Phát triển du lịch vùng cao: Hỗ trợ bà con khai thác hiệu quả giá trị văn hóa
Du lịch vùng cao Nam Đông và A Lưới thời gian gần đây dần trở thành điểm dừng chân cuốn hút trên bản đồ du lịch của vùng đất Cố đô. Không chỉ có nhiều điểm đến lý tưởng, giao thông kết nối thuận lợi mà hơn hết, những sản phẩm du lịch do chính người dân bản địa tạo nên đã làm nên thương hiệu riêng, để lại dấu ấn trong lòng du khách.
Giúp người dân tạo ra sản phẩm du lịch mới
Việc khai thác các giá trị di sản văn hóa vùng dân tộc thiểu số để phục vụ du lịch đang được chính quyền và bà con hai huyện vùng cao đưa vào các tour tuyến, như một cách giới thiệu đến du khách những giá trị văn hóa đặc trưng. Mới đây, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp với hai huyện tổ chức lớp tập huấn du lịch “Quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch”. Hoạt động này nằm trong “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh”.
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đã mời các chuyên gia đến từ Trường cao đẳng Du lịch Huế cung cấp nhiều kiến thức mới để cán bộ địa phương và người dân cập nhật, áp dụng vào việc phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng đến những kiến thức, kỹ năng xây dựng, khai thác các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số vào hoạt động du lịch phù hợp với nhu cầu thị trường tạo ra nhiều chương trình, sản phẩm mới, hấp dẫn và thu hút khách.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Nam Đông và A Lưới có điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng về văn hóa và có phong cảnh nên thơ hữu tình. Cả hai vùng đất này là nơi hội tụ những sắc màu văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo nên những giá trị lịch sử văn hóa vô cùng quý báu đó là bảo tàng sống về kiến trúc, phong tục tập quán, các lễ hội, các ngành nghề, các món ăn truyền thống… của đồng bào qua nhiều thế hệ. Chính những sắc màu và hơi thở cuộc sống miền sơn cước đó đã có sức thu hút đối với các nhà nghiên cứu cũng như du khách thập phương. Do đó, việc quảng bá di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn liền với phát triển du lịch thực sự trở thành động lực cho sự phát triển bền vững.
Anh Hồ Minh Yêm, một hộ dân kinh doanh homestay ở thị trấn A Lưới (huyện A Lưới) cho biết, thông qua những lớp tập huấn như thế đã tích góp thêm nhiều kiến thức phục vụ cho việc kinh doanh, quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hóa, di sản vùng cao đến với du khách. “Ngoài những kiến thức cơ bản, mình còn cập nhật thêm nhiều điều bổ ích mới để đáp ứng nhu cầu du khách. Hy vọng sẽ có thêm nhiều chương trình như thế để bà con làm du lịch ở vùng đất A Lưới có thể cập nhật, quảng bá A Lưới và tạo được nguồn thu từ du lịch”, anh Yêm chia sẻ.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế cho rằng, những lớp tập huấn thường cung cấp, bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản như khái niệm du lịch văn hóa, khai thác các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc trong hoạt động du lịch, phương pháp xây dựng sản phẩm du lịch... Để có những lớp tập huấn, bảo tàng đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Trường cao đẳng Du lịch Huế để tổ chức.
“Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp các học viên nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, khai thác có hiệu quả các giá trị tài nguyên văn hóa trong hoạt động du lịch góp phần tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, hấp dẫn để thu hút khách tham quan. Đồng thời, tạo việc làm và mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương trong thời gian đến”, ông Lộc nhận định.
Theo ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam được hình thành, vun đắp qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước với nhiều giá trị đặc sắc. Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa, trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Công tác bảo tồn di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là Dự án số 6 thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu của dự án là khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng. “Việc bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần được tiếp tục thực hiện thường xuyên, lâu dài và hiệu quả”, ông Bình cho hay.