Phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa triển khai thực hiện Quyết định số 3372, ngày 29-12-2023 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non (GDMN) vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Đỗ Hữu Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách nhằm phát triển GDMN vùng khó khăn, như: Hỗ trợ ăn trưa cho trẻ; nâng mức hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ; hỗ trợ cho giáo viên mầm non dạy lớp ghép, dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số… Nhờ đó, góp phần thu hút trẻ ra lớp, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh có 23,7% trẻ nhà trẻ và 91,8% trẻ mẫu giáo ở vùng khó khăn được đến trường.
Chương trình “Hỗ trợ phát triển GDMN vùng khó khăn giai đoạn 2023 - 2030” nhằm tiếp tục bảo đảm, tăng cường các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường, lớp, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Vùng khó khăn ở đây bao gồm: Các huyện nghèo; các thôn, xã khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các thôn, xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; các thôn, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, cơ quan có thẩm quyền.
- Xin ông cho biết những mục tiêu cụ thể của kế hoạch?
- Kế hoạch đặt ra mục tiêu đến năm 2025, bình quân toàn tỉnh có ít nhất 29,9% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và 94,6% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến trường. Đến năm 2030, tỷ lệ này lần lượt là 33,7% và 97,14%. Trong đó, 100% trẻ được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Hàng năm, tất cả trẻ trong các cơ sở GDMN vùng khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN phù hợp với điều kiện vùng miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ. Bên cạnh đó, phấn đấu đến năm 2025, bồi dưỡng cho ít nhất 80% giáo viên mầm non biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; đến năm 2030, tỷ lệ này là 90%…
- Để thực hiện những mục tiêu đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp gì, thưa ông?
- Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Cam Lâm, Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa đảm bảo nguồn lực, xây dựng nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nghiên cứu, đề xuất xây dựng, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với trẻ em và cơ sở GDMN vùng khó khăn, nhất là đối tượng trẻ nhà trẻ, như: Chính sách hỗ trợ ăn trưa, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; đảm bảo định mức giáo viên/nhóm, lớp; các chính sách đối với giáo viên nhằm thu hút, động viên họ công tác lâu dài. Bên cạnh đó, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về triển khai chương trình GDMN phù hợp với đặc điểm trẻ em vùng khó khăn; bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ người dân tộc thiểu số; bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên dạy trẻ người dân tộc thiểu số… Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp xây nhà công vụ cho giáo viên; xóa phòng học nhờ, học tạm; xây mới, sửa chữa, bổ sung phòng học còn thiếu; xây mới phòng thư viện; mua sắm thêm đồ dùng học tập; tập huấn và chia sẻ tài liệu, học liệu thân thiện, phù hợp với trẻ em tại các cơ sở GDMN vùng khó khăn… Tổng kinh phí dự kiến triển khai kế hoạch hơn 67,7 tỷ đồng, từ ngân sách của các huyện, thị xã, thành phố. Ngoài ra, còn có ngân sách tỉnh bổ sung cho ngân sách cấp huyện đầu tư các dự án đầu tư công; nguồn vốn Trung ương hỗ trợ lồng ghép các chương trình, dự án; nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; nguồn vốn sự nghiệp giáo dục và các nguồn xã hội hóa…
- Xin cảm ơn ông!
K.D (Thực hiện)