Phát triển giao thông kết nối vùng đồng bộ, hiện đại
Theo Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển hạ tầng giao thông bảo đảm tính thống nhất, hợp lý, đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng phát triển của quốc gia, vùng Đông Nam bộ và của tỉnh.
Đồng bộ, liên hoàn
Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải, cho biết theo quy hoạch, tỉnh Bình Dương sẽ phát triển các tuyến giao thông quốc gia trên địa bàn tỉnh, gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ phát triển hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh.
Đối với mạng lưới giao thông kết nối giữa tỉnh Bình Dương với TP.Hồ Chí Minh, sẽ kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K, ĐT741, ĐT743B, ĐT745, ĐT746, đường ven sông Sài Gòn, đường Vĩnh Phú 10, đường An Bình...
Đối với tỉnh Đồng Nai, tỉnh sẽ phát triển mạng lưới giao thông kết nối đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 56B, ĐT742C, ĐT743, ĐT746E, ĐT746G, ĐT747, đường Nguyễn Thị Minh Khai, cầu kết nối đường Phạm Văn Diêu đến Sân bay Biên Hòa, đường từ ngã ba chợ Tân Ba (ĐT747A, TP.Tân Uyên) kết nối đường D21…
Đối với tỉnh Bình Phước, sẽ lấy trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Hoa Lư, Quốc lộ 13, Quốc lộ 13B, Quốc lộ 13C, đường Hồ Chí Minh, ĐT741C, ĐT744B, ĐT748, ĐT748B, ĐT748C, ĐT749B, ĐT750E, ĐT750F… để kết nối giữa hai địa phương.
Đối với tỉnh Tây Ninh, phát triển hạ tầng giao thông theo trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 56B, ĐT749B, ĐT749E, ĐT749F, ĐT750…
Công trình cầu Bình Gởi bắc qua sông Sài Gòn sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng giúp giảm tải cho cầu Phú Cường nối TP.Thủ Dầu Một với huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh
Theo phương án phát triển hạ tầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030 toàn tỉnh có 43 tuyến đường tỉnh gồm 16 tuyến hiện hữu và 27 tuyến bổ sung mới.
Cụ thể, đối với 16 tuyến đường tỉnh hiện hữu, được đầu tư nâng cấp, điều chỉnh hướng tuyến của một số đoạn và xây dựng nối dài các đoạn tuyến chưa được hình thành để bảo đảm các thông số kỹ thuật, hình thành mạng lưới giao thông thông suốt. Đối với 27 tuyến đường tỉnh bổ sung mới, điều chỉnh một số đường hiện hữu, nâng cấp và đầu tư các đoạn mở mới.
Phát triển đường sắt kết nối các cảng
UBND tỉnh đang xem xét chủ trương đầu tư xây dựng cảng cạn ITC - Rạch Bắp thuộc địa bàn phường An Tây, TP.Bến Cát. Quy mô diện tích đất và mặt nước của dự án dự kiến gần 12 ha; công suất dự kiến đạt 2 - 3 triệu tấn/năm; tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 1.375 tỷ đồng. Dự kiến thời gian xây dựng dự án từ quý III-2025, hoàn thành đầu tư, vận hành khai thác và kinh doanh từ quý III-2027. Cảng cạn ICT - Rạch Bắp sẽ có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy trọng tải đến 3.000 tấn.
Trên cơ sở Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương sẽ nghiên cứu xây dựng bổ sung tuyến đường sắt Bàu Bàng - Mộc Bài kết nối đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh và tuyến đường sắt kết nối các tỉnh Tây nguyên với tuyến đường sắt TP.Hồ Chí Minh - Tây Ninh.
Đối với đường sắt đô thị, tỉnh Bình Dương nghiên cứu đầu tư xây dựng 12 tuyến metro kết nối với TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) và kết nối các địa phương trong tỉnh.
Đối với mạng lưới đường thủy nội địa, theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Dương phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa quốc gia, các hành lang vận tải và các tuyến vận tải thủy trên địa bàn tỉnh; phát triển các tuyến vận tải đường thủy nội địa địa phương trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính.
Riêng hệ thống cảng, bến thủy nội địa, tỉnh Bình Dương phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hoạt động bốc xếp vật liệu xây dựng tại cảng Thạnh Phước (TP.Tân Uyên)
Nhằm phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, tỉnh Bình Dương chú trọng phát triển các cảng cạn (ICD). Theo đó, ngoài các cảng cạn hiện hữu như cảng cạn An Sơn, cảng cạn Bình Hòa (Tân Cảng Sóng Thần), cảng cạn TBS Tân Vạn Dĩ An, cảng cạn Thạnh Phước, cảng cạn Tân Uyên, cụm cảng cạn Bến Cát, cảng cạn Thạnh An, tỉnh Bình Dương nghiên cứu xây dựng cảng cạn Bàu Bàng và Lai Hưng (huyện Bàu Bàng), cảng cạn Vĩnh Tân (TP.Tân Uyên), cảng cạn Bắc Tân Uyên (huyện Bắc Tân Uyên), cảng cạn ga đầu mối An Bình (TP.Dĩ An), cảng cạn Riverside (TP.Bến Cát) và cảng cạn tại các đầu mối giao thông, khu, cụm công nghiệp dự kiến xây dựng trong thời gian tới.
Ngoài hệ thống cảng sông, cảng cạn, tỉnh Bình Dương còn bố trí quỹ đất dự trữ nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng hàng không tại huyện Dầu Tiếng phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tại địa phương.