Phát triển giao thông, khơi thông dòng chảy kinh tế vùng núi phía Bắc

Hạ tầng giao thông hạn chế đã kìm chân sự phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Khơi thông được vướng mắc này sẽ tạo ra dòng chảy kinh tế giữa các khu vực, từ đó làm nên sự đột phá, thay đổi diện mạo kinh tế của vùng.

Ảnh: Lê Hồng Nhung

Ảnh: Lê Hồng Nhung

Tại Diễn đàn liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ chiều ngày 27/9, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI nhận định, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Việt Nam.

Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN. Trong đó, có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; có tiềm năng về du lịch đặc sắc...

Tuy nhiên, ông Phòng cho rằng, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.

Ông Hoàng Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế vùng và địa phương, Ban Kinh tế trung ương cho biết, với Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2030, Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và với vùng đồng bằng sông Hồng.

Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản; kinh tế cửa khẩu, du lịch; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, ông Giang nói.

Những quyết sách này khi đi vào thực tiễn sẽ giúp nâng cao năng lực kinh tế cả vùng, hỗ trợ cải thiện sinh kế và đời sống người dân, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số trong vùng...

3 vấn đề lớn nổi cộm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm: công tác quy hoạch còn chậm, cơ sở hạ tầng hạn chế và phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn chưa nhanh. Ảnh: Mekong ASEAN.

3 vấn đề lớn nổi cộm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ bao gồm: công tác quy hoạch còn chậm, cơ sở hạ tầng hạn chế và phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn chưa nhanh. Ảnh: Mekong ASEAN.

Trong giai đoạn 2021-2030, mục tiêu tăng trưởng GRDP của vùng đạt 8-9%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), trong đó nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 12-13%, công nghiệp - xây dựng chiếm 45-46%, dịch vụ chiếm 37-38%....

Tuy nhiên, ông Giang cũng thấy rằng, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đang phải đối mặt với 3 vấn đề lớn, bao gồm công tác quy hoạch còn chậm, cơ sở hạ tầng hạn chế và phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn chưa nhanh.

Hạ tầng giao thông là động lực để kinh tế vùng có sự phát triển đột phá

Bàn rõ hơn về vấn đề chính sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Bộ Giao thông vận tải Phạm Hoài Chung, để phát huy thế mạnh của vùng, cần phải xác định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (quốc gia, vùng, địa phương) đồng bộ và phù hợp với đặc điểm, lợi thế và định hướng phát triển kinh tế của vùng. Từ đó, giao thông vừa là động lực thúc đẩy, vừa là cơ hội đầu tư phát triển song hành với tiềm năng kinh tế của Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Tại diễn đàn, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, ông Chung đề xuất 3 loại hình, trong đó có 2 loại hình giao thông trọng tâm được cho là phù hợp nhất đối với sự phát triển của vùng để tập trung ưu tiên đầu tư sớm, bao gồm đường bộ cao tốc và cảng hàng không.

Trong đó, cao tốc là phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, tạo điều kiện kết nối vùng với vùng thủ đô Hà Nội theo mô hình hướng tâm sẽ liên kết các địa phương đi lên các cửa khẩu và về với vùng thủ đô để ra cảng biển và các vùng khác trong cả nước, phục vụ hành khách, hàng hóa ở các chặng đường ngắn và trung bình. Đồng thời sẽ kết nối đến các phương thức vận tải đường dài như đường sắt, đường biển.

"Loại hình giao thông này cần được ưu tiên hơn vì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số người dân, doanh nghiệp trong việc tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển, kịp thời đưa sản phẩm, dịch vụ đến với thị trường"

"Loại hình giao thông này cần được ưu tiên hơn vì sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho đại đa số người dân, doanh nghiệp trong việc tiết kiệm được nhiều thời gian di chuyển, kịp thời đưa sản phẩm, dịch vụ đến với thị trường"

Ông Phạm Hoài Chung

Theo Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, kết quả tính toán trên một số tuyến đường cao tốc đã đầu tư trong giai đoạn 2010 – 2020, tốc độ tăng trưởng GRDP của từng địa phương (có tuyến cao tốc đi qua địa bàn) tăng từ 1,1-2%/năm; tạo thêm công ăn việc làm, thúc đẩy thu hút đầu tư.

Về cảng hàng không, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không sân bay toàn quốc 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023. Theo đó, trong vùng sẽ có 3 cảng hàng không trong lộ trình đầu tư dự kiến đến 2030 cần được kêu gọi đầu tư, bao gồm dự án cảng hàng không Sa Pa, tỉnh Lào Cai; dự án cảng hàng không Lai Châu, tỉnh Lai Châu; dự án cảng hàng không Nà Sản, tỉnh Sơn La.

“Các doanh nghiệp đầu tư dự án hạ tầng giao thông cảng hàng không, sân bay yêu cầu là các doanh nghiệp mạnh, có chuỗi giá trị đầu tư thông qua hệ sinh thái gắn kết với dự án đầu tư giao thông để phát huy giá trị như đầu tư hệ sinh thái du lịch, nghĩ dưỡng, hoặc khai thác khoáng sản….hoặc khu đô thị sân bay”, ông Phạm Hoài Chung đề xuất.

Đối với loại hình thứ 3, đó là đường sắt kết nối. “Hiện 90% vận tải của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ phụ thuộc vào vận tải đường bộ. Do đó, cần quan tâm đẩy mạnh phát triển hạ tầng đường sắt để kết nối với vận tải biển giữa vùng và các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho lưu thông và nâng cao giá trị hàng hóa của vùng”, ông Chung chia sẻ.

Cải thiện được vấn đề hạ tầng giao thông sẽ giúp khơi thông dòng chảy kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ảnh: Mekong ASEAN.

Cải thiện được vấn đề hạ tầng giao thông sẽ giúp khơi thông dòng chảy kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Ảnh: Mekong ASEAN.

Là một trong những điểm sáng kinh tế của vùng, Lào Cai thời gian qua cũng đã tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông. Chia sẻ tại sự kiện, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai Hoàng Quốc Khánh cho biết, Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, đến nay có thể nói tỉnh Lào Cai là một trong những địa phương có mạng lưới giao thông thuận lợi, đa dạng.

Cụ thể, các tuyến Quốc lộ phân bố rộng khắp, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai liên kết với vùng thủ đô, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh đã có phương án nâng cấp lên khổ lồng 1,435m, đẩy mạnh phát triển tuyến đường thủy nội địa và đặc biệt phát triển đường hàng không với cảng Hàng không Sa Pa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, sẽ khởi công trong thời gian tới.

Tỉnh Lào Cai cũng xác định mục tiêu xây dựng tỉnh thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc. Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Khánh cho rằng, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.

Trong đó, đầu tư dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai theo quy mô 4 làn xe vào năm 2023 và hoàn thiện quy mô 6 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2030, do đây là tuyến đường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Lào Cai cũng như khu vực Tây Bắc.

Thứ hai, hỗ trợ tỉnh Lào Cai hoàn thành và đưa vào khai thác cảng hàng không Sa Pa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không cấp 4C, công suất 3 triệu hành khách/năm trước năm 2030.

“Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư, đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc"

“Cảng hàng không Sa Pa được đầu tư, đưa vào hoạt động sẽ có sức lan tỏa rất lớn đối với tỉnh Lào Cai nói riêng, khu vực Tây Bắc và cả nước nói chung, từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng của Lào Cai với các địa phương của Việt Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc"

Ông Hoàng Quốc Khánh

Thứ ba, sớm nghiên cứu quy hoạch dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ đường 1.435mm, vì đây là tuyến đường có ý nghĩa rất lớn đối với việc kết nối giữa các tỉnh vùng duyên hải Bắc bộ, khu vực Hà Nội và các tỉnh khu vực Tây Bắc. Đồng thời, kết nối vận tải đường sắt với Trung Quốc và từ đó kết nối với đường sắt các nước Á - Âu.

Thứ tư, hoàn thành xây dựng tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (CT.12) theo quy mô 4 làn xe. Nghiên cứu giải pháp huy động nguồn lực để triển khai sớm cao tốc Bảo Hà (Lào Cai) - Lai Châu (CT.13) theo quy mô 4 làn xe.

Thứ năm, hoàn thiện các tuyến quốc lộ gồm QL.70, QL.4, QL.4D, QL.4E, QL.279 và các tuyến quốc lộ kết nối với các tuyến quốc lộ đi qua tỉnh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cải tạo, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối giữa Lào Cai với các trung tâm kinh tế lớn của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-khoi-thong-dong-chay-kinh-te-vung-nui-phia-bac-post27413.html