Phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả
Chiều 7-11, tại huyện Cái Bè, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo Giới thiệu tiềm năng, các điểm đến và giải pháp phát triển du lịch Tiền Giang bền vững, hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thành Diệu, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Tiền Giang Nguyễn Đức Đảm cùng Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch, Tổng Cục Du lịch Nguyễn Anh Tuấn chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có lãnh đạo các sở, ngành và địa phương, nguyên lãnh đạo tỉnh cùng các doanh nghiệp du lịch.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh, thời gian qua, công tác phát triển sản phẩm du lịch luôn được tỉnh chú trọng.
Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác các sản phẩm sông nước miệt vườn ở cù lao Thới Sơn (TP. Mỹ Tho); tham quan Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chợ nổi và làng nghề truyền thống (huyện Cái Bè); vườn cây ăn trái cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy); tham quan khu du lịch biển Tân Thành, Trại rắn Đồng Tâm, di tích lịch sử Chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút; chiến thắng Ấp Bắc; tham quan các làng nghề truyền thống, thưởng thức trái cây đặc sản, ẩm thực, nghe đờn ca tài tử…
Tỉnh còn thực hiện liên kết, hợp tác phát triển vùng để cùng khai thác, bổ sung sản phẩm đặc trưng cho nhau giữa các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, có 2 khu du lịch là Cái Bè và Thới Sơn thực hiện liên kết tuyến du lịch trong tỉnh với các tuyến ngoài tỉnh khá hiệu quả.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chỉ tiêu du lịch luôn tăng và ổn định. Tốc độ tăng bình quân về doanh thu và khách du lịch trên 9%.
Năm 2019, Tiền Giang đón 2,1 triệu lượt khách, trong đó có trên 850 ngàn lượt khách quốc tế. Doanh thu hoạt động du lịch đạt 1.160 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh và góp phần tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.
Sau 2 năm bị tác động của đại dịch Covid-19, ngành đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm sớm phục hồi ngành Du lịch.
Theo đó, 10 tháng năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh trên 600 ngàn lượt, trong đó có 36 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu trên 300 tỷ đồng.
Nhiều khu, điểm du lịch mới được đưa vào hoạt động, cho thấy hoạt động du lịch đã khởi sắc, ngành Du lịch đã từng bước được phục hồi.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Tiền Giang nhìn chung vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: Chi tiêu của khách du lịch còn thấp; dịch vụ du lịch chưa đa dạng và phong phú; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao; các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ở tỉnh có quy mô vừa và nhỏ; một số doanh nghiệp không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, chỉ khai thác nguồn lợi từ thiên nhiên và văn hóa sẵn có; cơ sở hạ tầng phát triển du lịch chưa được đầu tư tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch; việc mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh còn khiêm tốn, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược…
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu các tour du lịch, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh. Các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp đã trình bày, đề xuất một số giải pháp để phát triển du lịch Tiền Giang.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thành Diệu ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp đối với việc phát triển du lịch của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thành Diệu cho rằng, các tham luận, ý kiến đều khẳng định việc phát triển du lịch phải không ngừng đổi mới mạnh mẽ bởi hiện đã xuất hiện những nhu cầu mới, đòi hỏi mới, cảm nhận mới.
Hội thảo đặt ra vấn đề rất quan trọng là phải tập trung, nâng cao hơn nữa công tác phát triển du lịch. Trước tiên là thay đổi và luôn luôn đổi mới sản phâm du lịch.
Trong thời đại hiện nay, phải xây dựng một hệ du lịch chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu du lịch trong, ngoài nước, hướng đến lâu dài.
Hội thảo cũng đặt ra vấn đề là phải phát huy vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch nhằm tạo ra sản phẩm du lịch đồng bộ, hệ thống.
Đồng thời, phải có sự kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong phát triển du lịch…