Phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều 'đặc sản' thiếu 'đặc thù'

Ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh tại khu vực nói riêng và của cả nước nói chung. Tuy nhiên, so với tiềm năng, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa có được định hướng khai thác bài bản nhằm theo kịp xu thế, phát huy tốt nhất thế mạnh của thị trường này.

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - một điểm đến hấp dẫn của du lịch sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu minh họa

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) - một điểm đến hấp dẫn của du lịch sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh tư liệu minh họa

Phát triển trùng lắp, hiệu quả chưa cao

Với nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử,... cho phép Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển kinh tế tổng hợp, với nhiều ngành chủ lực, đặc biệt là phát triển về du lịch.

Tuy nhiên, ngành du lịch vùng ĐBSCL đang gặp phải những khó khăn, thách thức khi các sản phẩm và cách làm khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh đặc thù của từng địa phương.

Nhiều năm qua, ĐBSCL đã hiện hữu các hoạt động liên kết, hợp tác du lịch vùng, song vẫn chưa có một mô hình điều phối thật sự hiệu quả để tránh trùng lặp giữa các địa phương. Các liên kết chủ yếu là giữa chính quyền với chính quyền thông qua ký kết các chương trình hợp tác dựa trên sự tự nguyện, thiếu ràng buộc trách nhiệm pháp lý, do đó tính hiệu quả chưa cao.

Theo ông Trần Việt Phường - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, du lịch ĐBSCL cần hướng đến trọng tâm là liên kết thị trường để phát triển các chuỗi giá trị và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù từng địa phương. Bởi liên kết chưa đi vào chiều sâu, thiếu sự đầu tư dài hạn dẫn đến việc chưa có những sản phẩm thật sự đặc sắc và hấp dẫn.

Bên cạnh đó, kết nối giao thông vẫn là một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành. Mặc dù có thế mạnh về đường sông, đường biển nhưng giao thông nội vùng còn khó khăn, thời gian vận chuyển du khách khá lâu. Đường sông chưa phát triển, đường biển thiếu cảng hành khách, tuyến đường bộ toàn vùng và nội vùng chưa hình thành mạng lưới đáp ứng yêu cầu du lịch, thiếu cơ sở hạ tầng về giao thông và trạm dừng chân.

“Các địa phương trong vùng ĐBSCL nên liên kết, rà soát và đánh giá lại toàn bộ hệ thống các sản phẩm du lịch để xác định sản phẩm đặc thù của từng địa phương, nhằm tránh trùng lặp và chồng chéo. Ngoài ra, cần huy động nguồn lực tại các địa phương để phát triển hệ thống giao thông giữa các điểm đến trong vùng, tạo điều kiện thuận lợi về sân bãi, bến đỗ giúp tăng cường khả năng lưu thông, vận chuyển khách” - ông Trần Việt Phường đề xuất.

Thay đổi tư duy, cập nhật xu hướng mới

Sản phẩm du lịch chèo xuồng trên sông, rạch được khai thác tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Sản phẩm du lịch chèo xuồng trên sông, rạch được khai thác tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo nhận định của The Outbox Company - đơn vị nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu chuyên sâu về du lịch, điểm nghẽn lớn nhất khi tiếp cận du khách cả trong và ngoài nước của du lịch vùng ĐBSCL hay thương hiệu “Mekong Delta”, đầu tiên nằm ở trình độ phát triển của khu vực.

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp du lịch của ĐBSCL chủ yếu mang tính hộ gia đình. Điều đó khiến vùng khó tiệm cận được với xu hướng phát triển chung của ngành du lịch Việt Nam, cũng như thế giới. Xu hướng mới nghiêng nhiều về giá trị kinh tế, đòi hỏi đóng góp về mặt doanh số, về chi tiêu của du khách sẽ quan trọng hơn so với chỉ thực hiện chức năng quảng bá văn hóa.

Trong công tác tiếp cận thị trường, nhiều năm qua gần như ĐBSCL phụ thuộc vào nguồn khách và các doanh nghiệp từ TP. Hồ Chí Minh mà chưa tập trung chủ động xây dựng mạnh mẽ thương hiệu “Du lịch ĐBSCL”, để vùng có thể tự thu hút được nguồn khách.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến chỉ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, thay vì thương hiệu “Mekong Delta” sẽ được chính ngành du lịch ĐBSCL mang ra quốc tế thông qua việc xây dựng các chiến lược truyền thông rõ ràng, định vị thương hiệu bài bản. Điều này khiến du khách quốc tế còn mơ hồ với thương hiệu Mekong Delta.

Về sản phẩm du lịch, ĐBSCL chưa có tín hiệu đổi mới sáng tạo, hiện tại vẫn còn dựa vào mô hình đơn điệu và cũ kỹ. Điển hình như phát triển du lịch cộng đồng nhưng chưa được cải tiến theo thị trường, chưa tạo ra giá trị du lịch cao, mang tính chất miệt vườn sông nước và màu sắc tương đương giữa các địa phương.

Rộng hơn về môi trường, trong quá trình phát triển du lịch vùng ĐBSCL phần nào đã ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên văn hóa, cũng như tác động không nhỏ đến biến đổi khí hậu, hiện tượng xâm nhập mặn tại nhiều địa phương trong vùng làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Hoạt động nông nghiệp và du lịch chưa được lồng ghép hợp lý để thu hút du khách.

Điều đó phần nào làm cho những giá trị tự nhiên của ĐBSCL đã từng rất được tự hào trước đây ngày càng mất đi, trong khi các tỉnh trong vùng cũng đã không tạo nên giá trị nào khác để bù đắp và bảo vệ phần giá trị mất đi này.

Theo ông Đặng Mạnh Phước - Giám đốc điều hành The Outbox Company, với kết nối hạ tầng hiện tại ở vùng ĐBSCL sẽ mất rất nhiều thời gian di chuyển, điều này làm cho mức độ sẵn sàng đến tham quan các tỉnh ĐBSCL của du khách giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu hạ tầng đã được kết nối thuận lợi hơn nhưng với cách thức tiếp cận và thực trạng phát triển của du lịch ĐBSCL thời điểm hiện tại thì ngành du lịch của vùng chưa hẳn đã được cất cánh và khó nhìn thấy được sự tăng trưởng vượt trội.

Tiềm năng phát triển du lịch vùng rất lớn

Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến hết quý I/2024, toàn vùng đón gần 15 triệu lượt du khách, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 662,7 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 38,72% và gần 14,3 triệu lượt khách nội địa, tăng 10,22%. Tổng thu từ hoạt động du lịch 3 tháng đầu năm của Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 17,4 tỷ đồng, tăng 33,02% so với quý I/2023.

Gia Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/phat-trien-du-lich-vung-dong-bang-song-cuu-long-nhieu-dac-san-thieu-dac-thu-153320.html