Phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Biết tận dụng lợi thế từ tài nguyên rừng, nông dân ở Cà Mau đã phát triển mô hình nuôi trồng khép kín theo hướng an toàn sinh học, thân thiện với môi trường để làm du lịch cộng đồng. Đây là mô hình mới, hứa hẹn nhiều tiềm năng, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm.
Với ý tưởng làm du lịch sinh thái theo hướng an toàn sinh học, anh Bùi Việt Tân (40 tuổi), ngụ ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh đã nghĩ ra việc nuôi trùn quế kết hợp đào ao nuôi cá, lên liếp trồng cây ăn trái để phát triển du lịch cộng đồng. Mô hình của anh Tân là mô hình khép kín, nói "không" với việc sử dụng thuốc, phân bón hóa học để phun xịt, bón lót cho cây trồng. Tất cả phân bón, thức ăn cho cá đều được anh Tân sử dụng phân sinh học.
“Sau khi ủ phân nuôi trùn quế, mình lấy trùn làm thức ăn cho cá, phân khi đã ủ mình bón cho cây trồng để tạo độ màu mỡ, tơi xốp cho đất. Các sản phẩm tôi cung cấp cho khách du lịch đều là sản phẩm sạch, không sử dụng bất kỳ loại thuốc, phân bón hóa học nào nên rất an toàn cho sức khỏe”, anh Tân cho biết.
Hiện nay, gia đình anh Tân sử dụng khoảng 2ha diện tích đất lâm phần để đào ao nuôi cá, trồng các loại cây ăn trái như dâu, mít, chuối, mận, hoa hướng dương… để tạo cảnh quan, bóng mát và kết hợp làm du lịch, cho khách tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Hiện vườn dâu của anh Tân đang cho trái, sẵn sàng mở cửa để đón khách trong thời gian tới.
Theo anh Tân, trước đây cơ sở của anh thường đón những đoàn khách quốc tế và khách từ Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ… thường xuyên đến tham quan, trải nghiệm. Hiện tại khu du lịch của gia đình anh tạm ngưng hoạt động để sửa chữa và sẽ mở lại trong thời gian tới. “Nhận thấy về điều kiện, cơ sở là mình có, nhưng về chiến lược, cũng như sự đầu tư, nghệ thuật kinh doanh mình chưa đạt như kỳ vọng nên tôi tạm ngưng đón khách để nâng cấp, sửa chữa. Bên cạnh đó, cơ sở đang vướng về vấn đề giao thông và thông tin chỉ dẫn đường nên gây bất tiện cho khách”, anh Tân thông tin.
Để nâng cao chất lượng mật ong - sản phẩm tự nhiên, hiện gia đình anh Tân đã đăng ký đề tài nghiên cứu từ Sở KH-CN tỉnh Cà Mau về việc nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong U Minh Hạ. “Đây là vấn đề tâm huyết của gia đình, bởi gia đình đã sống gắn bó với nghề rừng hàng chục năm nay rồi, nếu chúng tôi đủ tài liệu, căn cứ, cơ sở khoa học để chứng minh, đánh giá sản phẩm mật ong một cách bài bản và được công nhận thì giá trị của mật ong trên thị trường sẽ tăng lên. Khi đó, đời sống của người dân được đảm bảo, việc người dân quay lại với nghề gác kèo ong, quay lại với nghề trồng tràm sẽ tốt hơn”, anh Tân phân tích.
Là người ở địa phương khác đến xã Khánh Thuận lập nghiệp, ông Trần Trung Quốc nhận thấy tiềm năng du lịch sinh thái nơi đây là rất lớn nên ông đã lên ý tưởng xây dựng mô hình du lịch sinh thái hữu cơ từ hơn 20 năm trước. “Ý tưởng của gia đình là trồng cây ăn trái, nuôi cá để du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động câu cá, đi xuyên rừng, ăn ong… Gia đình tôi có 2 sản phẩm OCOP là rượu trái giác và mật ong được khách hàng rất ưa chuộng, du khách thường mua nhiều để làm quà biếu tặng. Khó khăn hiện nay là hạ tầng giao thông nhỏ hẹp nên việc đi lại của du khách hơi bất tiện”, ông Quốc nói.
Theo ông Quốc, ông không phải người gốc U Minh, trước đây vì đam mê cá đồng mà ông đã đến U Minh lập nghiệp và bén duyên với mảnh đất này đến nay đã hơn 20 năm. “Hồi đó ở đây chim nhiều, nên anh em địa phương kêu tôi mở khu du lịch. Lúc mới về, nhận thấy việc trồng rừng khoảng 10 năm mới được khai thác nên tôi đã nghĩ ra việc sử dụng bờ bao để trồng cây trái với mục đích lấy ngắn nuôi dài, rồi khi vườn cây lớn, kết hợp chim tập trung về thế là tôi làm du lịch để mọi người đến tham quan luôn”, ông Quốc kể.
Bà Phạm Thị Diễm My, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Khánh Thuận đánh giá: “Mô hình của gia đình anh Tân có tính sáng tạo, ở địa phương hiện nay ít có được mô hình du lịch nào xây dựng được tính khép kín, cung cấp sản phẩm hữu cơ như vậy cho khách tham quan. Địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện để mô hình phát triển”.
Ông Trần Công Mười, Chủ tịch UBND xã Khánh Thuận cho biết kế hoạch của huyện là chú trọng phát triển du lịch cộng đồng. Trên địa bàn xã hiện nay có vài điểm du lịch phát triển theo hướng cộng đồng kết hợp mua bán các sản vật quê hương như mắm cá các loại và sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn phân hạng 3 sao; tham quan mô hình cây ăn trái; trải nghiệm câu cá, gác kèo ong...
Tuy nhiên, theo ông Mười khó khăn trong việc phát triển loại hình du lịch này là vấn đề hạ tầng giao thông chưa được đáp ứng so với nhu cầu thực tế. Cùng với đó, những ý tưởng mới, sáng tạo của người dân chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.
Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh cho hay trên địa bàn huyện hiện nay có 6 sản phẩm nông nghiệp được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: tôm khô, tôm xẻ (Công ty Rồng Xanh, xã Khánh An); chuối sấy dẻo (cơ sở Minh Quân, xã Khánh Thuận); rượu trái giác, mật ong (Công ty Huỳnh Quốc Sơn, xã Khánh Thuận); cam Ba Tình (xã Khánh Thuận). Nhìn chung, các chủ thể rất tích cực xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình để phát triển có hiệu quả.