Phát triển hạ tầng giao thông đúng quy hoạch, chìa khóa để Hà Nam phát triển

Những nằm gần đây, Hà Nam đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải nhằm phát triển kinh tế - xã hội.

Những con đường không ngừng được nối dài, được cải tạo nâng cấp theo đúng quy hoạch đã tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, liên vùng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Hệ thống giao thông được xây dựng đúng quy hoạch đã tạo ra một mạng lưới giao thông liên hoàn mang tính kết nối, tăng cường giao thương, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Hà Nam. (Ảnh: điểm đầu tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Hệ thống giao thông được xây dựng đúng quy hoạch đã tạo ra một mạng lưới giao thông liên hoàn mang tính kết nối, tăng cường giao thương, góp phần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế xã hội ở Hà Nam. (Ảnh: điểm đầu tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình).

Cửa ngõ phía Nam của Thủ đô

Hà Nam có vị trí địa lý đặc biệt, là cửa ngõ ở phía Nam của Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô với toàn bộ các tỉnh miền Trung, miền Nam. Sớm nhận ra tiềm năng vị trí chiến lược của Hà Nam, Chính phủ và các bộ, ngành đã cùng với UBND tỉnh Hà Nam xây dựng, công bố bản đồ quy hoạch phát triển tổng thể cho tỉnh này giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Trong quy hoạch tỉnh, hệ thống hạ tầng giao thông được xem là cốt lõi, là chìa khóa để thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng nông lâm nghiệp, địa điểm du lịch và khai khoáng...

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh phấn đấu đến năm 2050 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị thông minh, hiện đại; là trung tâm hậu cần về công nghiệp, công nghệ cao, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch, thương mại của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hà Nam kiên định mục tiêu phát triển kinh tế thịnh vượng gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái theo hướng chủ đạo là thông minh, sáng tạo, xanh, sạch, bền vững với các trụ cột tăng trưởng có trình độ phát triển cao, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, du lịch văn hóa, tâm linh, sinh thái, thể dục thể thao.

Để hiện thực hóa mục tiêu kể trên, tỉnh Hà Nam luôn xác định đầu tư hạ tầng giao thông là mũi nhọn cần ưu tiên. Vì vậy, từ năm 2020 đến nay, Hà Nam đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để xây dựng mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội.

Nút giao Phú Thứ là nút giao đa tầng kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến Vành đai 5, đường cao tốc trên cao... Đây là công trình giao thông mang ý nghĩa đón đầu tương lai.

Nút giao Phú Thứ là nút giao đa tầng kết nối với cao tốc Bắc - Nam, tuyến Vành đai 5, đường cao tốc trên cao... Đây là công trình giao thông mang ý nghĩa đón đầu tương lai.

Ông Kiều Hồng Quảng - Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nam cho biết, trong những năm qua và cả trong giai đoạn 2021-2025, Sở đã báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn từ ngân sách tỉnh và huy động các nguồn vốn khác; đồng thời tỉnh đang báo cáo Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm bố trí vốn và triển khai một số dự án quan trọng, tạo liên kết vùng, đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc, góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Một số dự án lớn được triển khai ở Hà Nam như: Tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn qua Hà Nam dài 15,5km, tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng - đã hoàn thành); Cải tạo nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa (tổng mức đầu tư 525 tỷ đồng - đã hoàn thành); Dự án đường liên kết vùng nối QL1 với nút giao Liêm Sơn lên đền Trần Thương (Lý Nhân) và nối sang đền Trần (Nam Định) trị giá 3.600 tỷ đồng; Nút giao Phú Thứ (1.400 tỷ đồng); dự án cầu Tân Lang và đường liên kết vùng nối đường Vành đai 4 với Vành đai 5 (tổng mức đầu tư 1.496 tỷ đồng), dự án Đường song hành với QL21 trị giá 100 tỷ đồng, tuyến đường nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính...

Giao thương thuận lợi, các nhà đầu tư tìm về

Minh chứng gần đây và rõ nét nhất cho lợi ích mà giao thông mang lại cho Hà Nam chính là tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình. Đây là trục giao thông quan trọng đưa hàng hóa từ cụm cảng Hải Phòng về Hưng Yên - Hà Nam, rồi tỏa đi các tỉnh và ngược lại.

Tuyến đường được đầu tư đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ năm 2019 với kỳ vọng là giảm tải cho tuyến QL1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Thế nhưng chỉ sau 3 năm khai thác, mật độ phương tiện lớn đã khiến tuyến đường rơi vào tình trạng "vừa khai thác đã mãn tải" phải đầu tư nâng cấp mở rộng.

Khu công nghiệp Thái Hà nằm ở vị trí tam giác giữa 3 tỉnh Hà Nam - Hưng Yên - Thái Bình đang được lấp đầy bởi các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất.

Khu công nghiệp Thái Hà nằm ở vị trí tam giác giữa 3 tỉnh Hà Nam - Hưng Yên - Thái Bình đang được lấp đầy bởi các nhà máy, xí nghiệp, xưởng sản xuất.

Dự án giai đoạn 2 ngay sau đó đã được triển khai, do Sở GTVT Hà Nam làm chủ đầu tư. Sau chỉ hơn 1 năm thi công, đến cuối năm 2023 tuyến đường đã hoàn thành, đưa vào khai thác đảm bảo cả về tiến độ và chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Tuất (lái xe đầu kéo ở Thanh Liêm, Hà Nam) cho biết: "Trước đây đường chật chội, xe nối xe, đi đường này cảm thấy rất mệt. Do đường chỉ có hai làn xe nên mỗi khi có va chạm hay tai nạn giao thông là tắc dài, chờ cả tiếng. Nay tuyến đường được mở rộng, thông thoáng. Mặt đường cũng được thảm lại toàn bộ chẳng khác đường mới.

Đi đường này rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian so với đi cao tốc qua Hà Nội, không lo tắc đường vào dịp cuối tuần ngày lễ, Tết".

Dọc theo tuyến đường này là các cụm công nghiệp vừa và nhỏ của huyện Bình Lục, Khu công nghiệp Thái Hà, trục đô thị mới phía đông TP Phủ Lý… đang không ngừng được lấp đầy bằng các nhà máy, xí nghiệp và cư dân.

Theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nam, hiện nay, Sở tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các trục đường trong quy hoạch của tỉnh để đề xuất đầu tư cho phù hợp với nguồn lực.

Sở cũng đang tham mưu UBND tỉnh xem xét lập chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hà Nam - Nam Định (CT.11) đối với đoạn tuyến trên địa phận tỉnh Hà Nam. Tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải thỏa thuận quy mô, vị trí xây dựng tuyến đường gom QL38 và đầu tư hoàn thiện QL38 đoạn từ nút giao với QL1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý đến nút giao QL21B.

Tham mưu trình UBND tỉnh cho phép nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trên địa bàn, như: Đường kết nối đường Vành đai 4; xây dựng 7 trục dọc phía Đông cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; mở rộng cầu Khả Phong; Cải tạo, sửa chữa, bổ sung hệ thống trang thiết bị an toàn giao thông trên các tuyến đường tỉnh…

Trong những năm gần đây, với các chính sách thông thoáng, hạ tầng đồng bộ, Hà Nam đã lọt vào danh sách 10 tỉnh, thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất cả nước. Tính đến năm 2024, các khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút được 49 dự án đầu tư mới, trong đó có 33 dự án FDI và 16 dự án trong nước với số vốn đăng ký lần lượt là 459,128 triệu USD và 1.932,096 tỷ đồng.

Nếu như năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước của Hà Nam là 13.135 tỷ đồng, đạt 107% so với dự toán Trung ương giao. Thì cả năm 2023, thu ngân sách Nhà nước của tình này đã đạt 13.470 tỷ đồng, đạt 104% dự toán Trung ương giao, 101% dự toán địa phương.

Hiện tỉnh này có 8 khu công nghiệp gồm: Đồng Văn I, Đồng Văn II, Khu công nghiệp hỗ trợ Đồng Văn III, Đồng Văn IV, Châu Sơn, Hòa Mạc, Thanh Liêm, Thái Hà.

Văn Thanh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-trien-ha-tang-giao-thong-dung-quy-hoach-chia-khoa-de-ha-nam-phat-trien-192240627111926651.htm