Phát triển dược liệu, hướng đi mới nhiều triển vọng- Bài 1
Là tỉnh miền núi có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với hơn 1.000 loài, Bắc Kạn đã xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển cây dược liệu theo chuỗi giá trị gia tăng; ứng dụng khoa học công nghệ trên toàn chuỗi sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu; đưa trồng và chế biến dược liệu thành ngành hàng chủ lực của địa phương.
Tài nguyên cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Theo số liệu điều tra sơ bộ của Trường Đại học Dược Hà Nội và Công ty Cổ phần Phát triển Dược Khoa, tỉnh Bắc Kạn có 1.180 loài cây thuốc, thuộc 190 họ thực vật khác nhau. Các họ có nhiều cây thuốc nhất là Fabaceae (79 loài), Euphorbiaceae (60 loài), Asteraceae (49 loài), Rubiaceae (40 loài), Asteraceae (36 loài)... Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: Bình vôi, hà thủ ô, ba kích, cát sâm, đẳng sâm, kê huyết đằng... Cùng với đó là nền tri thức sử dụng cây cỏ làm thuốc của các dân tộc định cư lâu đời như Tày, Nùng, Dao...
Để phát triển tài nguyên cây thuốc, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành, triển khai nhiều chính sách riêng và chương trình, đề tài, dự án về phát triển cây dược liệu. Tuy kết quả vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra nhưng cũng đã tạo cơ sở bước đầu và bài học kinh nghiệm cần thiết để xây dựng vùng dược liệu, tiến tới phát triển kinh tế hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc bảo tồn tài nguyên cây thuốc tại Vườn Quốc gia Ba Bể, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc với tổng diện tích hơn 30.000ha nằm trên địa bàn 4 huyện gồm Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông, Na Rì đã được triển khai thực hiện với hơn 1.000 loài thực vật, thuộc 672 chi và 162 họ, trong đó có 53 loài được ghi tên trong Sách đỏ Việt Nam, 38 loài ghi trong Sách đỏ thế giới; có 52 loài đặc hữu của Việt Nam như: Trúc dây, táo đỏ... nhiều loại gỗ quý như: Chò, trai lý, kẹn, lát hoa, nghiến, thiết đinh, chò chỉ... và các loài thảo dược quý như: Giảo cổ lam bảy lá, ba kích, hoàng đằng, sa nhân, hoàng thảo đốm, mã tiền rừng... Có 600 loài cây thân gỗ, thuộc 300 chi và 114 họ, cùng rất nhiều loài thực vật quý hiếm, giá trị kinh tế cao…
Tình hình khai thác, sản xuất và chế biến dược liệu hiện nay
Tỉnh Bắc Kạn có tỷ lệ diện tích rừng lớn, có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên nguồn tài nguyên này đã và đang bị khai thác quá mức mà không được quan tâm tới tái sinh, khiến cho nhiều loài cây thuốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt, không còn khả năng phục hồi. Nhiều loài cây có nguy cơ bị tận diệt như hoàng liên ô rô, đẳng sâm, gừng đá, lan kim tuyến...
Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia vào công tác phát triển dược liệu để tạo ra nhiều sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp, góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho người dân ở các vùng khó khăn. Các mô hình trồng cây dược liệu điển hình như: HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) đầu tư trồng cây sả chanh trên diện tích 4ha; thu mua và chưng cất tinh dầu sả bán ra thị trường. Sản phẩm của HTX đã được chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ quốc gia. HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, xã Văn Lang (Na Rì) đầu tư vùng nguyên liệu diện tích 12ha để trồng các cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen, cát sâm... sản phẩm được tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Riêng cây nghệ có bốn đơn vị sản xuất, chế biến theo chuỗi, sản phẩm từ tinh bột nghệ, Curcumin nghệ… đều tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cao cho cả chuỗi tham gia trồng, chế biến, tiêu thụ. Ngoài ra, một số HTX sản xuất, chế biến trà hoa vàng, trà mướp đắng rừng, trà giảo cổ lam, trà nấm kim chi...
Nhìn chung, giống cây thuốc được trồng là giống nguyên thủy, chưa được chọn lọc và chuẩn hóa, dẫn đến năng suất và chất lượng không đồng đều; tiềm năng dược liệu mặc dù đã được sản xuất, chế biến nhưng hiệu quả còn rất hạn chế.
Xu hướng phát triển ngành thảo dược thế giới
Trong những năm gần đây, xu hướng sử dụng các dịch vụ và sản phẩm thảo dược để chăm sóc sức khỏe đã tạo ra tiềm năng thị trường lớn. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, 80% dân số thế giới nằm ở khu vực các nước đang phát triển vẫn dựa vào thuốc thảo dược để chăm sóc sức khỏe cộng đồng; việc sử dụng thuốc có nguồn gốc tự nhiên như một lựa chọn hàng đầu trong việc phòng và chữa bệnh. Thị trường thảo dược thế giới ước đạt 100 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024 và có thể lên đến 500 tỷ đô la vào năm 2050. Trung bình hằng năm các nước EU nhập khoảng 750 triệu đến 800 triệu USD dược liệu và gia vị từ Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Brazil. Đây cũng là cơ hội của lĩnh vực dược liệu Việt Nam nói chung và Bắc Kạn nói riêng.
Tại nước ta, trong khối công nghiệp dược có 533 đơn vị, cơ sở sản xuất thuốc, bao gồm 80 doanh nghiệp và trên 300 cơ sở sản xuất thuốc Đông dược (năm 2015). Trong giai đoạn 2010 - 2020, các doanh nghiệp Dược đã sản xuất 2.258 loại dược phẩm từ nguyên liệu thực vật hoặc chất chiết xuất từ thực vật, thuộc 35 dạng bào chế khác nhau, chiếm 23% số loại dược phẩm được phép sản xuất và lưu hành từng năm. Các sản phẩm này có nguồn gốc từ 230 loài cây cỏ, trong đó có 180 loài có nguồn gốc trong nước (chiếm 80%) và 50 loài nhập nội (chiếm 22%). Dược liệu hiện nay không chỉ phục vụ cho riêng ngành Dược mà còn phục vụ cho nhiều ngành khác như mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng, đồ uống… mang lại lợi kinh tế rất lớn...(còn nữa)