Phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và đẳng cấp
Khu du lịch Mũi Né đã được công nhận là Khu du lịch quốc gia, phấn đấu đến năm 2030 đưa Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính vì thế tỉnh đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để góp phần đưa ngành du lịch của tỉnh phát triển theo hướng chuyên nghiệp, đẳng cấp.
Phát triển du lịch theo hướng ch
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Để làm được điều này phải có giải pháp trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ du lịch. Phải thừa nhận rằng, thời gian qua các cấp, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tăng cường phối hợp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần đưa nguồn nhân lực du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng. Bởi vì nguồn nhân lực du lịch có độ bao phủ tương đối rộng và chất lượng của nó không chỉ tác động và đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển du lịch mà còn góp phần không nhỏ vào sự phát triển các ngành, các lĩnh vực khác có liên quan. Trước đây, các loại hình du lịch truyền thống gắn với tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí là cơ bản. Nhưng hiện nay, nhiều sản phẩm du lịch mới đang hình thành, phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của mọi đối tượng du khách. Trong đó phải kể đến xu hướng du lịch phiêu lưu, du lịch trải nghiệm, du lịch thông minh, du lịch sáng tạo, công tác kết hợp nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Cuộc cách mạng công nghệ số đã và đang tác động mạnh mẽ đối với các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch. Xu thế “số hóa” sẽ làm thay đổi sâu sắc phương thức quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch. Điều này đòi hỏi các địa phương, các điểm đến cần phải xây dựng được những sản phẩm và các chương trình du lịch mới lạ, độc đáo, kết hợp cả các giá trị tự nhiên, giá trị nhân văn và gắn liền với tính tiện nghi hiện đại. Đồng thời, để không bị tụt hậu và đáp ứng nhu cầu phát triển, ngành du lịch của tỉnh đang rất cần lực lượng nhân lực có tri thức phong phú và toàn diện hơn cả về kiến thức, chuyên môn, tay nghề, kỹ năng và trình độ ngoại ngữ…
Trong 5 năm gần đây (2015 – 2020), công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh được các sở ngành, đơn vị, các cơ sở đào tạo tích cực triển khai. Theo đó, giai đoạn 2015 – 2020, các cơ quan chức năng đã tổ chức được 42 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ ở các cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch với số lượng 3.214 học viên bao gồm các lớp: kiến thức du lịch cộng đồng, bồi dưỡng kỹ năng quản lý du lịch, quản lý khách sạn, nhà nghỉ, nghiệp vụ nhà hàng, nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, tập huấn thực hiện các quy định về kinh doanh văn hóa, thể thao, du lịch, cứu hộ, cứu nạn và kỹ thuật bơi lội. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch cũng được chú ý đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ, năng lực nhằm đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, phát triển du lịch trong tình hình mới. Qua đó, góp phần nâng tổng số lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch chiếm gần 70% tổng số lao động ngành du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tại các huyện cũng được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, tay nghề với nhiều hình thức. Trong đó, công tác phối hợp mở các lớp bồi dưỡng như: tiếng Anh, nghiệp vụ buồng; tập huấn du lịch cộng đồng chủ yếu cho các cơ sở lưu trú.
Tiếp tục có những giải pháp hữu hiệu
Những kết quả trên mới chỉ là bước đầu, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho du lịch đó là: Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề du lịch chưa được thường xuyên, hình thức chưa đa dạng, phong phú. Công tác tuyển sinh đối với các nghề du lịch tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác tuyển sinh các cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề do tư tưởng còn nặng về bằng cấp, xem nhẹ việc học nghề. Bên cạnh đó đội ngũ giáo viên, giảng viên tham gia giảng dạy chuyên ngành du lịch còn ít. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo được quan tâm song vẫn nhiều hạn chế về số lượng và chất lượng như chưa có nhà hàng mẫu, số buồng giường mẫu còn đơn giản chưa đáp ứng được cho việc thực tập. Công tác phối hợp đào tạo giữa các doanh nghiệp du lịch và cơ sở giáo dục nghề nghiệp mặc dù đã cải thiện, nhưng việc đào tạo nghề chưa thật sự gắn kết với nhu cầu của một số doanh nghiệp du lịch để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động sau đào tạo.
Việc tạo điều kiện, bố trí cho cán bộ quản lý, nhân viên nghiệp vụ tham gia các lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được chủ doanh nghiệp, cơ sở quan tâm đúng mức, đa số sinh viên ra trường phải huấn luyện lại hoặc bố trí làm công việc khác với nghề đã được đào tạo. Nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển du lịch của tỉnh nhất là nguồn nhân lực tại các huyện, thị xã, thành phố. Hầu hết đội ngũ cán bộ làm công tác du lịch chưa qua đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, chủ yếu chỉ trải qua các lớp tập huấn ngắn ngày.
Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và đẳng cấp, đòi hỏi phải có những giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách và các cơ chế quản lý về phát triển nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, bảo đảm thống nhất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong cả nước gắn với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác đào tạo. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch định kỳ hàng năm. Tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng, tổ chức hội nghị, hội thảo về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch cũng là những biện pháp tích cực để nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho lực lượng lao động toàn ngành.