Phát triển giao thông tạo đột phá

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, ưu tiên cho các công trình quan trọng có tính kết nối liên kết vùng, trong đó có giao thông. Điều này thể hiện quan điểm xuyên suốt của tỉnh từ ngày tái lập đó là đầu tư kết cấu hạ tầng then chốt, trong đó hạ tầng giao thông phải đi trước một bước để thúc đẩy phát triển KT-XH.

Hạ tầng giao thông cửa ngõ phía Nam thành phố Việt Trì

Những ngày cuối năm 2021, từ chương trình dân vận xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư đặc biệt khó khăn, Vừn Muỗng là khu dân cư cuối cùng của xã Đông Cửu – một xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn có đường bê tông chạy về khu dân cư. Chặng đường đủ dài để thấy phát triển giao thông nông thôn thực sự gian nan. Đưa chúng tô đi thăm cán bộ, chiến sỹ Ban chỉ huy Quân sự huyện, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) và bà con trong khu đang trực tiếp thi công tuyến đường, đồng chí Phí Đình Hưng - Bí thư Đảng ủy xã Đông Cửu cho biết: Tuyến đường có chiều dài 1.400m. Năm nay, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên huyện không huy động lực lượng DQTV của các xã trên địa bàn huyện, mà chỉ có sự đóng góp 300 ngày công của DQTV của xã Đông Cửu thay vì 600 ngày công như kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, không vì thế mà tiến độ thực hiện bị chậm bởi có sự đoàn kết, đồng lòng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, người dân trong xã đều tích cực tham gia. Bà con chờ tuyến đường này lâu quá rồi, có đường rồi kinh tế sẽ phát triển, đời sống của đồng bào nơi đây sẽ dần khấm khá.Niềm mong mỏi của hơn 100 hộ dân đồng bào dân tộc Mường bản Vừn Muỗng cũng là tâm trạng chung của hàng vạn đồng bào các dân tộc ở các xã miền núi, vùng cao còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh. Thấu hiểu nỗi niềm ấy, từ những ngày đầu tái lập, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng tỉnh vẫn tập trung nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, mở mới đường đến trung tâm các xã, thôn, bản, nhất là các xã vùng ĐBKK. Từ vùng thấp đến vùng cao trong những năm đầu tái lập là cả một đại công trường, nơi đâu cũng thấy mở đường. Dẫu vậy, với đặc thù là tỉnh trung du miền núi, địa hình chia cắt, nguồn lực có hạn nên công cuộc mở đường gặp nhiều trở ngại.

Cán bộ, chiến sỹ Ban CHQS huyện Thanh Sơn và dân quân tự vệ xã Đông Cửu thi công đường bê tông nông thôn qua khu Vừn Muỗng Đồng chí Trần Hoài Giang – Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thời gian đầu tái lập tỉnh Phú Thọ, giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh cơ bản đã xuống cấp, không có đường giao thông kết cấu bê tông nhựa, đại đa số là đường đất cấp phối, đá dăm và số ít đường đá dăm láng nhựa, việc đi lại trong nội tỉnh còn nhiều khó khăn, vất vả.Toàn tỉnh khi ấy có 5 tuyến Quốc lộ với chiều dài 262,9km, trong đó chỉ có 148,2km đường đá dăm láng nhựa, mặt đường từ 3,5 – 5,5m (chiếm 56,37%) còn lại là đường đá dăm, cấp phối và đường đất. Đường tỉnh có 11 tuyến với tổng chiều dài 312,6km, trong đó 81,54% là đường đá dăm, cấp phối và đường đất. Các tuyến đường huyện (639,6km), đường đô thị (88km), đường xã, đường liên thôn (hơn 2.650km) đại đa số là đường đất. Nhiều xã còn chưa có đường ô tô đến trung tâm xã.Xác định đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là khâu đột phá, tạo động lực phát triển KT-XH, tỉnh đã dành nguồn lực rất lớn để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực to lớn trong nhân dân, các tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) được mở mới len lỏi khắp các thôn, bản. Có đường mới, việc đi lại, giao thương thuận lợi, đời sống người dân được nâng lên, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, tỉnh đã xây dựng đồng bộ hệ thống giao thông đối ngoại kết nối với các tỉnh và vùng thủ đô. Cầu Hạc Trì hiện đại bắc ngang sông Lô, cầu Văn Lang vươn dài về Hà Nội, cầu Phong Châu vững chãi nối sức sống sang vùng phía Tây Bắc, và hàng loạt con đường kết nối liên vùng lấy thành phố Việt Trì là điểm nhấn "xanh - sạch - đẹp" có quy hoạch mang vóc dáng hiện đại. Đặc biệt, đã hoàn thành xây dựng cao tốc Nội Bài – Lào Cai với năm nút giao, kết nối đường cao tốc với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thu hút đầu tư vào các khu – cụm công nghiệp và phát triển KT-XH.Trong gian khó, người dân đất Tổ không chỉ có nỗ lực và khát vọng vươn lên mà còn luôn có những cách làm sáng tạo, điều này càng được thể hiện rõ trong phong trào làm đường GTNT. Nhiều năm nay, huyện Thanh Sơn sử dụng tổng hợp các lực lượng vũ trang trên địa bàn cùng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể của huyện tổ chức các đợt công tác dân vận xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở, cùng người dân địa phương làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, sửa chữa nhà cho các hộ gia đình chính sách, các đối tượng đặc biệt khó khăn... Huyện Yên Lập ra Nghị quyết chuyên đề về phát triển GTNT, huy động tổng lực các nguồn lực để thực hiện. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, cấp ủy và chính quyền từ huyện đến cơ sở tập trung đầu tư, nâng cấp, làm mới hàng trăm km đường liên thôn, liên xã; lắp đặt và sửa chữa hàng trăm cầu cống, đập tràn các loại. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực như Sư đoàn 316, Lữ đoàn 72 Bộ tư lệnh Công binh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh vừa tổ chức huấn luyện quân sự cho DQTV, ký cam kết bảo đảm an ninh chính trị vùng an toàn khu và địa bàn huyện, giúp một số gia đình chính sách dựng nhà, công trình vệ sinh và làm đường GTNT... Nhờ những biện pháp đó mà tuy ít vốn nhưng nhiều công trình phức tạp hoàn thành. Đến năm 2003, 100% số xã của huyện Yên Lập có đường ô tô đến tận trung tâm xã.

Nhờ nguồn lực đầu tư của Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, trên địa bàn tỉnh hiện có 1 tuyến đường bộ cao tốc với chiều dài 62km và năm nút giao, chín tuyến quốc lộ với chiều dài 531km, quy mô đại đa số đạt cấp IV và cấp III với bề rộng mặt đường từ 5,5-11,0m và 100% đã được cứng hóa; 54 tuyến đường tỉnh với tổng chều dài 786km, tỷ lệ cứng hóa đạt 99,5%; 457 cây cầu; gần 1.200km đường huyện và đường đô thị; trên 5.044km đường liên thôn, trong đó, đường huyện đã cứng hóa đạt 97%; đường đô thị cứng hóa đạt 98%; đường liên thôn cứng hóa đạt 81%. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm.
Nếu tính từ quốc lộ đến đường xã thì mật độ đường ô tô toàn tỉnh là 1,14km/km2, cao hơn mật độ trung bình cả nước (0,81km/km2 ). So sánh riêng quốc lộ và đường tỉnh thì Phú Thọ có mật độ đường theo diện tích và so với dân số cao hơn cả nước và vùng trung du miền núi phía Bắc.Đáng chú ý, mạng lưới GTNT được nâng cấp và bảo dưỡng hiệu quả, hòa nhập với hệ thống quốc lộ và tỉnh lộ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, làm hạ giá thành vận tải hàng hóa, giúp việc tiêu thụ nông sản được dễ dàng, tăng thu nhập cho người dân. GTNT phát triển mạnh, tạo điều kiện cho bà con vùng sâu, vùng cao tiếp cận nhanh với nền kinh tế thị trường, góp phần đẩy nhanh tiến trình xóa đói, giảm nghèo.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo, với việc xác định phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển các công trình giao thông trọng điểm là một trong những lĩnh vực đột phá, ngay từ đầu nhiệm kỳ, hàng loạt dự án lớn đã được triển khai và đẩy nhanh tiến độ như: Tuyến đường giao thông kết nối QL32 và đường Hồ Chí Minh với QL70 đi Hòa Bình; tuyến đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nói với cao tốc Nội Bài – lào Cai; tuyến gia thông kết nói lên vùng kết nối QL32, đường Hồ Chí Minh với QL32C đi tỉnh Yên Bái; cầu Vĩnh Phú qua sông Lô kết nối Phú Tho với tỉnh Vĩnh Phúc… Những công trình này sau khi hoàn thành không chỉ tăng tính kết nối giữa các huyện, thành, thị, hình thành liên kết vùng, mà còn nâng cao hiệu quả khai thác của tuyến đường cao tốc Nội Bài –Lào Cai và hệ thống giao thông quốc gia, góp phần quan trọng phát triển KT-XH của tỉnh và cả khu vực. Người dân dất Tổ hôm nay ai cũng phấn chấn, tự hào bởi sau 25 năm tái lập, bộ mặt quê hương đang ngày càng khởi sắc.

Đinh Vũ

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202201/phat-trien-giao-thong-tao-dot-pha-182019