Phát triển hạ tầng thương mại

Toàn tỉnh hiện có 5 siêu thị tổng hợp; 1 trung tâm thương mại; 30 cửa hàng thế giới di động, điện máy xanh; 6 cửa hàng FPT Shop; 12 cửa hàng VinMart+; trên 30 cửa hàng có quy mô, hình thức hoạt động tương đương với các siêu thị; 162 cửa hàng xăng dầu và 94 chợ, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2021 đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với năm 2020.

Khách hàng mua hàng tại hệ thống VinMart+ trên địa bàn Thành phố.

Khách hàng mua hàng tại hệ thống VinMart+ trên địa bàn Thành phố.

Siêu thị VinMart Sơn La tại Trung tâm thương mại Vincom Plaza Sơn La, là một trong những dự án thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh Sơn La về hạ tầng thương mại. Đi vào hoạt động tháng 7/2018, siêu thị cung cấp đa dạng mặt hàng tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Giám đốc siêu thị VinMart Sơn La, cho biết: Chúng tôi luôn chủ động phương án dự trữ hàng hóa và xây dựng phương án đảm bảo cung ứng, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân ứng phó với thiên tai, dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã huy động bố trí 10 xe trung chuyển hàng hóa hằng ngày để đảm bảo hàng hóa phục vụ tận tình tới tay người tiêu dùng.

Theo chị Hoàng Thị Thu Phương, phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La: Lựa chọn mua hàng tiêu dùng ở siêu thị đã trở thành thói quen và tôi yên tâm vì các sản phẩm đều rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng hóa đa dạng. Thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, siêu thị VinMart Sơn La đã thực hiện chương trình bán hàng online “Đi chợ hộ” tạo thuận lợi cho người tiêu dùng.

Nhận thấy tiện ích và sức hút kinh doanh từ mô hình siêu thị mang lại, gần đây nhiều cửa hàng phân phối, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng trên địa bàn Thành phố và các huyện Mộc Châu, Mai Sơn, Phù Yên đã đầu tư, nâng cấp cửa hàng và kinh doanh theo mô hình siêu thị thu nhỏ, cửa hàng tiện ích. Điểm chung là hàng hóa được bày bán theo khu vực, nhóm hàng, có niêm yết giá, tạo thuận lợi hơn cho người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hạ tầng thương mại của tỉnh Sơn La vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn các chợ được đầu tư xây dựng khá lâu, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp, nhiều hạng mục không còn sử dụng được, không thu hút các tiểu thương vào kinh doanh tại chợ. Mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại đã và đang trở thành kênh bán lẻ hàng hóa quan trọng, tuy nhiên, mới chỉ phát triển tại các khu vực đô thị. Chưa hình thành được chợ đầu mối, trung tâm logistics. Các cơ sở hạ tầng hỗ trợ xuất nhập khẩu, thương mại như: kho chứa, bảo quản hàng; sức thu hút đầu tư vào hạ tầng thương mại chưa cao.

Bà Đỗ Thị Bích Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngày 27/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” trên địa bàn tỉnh, với định hướng mở rộng và phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ; phát triển hệ thống logistics của tỉnh cơ bản hoàn chỉnh, có tính liên kết cao. Trong đó, tập trung vào các dịch vụ logistics phục vụ, như: Tiêu thụ, xuất khẩu nông sản; thương mại điện tử; hỗ trợ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; phát triển thương mại gắn kết chặt chẽ tác động nhiều chiều với việc phát triển làng nghề, phát triển du lịch...

Cũng theo bà Châu, toàn tỉnh phấn đấu giai đoạn 2021-2030, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (chưa loại trừ yếu tố giá) của tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân từ 9,5 - 10,5%/năm. Doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm khoảng 5-7% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh; 20-25% số doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại tham gia các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.

Sở Công Thương với chức năng là cơ quan đầu mối sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện theo đúng lộ trình; rà soát, đề xuất các nội dung về phát triển thương mại để tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia, đảm bảo tính thống nhất; xây dựng và triển khai các chính sách về phát triển thương mại, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, phát triển hệ thống phân phối xanh, tiêu dùng xanh, liên kết bền vững giữa sản xuất - phân phối - tiêu dùng...

Với giải pháp, lộ trình cụ thể, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho hạ tầng thương mại của tỉnh tiếp tục phát triển cả về quy mô, loại hình, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-ha-tang-thuong-mai-48149