Phát triển du lịch từ di sản văn hóa
ĐBP - Với lịch sử hình thành lâu đời, văn hóa được xem là thế mạnh nổi trội để phát triển du lịch của tỉnh. Mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh đều có những nét văn hóa đặc trưng, độc đáo với những thiết chế văn hóa xã hội truyền thống, phong tục tập quán trong sản xuất, sinh hoạt, trong tín ngưỡng, nghệ thuật ẩm thực, nghề thủ công truyền thống... Ngoài ra, lễ hội cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số được tiếp tục duy trì và phát triển. Tất cả những điều đó đã trở thành yếu tố hấp dẫn thu hút du khách đến trải nghiệm và khám phá Ðiện Biên...
Tại trung tâm thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, tối thứ bảy hàng tuần diễn ra phiên chợ đêm đặc biệt, mang đậm sắc màu văn hóa nơi rẻo cao, thu hút không ít du khách đến tham quan, trải nghiệm. Khi những tia nắng cuối ngày dần tắt sau dãy núi cũng là lúc chợ đêm Tủa Chùa rục rịch khai màn. Bóng dáng người lớn, trẻ nhỏ hòa mình vào không gian rực rỡ sắc màu các dân tộc với tiếng đàn, tiếng hát rộn ràng. Tại phiên chợ này, mảnh đất cao nguyên đá Tủa Chùa muốn cho du khách được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc nơi đây. Ðể phiên chợ thêm phần náo nhiệt, hàng tuần, các xã, thị trấn và trường học trên địa bàn huyện sẽ thay nhau lên ý tưởng, tập luyện và biểu diễn chương trình nghệ thuật mang nét độc đáo riêng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện Tủa Chùa cho biết: “Ðể quảng bá và giới thiệu hình ảnh, huyện Tủa Chùa có chủ trương mỗi một xã sẽ chuẩn bị một chương trình văn nghệ diễn vào tối thứ 7 hàng tuần, tự biên đạo, tự dàn dựng theo nét đặc sắc văn hóa của dân tộc mình, không chồng lấn hay trùng lặp với văn hóa của dân tộc khác. Ðó cũng là cơ hội để các dân tộc giới thiệu văn hóa của dân tộc mình với cộng đồng. Không chỉ vậy, ngay tại vị trí trung tâm của chợ đêm là gian hàng ẩm thực, phục vụ nhiều món ăn truyền thống, đặc sắc phải kể đến lẩu thắng cố, dê núi, rượu ngô thơm nồng… hấp dẫn hàng trăm người dân và du khách quây quần thưởng thức. Nhờ thế mà sau hơn một năm đi vào hoạt động, chợ đêm Tủa Chùa đã dần trở thành một sản phẩm đặc trưng của huyện, có sức hấp dẫn và thu hút rất lớn không chỉ với người dân địa phương mà cả du khách gần xa”.
Coi phát triển du lịch cộng đồng là một hướng đi mới góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới phát triển; những năm gần đây, huyện Nậm Pồ chú trọng tới bảo tồn và quảng bá di sản văn hóa truyền thống các dân tộc và biến chúng trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Không chỉ khuyến khích đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao và các dân tộc khác trên địa bàn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, huyện còn xây dựng được điểm du lịch văn hóa nổi bật, hấp dẫn. Như tại xã Phìn Hồ, nơi có 6 dân tộc cùng sinh sống. Cộng đồng các dân tộc Mông, Thái, Xạ Phang và một số dân tộc khác có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, cuốn hút đối với bất kỳ ai đến với nơi đây. Không những thế, xã Phìn Hồ có lợi thế nằm ngay bên quốc lộ 4H, thuận lợi cho giao thông đi lại. Với thế mạnh đó, 2 năm gần đây, Phìn Hồ được huyện Nậm Pồ đầu tư xây dựng thành một trong các điểm du lịch nổi bật, như: Chợ phiên Phìn Hồ vào dịp cuối tuần, chợ đêm Phìn Hồ vào tối thứ 7… Phìn Hồ còn là nơi đăng cai nhiều sự kiện văn hóa lớn của huyện, như: Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái; Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Nậm Pồ… Qua các hoạt động đó, nhiều nét văn hóa đặc trưng của Phìn Hồ nói riêng, Nậm Pồ nói chung được quảng bá rộng rãi, thu hút du khách gần xa tới tham quan, trải nghiệm…
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một thực tế rằng, việc biến các di sản văn hóa trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có của tỉnh vẫn còn không ít khó khăn. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay, môi trường sống, không gian văn hóa và nhiều tập tục của các dân tộc tại một số địa phương bị tác động bởi mặt trái của quá trình hội nhập, mặt trái của nền kinh tế thị trường và cuộc cách mạng khoa học công nghệ gây nhiều khó khăn trong việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên mới thực hiện được khâu bảo tồn, lưu giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc chưa tạo được nhiều sản phẩm nổi bật trong phát triển du lịch”.
Ðể các giá trị văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh cần có sự vào cuộc, chung tay của các cấp, các ngành, địa phương. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian tới, tỉnh cần tích cực tham mưu, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng loại hình du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn gắn với các sản phẩm văn hóa đặc trưng của địa phương nhằm phục vụ khách du lịch, đồng thời tạo việc làm cho người dân. Ngoài ra, cũng cần duy trì, mở rộng quy mô, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức lễ hội, ngày hội, hội thi, liên hoan... từ tỉnh tới cơ sở theo định kỳ và hàng năm để tạo thành chuỗi các hoạt động gắn với các sự kiện kỷ niệm, ngày lễ, tết. Cùng với đó là hướng dẫn, phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh khảo sát, đánh giá tiềm năng, lựa chọn địa bàn xây dựng bản văn hóa du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa truyền thống; liên kết với các đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong việc hình thành các tour du lịch kết nối tham quan, trải nghiệm, khám phá bản sắc văn hóa...