trọng nhất là bài học về tập trung nguồn lực, hình thành và duy trì nỗ lực tập thể cho mục tiêu quốc gia phát triển.

Yêu cầu nêu trên trước hết đòi hỏi chất lượng đội ngũ cán bộ Nhà nước, những người có thể khơi dậy, nuôi dưỡng, và dẫn dắt khát vọng quốc gia phát triển. Họ cũng chính là lực lượng hoạch định những chính sách “đúng và trúng” trong bối cảnh hiện tại. Trong khi đó, những điều chỉnh thể chế cần hướng đến phục vụ chính sách, cụ thể là bảo đảm sự gắn kết và niềm tin chính trị giữa các doanh nghiệp cũng như các lực lượng xã hội với Nhà nước, qua đó phát huy được sức mạnh tổng thể của đất nước trong nỗ lực thay đổi vị thế quốc gia.

Nguyễn Văn Đáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/phat-trien-dot-pha-the-che-hay-con-nguoi-va-chinh-sach-2317912.html