Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở tôn trọng và vinh danh lịch sử

Việc quảng bá Hội trường Thống Nhất và Văn Miếu - Quốc Tử Giám như một hệ thống điểm đến không chỉ làm phong phú thêm hành trình du lịch văn hóa, mà còn khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia gìn giữ và phát huy bản sắc lịch sử - văn hóa mạnh mẽ.

Ngày 19/10, Hội trường Thống Nhất, Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch đã phối hợp tổ chức diễn đàn truyền thông quảng bá điểm đến với chủ đề Hội tụ bản sắc nâng tầm di sản, tại di tích lịch sử dinh Độc Lập.

Tại diễn đàn, đại diện các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm triển khai và vận hành không gian trưng bày "Từ dinh Norodom đến dinh Độc Lập 1868 - 1966"; kinh nghiệm hợp tác trong phát triển sản phẩm "Trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám".

Hội tụ bản sắc, nâng tầm di sản

Ông Trần Hữu Phước, quyền giám đốc Hội trường Thống Nhất, cho biết nhiều năm qua, di tích lịch sử dinh Độc Lập là lựa chọn của nhiều du khách khi đến TP.HCM, đặc biệt là du khách quốc tế. "Với hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm, di tích lịch sử Hội trường Thống Nhất được UBND TP.HCM tặng bằng khen giải thưởng Du lịch hàng đầu TP.HCM nhiều năm liên tục. Sở Du lịch TP.HCM cũng công nhận Hội trường Thống Nhất là một trong 10 điểm tham quan thú vị của TP.HCM", ông Hữu Phước cho biết thêm.

Ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, phát biểu tại Diễn đàn

Ông Trần Hữu Phước, Quyền Giám đốc Hội trường Thống Nhất, phát biểu tại Diễn đàn

Đặc biệt, nhà trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966" đã thu hút khách tham quan kể từ khi mở cửa vào tháng 3/2018. Theo ông Trần Hữu Phước, mỗi năm triển lãm này đón gần 350.000 lượt khách. Được tổ chức trong một ngôi biệt thự cổ hai tầng có từ thời Pháp thuộc (ngay trong khuôn viên Dinh Độc Lập), không gian trưng bày giới thiệu hơn 500 hiện vật quý và tư liệu lịch sử tái hiện quá trình hình thành biểu tượng quyền lực của chính quyền Pháp tại Nam Kỳ.

Theo TS Lê Thị Minh Lý - nguyên phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, phó chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, với giá vé 40.000 đồng, giảm còn 25.000 đồng khi mua kèm vé vào Dinh Độc Lập, nhà trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868-1966" đã nhanh chóng hoàn vốn trong năm đầu tiên và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ khi doanh thu năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm 2018. TS Minh Lý cũng khẳng định "chỉ có nguồn thu từ di tích, tái đầu tư mới phát triển di sản bền vững".

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ về chương trình trải nghiệm “Tinh hoa đạo học”

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chia sẻ về chương trình trải nghiệm “Tinh hoa đạo học”

Trong khi đó, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu, cho biết chương trình trải nghiệm đêm "Tinh hoa đạo học" đã gặt hái kết quả tích cực sau hơn 1 năm vận hành mà không sử dụng ngân sách Nhà nước. Theo đó, đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám giới thiệu những tinh hoa về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng nhân tài. Điểm đặc biệt là du khách được trải nghiệm Văn Miếu - Quốc Tử Giám thông qua các hoạt động ứng dụng công nghệ 3D Mapping.

"Trước đây, nhiều người đến Văn Miếu chỉ để xoa đầu rùa cầu may trong thi cử hoặc chiêm ngưỡng kiến trúc, nhưng ít trải nghiệm sâu sắc về tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, và truyền thống trọng dụng hiền tài của di tích này. Với chương trình trải nghiệm đêm, du khách được dẫn dắt qua những câu chuyện giàu ý nghĩa về đạo học và lịch sử, giúp họ cảm nhận rõ hơn giá trị văn hóa của Văn Miếu - Quốc Tử Giám", ông Kiêu nói thêm.

Trải nghiệm đêm tại Văn Miếu – Quốc tử Giám

Trải nghiệm đêm tại Văn Miếu – Quốc tử Giám

Qua thời gian, đội ngũ nhân viên cũng chuyển mình theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp hơn, nâng cao kỹ năng và thái độ phục vụ để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách tham quan.

Di sản không phải chỉ để bảo tồn

Tiến sĩ Dương Đức Minh, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cho rằng sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng tìm về những giá trị hoài niệm nhưng vẫn muốn kết nối với hiện đại. Đặc biệt, xu hướng này ngày càng phù hợp và đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Khảo sát của Booking.com cho thấy nếu tới Hà Nội, tour khám phá phố cổ sẽ là hình ảnh của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn tại TP.HCM cứ 10 khách quốc tế đến sẽ có 5-6 khách chọn tới Hội trường Thống Nhất.

“Do đó, việc ứng dụng công nghệ, sáng tạo để khai thác nguồn lực vốn có để tái cấu trúc sản phẩm cho điểm đến, nâng tầm di sản, tạo giá trị gia tăng cho ngành du lịch và nền kinh tế là cần thiết. Các mô hình tại Dinh Độc Lập và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đi đúng hướng khi tạo ra các trải nghiệm độc đáo, vừa gắn với lịch sử vừa gần gũi với đời sống đương đại", ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cũng cho rằng rằng việc phân mảnh trải nghiệm và cá nhân hóa hành trình sẽ giúp du khách dễ dàng tiếp cận các gói dịch vụ phù hợp, đồng thời tăng khả năng chi tiêu của họ khi thông tin về giá cả được truyền thông hợp lý. Những thành công từ Văn Miếu và Dinh Độc Lập đã chứng minh rằng di sản không chỉ có giá trị bảo tồn mà còn trở thành nguồn thu kinh tế dồi dào nếu biết khai thác sáng tạo, được đầu tư bài bản và truyền tải đúng cách.

Hội trường Thống Nhất

Hội trường Thống Nhất

Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn từ Hàn Quốc, GS.TS Phan Thị Thu Hiền, Cố vấn Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch, cho rằng cần bảo tồn bằng cách làm sống lại di sản, tôn vinh và bổ sung giá trị di sản. Đây là cách bồi đắp di sản.

Theo TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, sự kiện này không chỉ đánh dấu bước phát triển mới trong việc quảng bá du lịch văn hóa, mà còn mở ra cơ hội để suy ngẫm về vai trò của những di sản này trong việc gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa - lịch sử của dân tộc.

TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch

TS Tạ Duy Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch

Cả hai điểm đến này đều là những biểu tượng không thể thay thế trong việc hình thành bản sắc và tinh thần Việt Nam. Dinh Độc Lập, với vai trò chứng nhân của những sự kiện lịch sử trọng đại, là biểu tượng của sự thống nhất, hòa bình, và độc lập dân tộc. Trong khi đó, Văn Miếu Quốc Tử Giám đại diện cho truyền thống học thuật, tinh thần hiếu học, và lòng tôn sư trọng đạo qua hàng thế kỷ.

Từ góc độ bảo trợ chuyên môn, ông Tạ Duy Linh tin rằng, sự kiện hôm nay không chỉ mang lại cái nhìn sâu sắc về lịch sử và văn hóa, mà còn đóng vai trò định hướng, thúc đẩy sự kết nối giữa các giá trị di sản.

"Tôi mong rằng, với sự kết hợp tinh tế giữa hai biểu tượng quan trọng của đất nước, Dinh Độc Lập và Văn Miếu Quốc Tử Giám, chúng ta sẽ cùng nhau nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, đồng thời phát triển du lịch bền vững trên cơ sở tôn trọng và vinh danh lịch sử" - ông Linh hy vọng.

Cũng tại Diễn đàn, Hội trường Thống Nhất và Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã ký kết văn bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên, góp phần đưa hai di tích quốc gia đặc biệt này được nhiều người biết đến.

Phương Hà

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-dong/phat-trien-du-lich-ben-vung-tren-co-so-ton-trong-va-vinh-danh-lich-su-c2a84265.html