Phát triển du lịch ở Vườn quốc gia Bến En còn nhiều khó khăn
Thiên nhiên ban tặng cho Vườn quốc gia Bến En nhiều cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ. Đây là điều kiện quan trọng để nơi đây phát triển du lịch, giảm thiểu tác động đến an ninh rừng. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Bến En chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Một góc của Vườn quốc gia Bến En.
Vườn quốc gia Bến En có tổng diện tích tự nhiên hơn 14.305,9 ha và 30.000 ha rừng vùng đệm, phần lớn là rừng nguyên sinh với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, đa dạng. Nơi đây có hồ Sông Mực rộng lớn, nước trong xanh, có các đảo biệt lập, cảnh quan thơ mộng. Xung quanh Vườn quốc gia Bến En là nơi sinh sống của đông đảo đồng bào các dân tộc Thái, Mường. Đồng bào dân tộc nơi đây, còn gìn giữ nhiều phong tục tập quán và nét văn hóa vô cùng đặc sắc.
Đến với Vườn quốc gia Bến En, du khách có thể thuận lợi để kết nối đến nhiều khu, điểm du lịch cộng đồng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, độc đáo của núi rừng hùng vĩ; khí hậu mát mẻ cùng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Thái, Mường. Ngoài ra, du khách còn được khám phá hang Lèn Pót ở thôn Thanh Xuân, xã Xuân Thái (Như Thanh). Đây là hang động trong núi đá, còn rất hoang sơ, chưa có tác động nhiều của con người, với những nhũ đá trong hang đẹp, được tích tụ qua hàng nghìn năm về trước.
Để phục vụ cho hoạt động du lịch, thời gian qua, Vườn quốc gia Bến En đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp phương tiện phục vụ kinh doanh du lịch và mua sắm các trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn. Tổ chức khai thác một số điểm, tuyến tham quan trong Vườn quốc gia Bến En như từ đập Mẫy đi đảo Thanh Niên, đảo Thực Vật; tuyến tham quan từ Đập Mẫy đi làng Vơn. Tiếp nhận nuôi bán hoang dã các loài động vật và trồng các loại cây có giá trị phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Nhờ làm tốt công tác quảng bá, từ đầu năm đến tháng 9/2023, Vườn quốc gia Bến En đã thu hút được khoảng 17.000 lượt khách du lịch, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Bến En đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư xứng tầm, các loại hình dịch vụ du lịch chưa phong phú đa dạng nên chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, du khách tới Vườn quốc gia Bến En thường lựa chọn việc đi thuyền để chiêm ngưỡng cảnh đẹp của hồ Sông Mực và khám phá các hòn đảo nơi đây nhưng hiện nay, đơn vị chỉ có 5 chiếc thuyền và mỗi chiếc chỉ chở tối đa được 10 người. Vì vậy, vào các dịp lễ, tết khách du lịch phải chờ đợi để đến lượt, thậm chí có những trường hợp du khách không được phục vụ, khiến họ không hài lòng.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Bến En còn thiếu các cơ sở lưu trú, để phục vụ nhu cầu du khách. Hiện nay, đơn vị mới chỉ có 4 phòng nghỉ, với sức chứa 20 du khách, trong khi đó nhu cầu của du khách rất lớn. Các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm, ăn uống chưa phong phú đa dạng, chưa đủ sức “níu chân” du khách. Anh Ngô Ngọc Sơn, phường Quảng Đông (TP Thanh Hóa) cho biết: Vườn quốc gia Bến En có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, thơ mộng, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình hấp dẫn khách du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách tới tham quan, đặc biệt là nhu cầu lưu trú, ăn uống và giải trí. Nếu tình trạng này không được cải thiện thì rất khó để thu hút du khách.
Không chỉ thiếu về kết cấu hạ tầng, các dịch vụ du lịch, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch tại Vườn quốc gia Bến En vừa thiếu lại vừa yếu. Hiện đơn vị có 60 cán bộ, viên chức, người lao động chủ yếu là làm công tác chuyên môn, số ít bố trí làm kiêm nhiệm du lịch. Do không được đào tạo nghiệp vụ, nên kỹ năng làm du lịch của đội ngũ cán bộ nơi đây còn nhiều hạn chế, đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch.
Ngoài ra, Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bến En đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045, hiện chưa được phê duyệt đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút các nhà đầu tư vào Vườn quốc gia Bến En để phát triển du lịch. Ông Lê Công Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Bến En cho biết: Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn quốc gia Bến En đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc xây dựng, quy hoạch phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, đề án này đang trong quá trình chờ phê duyệt, khiến việc thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
“Thực tế cho thấy, việc phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Bến En đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, loại hình và sản phẩm du lịch, hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch, rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục mở rộng các tour, tuyến du lịch, phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn các huyện Như Thanh, Như Xuân để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, từng bước đa dạng hóa loại hình dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí cho du khách. Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của Vườn quốc gia Bến En đến với khách du lịch trong và ngoài nước. Tăng cường thực hiện việc quản lý Nhà nước về du lịch theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao, hướng tới phát triển bền vững du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, chú trọng lợi ích giữa cộng đồng dân cư, doanh nghiệp và nhà quản lý. Chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý du lịch. Qua đó, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của Vườn quốc gia Bến En, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển”, ông Lê Công Cường cho biết.