Phát triển du lịch Hà Nam trong giai đoạn mới
Hiện nay, du lịch Hà Nam đã được biết đến và thu hút khá đông khách du lịch với 2 dòng sản phẩm chính là du lịch sinh thái – tâm linh, văn hóa – lễ hội với số lượt khách du lịch trong những năm qua không ngừng tăng, bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20 đến 25%.
Hiện nay, du lịch Hà Nam đã được biết đến và thu hút khá đông khách du lịch với 2 dòng sản phẩm chính là du lịch sinh thái – tâm linh, văn hóa – lễ hội với số lượt khách du lịch trong những năm qua không ngừng tăng, bình quân mỗi năm du lịch Hà Nam tăng trưởng từ 20 đến 25%.
Du lịch Hà Nam được định hướng với các dòng sản phẩm du lịch chính: sinh thái – tâm linh, văn hóa – lễ hội, nghỉ dưỡng – chữa bệnh, du lịch giải trí, du lịch y tế, du lịch xanh, du lịch sáng tạo. Trong đó, các dòng sản phẩm hỗ trợ gồm: du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, du lịch hội thảo, thể thao, điểm dừng chân trung chuyển.
Tuy nhiên, số lượng khách du lịch tăng nhưng lại không rải đều trong năm và không đều ở các khu, điểm du lịch. Ngoài Khu du lịch Tam Chúc là điểm đến thu hút đông đảo du khách thì các điểm du lịch khác, du khách chỉ đến trong thời điểm diễn ra lễ hội hoặc vào đầu xuân với tâm lý cầu may, cầu phúc trong năm mới như chùa Bà Đanh, đền Lảnh Giang, chùa Đọi, đền Trần Thương...
Mặc dù, đây đều là ngôi đền, chùa cổ chứa đựng nhiều trầm tích về văn hóa, lịch sử, khảo cổ học ấn tượng. Trong khi đó, cùng là điểm đến tâm linh nhưng với một số ngôi chùa có sự đầu tư xây dựng, phục hồi gần đây, có cảnh đẹp thì lại khác hẳn, du khách đến đông hơn vì vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa thỏa mãn nhu cầu ngắm cảnh và chụp ảnh check-in như chùa Địa Tạng Phi Lai ở Liêm Sơn, chùa Phật Quang ở Thanh Phong của huyện Thanh Liêm…
Từ đầu năm đến nay, sau thời gian dài nghỉ phòng chống dịch Covid-19, khách du lịch trở lại với Hà Nam ngay từ đầu năm, nhất là những ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Tại Khu du lịch Tam Chúc có thời điểm, số lượng khách đông đến hàng nghìn lượt/ngày. Sau ngày 15/3, thời điểm Việt Nam mở cửa, phục hồi du lịch, Hà Nam đã có nhiều hoạt động thu hút khách du lịch, trong đó có việc đăng cai các hội thảo, liên hoan văn hóa văn nghệ, các giải thể thao quốc gia, quốc tế cùng với việc TP Phủ Lý mở thí điểm tuyến phố đi bộ gắn với các hoạt động văn hóa, văn nghệ và ẩm thực đã làm cho du lịch Hà Nam sôi động trở lại. Tuy nhiên, ngoài Khu du lịch Tam Chúc thường xuyên đông khách, ở nhiều khu, điểm du lịch khác vẫn có ít khách.
Du khách tham quan Khu du lịch Tam Chúc. Ảnh: Thế Trang
Để khách du lịch quay trở lại và biết đến nhiều hơn các khu, điểm du lịch ở Hà Nam, thời gian vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tích cực, chủ động phối hợp với các ngành, địa phương, các doanh nghiệp tham mưu triển khai các giải pháp để phát triển du lịch. Theo ông Mai Thành Chung, Giám đốc Sở VH,TT&DL, đó là các giải pháp về quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, hoạt động xúc tiến quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và liên kết, hợp tác phát triển du lịch.
Về công tác quy hoạch, thời gian tới sở sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch tổng thể và phê duyệt quy hoạch các phân khu chức năng của Khu du lịch Tam Chúc làm cơ sở thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào các khu chức năng; tiền đề thu hút các dịch vụ du lịch chất lượng cao, thúc đẩy hình thành các tuyến du lịch theo chuỗi. Rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển các công trình di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề có giá trị làm cơ sở thu hút đầu tư phát triển du lịch theo định hướng gắn kết thành các chuỗi du lịch - dịch vụ nội tỉnh, liên tỉnh: Đền Lảnh Giang - lụa Nha Xá; chùa Long Đọi Sơn - trống Đọi Tam; chùa Bà Đanh - gốm Quyết Thành; Khu tưởng niệm nhà văn liệt sỹ Nam Cao – cá kho, chuối ngự; chùa Địa Tạng Phi Lai, từ đường Nguyễn Khuyến…
Về đầu tư phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án hạ tầng khung Khu du lịch Tam Chúc. Mở rộng các hoạt động tư vấn hỗ trợ đầu tư, xây dựng các danh mục kêu gọi dự án đầu tư; đẩy mạnh liên kết, tăng cường quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch Hà Nam qua các phương tiện thông tin đại chúng, các công cụ quảng bá trực tuyến, đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch. Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch, văn hóa, thể thao lớn trong và ngoài nước, liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường có tiềm năng.
Xây dựng, phát triển một số sản phẩm du lịch có thế mạnh, đặc trưng của tỉnh. Phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn xây dựng một số tuyến phố chuyên kinh doanh và trung tâm mua sắm, các tuyến phố đi bộ phục vụ du lịch, tạo thuận lợi cho du khách tham quan và mua sắm. Hỗ trợ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng và sản phẩm làng nghề. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả công tác quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa và dịch vụ theo quy định. Thực hiện các tiêu chuẩn về du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội của Việt Nam, khu vực ASEAN và quốc tế.
Nghiên cứu xây dựng lộ trình liên kết chặt chẽ với các vùng đầu mối tập trung khách du lịch của cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để qua đó quảng bá cũng như tìm kiếm và kết hợp với các hãng lữ hành lớn trong việc khai thác và tổ chức các tour du lịch mới hấp dẫn về tỉnh. Kết hợp với các khu du lịch trọng điểm của vùng đồng bằng sông Hồng để hình thành các trục du lịch, đặc biệt là Bái Đính, Tràng An, chùa Hương để hình thành các trục du lịch văn hóa - tâm linh độc đáo theo các tuyến chính như “Bái Đính - Tràng An - Tam Chúc”, “chùa Hương - Tam Chúc”, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, cùng khai thác, phát triển và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch tại tỉnh.