Phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững cần có những biện pháp đồng bộ

Sáng 1/9, UBND huyên Krông Pắc (Đắk Lắk) đã tổ chức hội thảo Xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững huyện Krông Pắc. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Ngô Thị Minh Trinh phát biểu khai mạc Hội thảo.

Hội thảo có sự tham gia của gần 600 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, đại sứ quán các nước, các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu trong và ngoài nước.

Đông đảo các đại biểu tham gia tại Hội thảo.

Đông đảo các đại biểu tham gia tại Hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng với điều kiện tự nhiên đặc thù, sầu riêng ở Tây nguyên nói chung và Đắk Lắk, huyện Krông Pắc nói riêng đã mở rộng và kéo dài thời gian thu hoạch sầu riêng của Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn của sầu riêng Việt Nam so với Thái Lan và các nước trong khu vực. Song, do trước đây sầu riêng chỉ là cây trồng xen trong vườn cà phê nên nhà vườn chưa quan tâm đầu tư đến kỹ thuật chăm sóc nên sầu riêng đạt năng suất thấp và chất lượng chưa cao.

Cây sầu riêng được trồng xen canh nên năng suất và chất lượng chưa cao.

Cây sầu riêng được trồng xen canh nên năng suất và chất lượng chưa cao.

Mặt khác, cây sầu riêng mới phát triển mạnh trong những năm gần đây nên nhà vườn chưa có nhiều kinh nghiệm trồng, chăm sóc và quản lý sâu bệnh gây hại sầu riêng dẫn đến việc lạm dụng các loại phân bón lá, chất kích thích nên gây ra rất nhiều hiện tượng rối loạn sinh lý như trái bị vàng gai, bể gai, nứt trái, nứt cuống, trái bị méo… Ngoài ra, biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những hiện tượng thời tiết bất thường đã ảnh hưởng rất lớn đến năng suất và chất lượng trái sầu riêng, như: cây ra hoa không tập trung, ra hoa nhiều đợt, bệnh hại sầu riêng lại phát triển mạnh, rất khó phòng trị…

Các chuyên gia đầu ngành và nhà quản lý trao đổi nhiều ý kiến tại Hội thảo.

Các chuyên gia đầu ngành và nhà quản lý trao đổi nhiều ý kiến tại Hội thảo.

Trước thực trạng đó, các bộ, ngành, chuyên gia đã có nhiều chia sẻ về vấn đề phát triển sầu riêng bền vững tại Đắk Lắk và các giải pháp kỹ thuật sản xuất sầu riêng bền vững; công tác quản lý chất lượng trái sầu riêng trong quá trình sản xuất và thu hoạch.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo.

Tại hội thảo, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng hệ sinh thái sầu riêng bền vững cũng được nhiều ý kiến quan tâm, nhất là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) nhằm tăng hiệu quả canh tác với cây sầu riêng…

Trao đổi bên lề Hội thảo, ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi thì ngành hàng sầu riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn.

Theo ông Văn, điều quan trọng nhất là sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với những khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế dựa trên tầm nhìn chiến lược và các giải pháp đồng bộ về phát triển ngành hàng sầu riêng hiệu quả bền vững.

Các sản phẩm sầu riêng chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Các sản phẩm sầu riêng chủ yếu là xuất khẩu thô nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

Huyện Krông Pắc có diện tích cây sầu riêng đứng đầu toàn tỉnh, với khoảng 8.000 ha sầu riêng, trong đó hơn 4.000 ha kinh doanh; năng suất đạt 240 tạ/ha. Đặc biệt có những vườn sầu riêng trồng lâu năm cho năng suất rất cao đạt 350 tạ/ha. Số diện tích sầu riêng đã được đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP là 902 ha; có 37 mã vùng trồng, với 2.015 ha; 18 cơ sở đóng gói được cấp mã. Đây là một trong những lợi thế rất lớn để sản phẩm sầu riêng xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành hàng sầu riêng của huyện đang đối mặt với khó khăn, thách thức, đó là: vùng nguyên liệu chưa tập trung, chủ yếu trồng xen với cà phê; quy mô sản xuất còn nhỏ; vùng trồng được cấp mã còn ít; ứng dụng công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch phát triển chưa nhiều, chất lượng chưa đồng đều; liên kết chỗi giá trị còn lỏng lẻo kết cấu hạ tầng sản xuất thiếu đồng bộ… Đây là những điểm nghẽn khiến ngành hàng thiếu tính bền vững.

Ngoài tìm ra những giải pháp phát triển cây sầu riêng bền vững, Hội thảo cũng trưng bày nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng chế biến từ sản phẩm sầu riêng.

Ngoài tìm ra những giải pháp phát triển cây sầu riêng bền vững, Hội thảo cũng trưng bày nhiều sản phẩm OCOP đặc trưng chế biến từ sản phẩm sầu riêng.

Tại Hội thảo này, các nhà quản lý của Trung ương và địa phương, các chuyên gia trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, HTX cùng nhau chia sẻ những thông tin về hệ sinh thái ngành hàng sầu riêng, gồm các định hướng và chính sách của nhà nước. Các quy định của thị trường nhập khẩu; các giải pháp về công nghệ tiên tiến, kỹ thuật canh tác bền vững; các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của các thị trường nhập khẩu... Mong muốn thông qua hội thảo, các bộ, ngành cùng địa phương cùng nhau xây dựng những giải pháp, chiến lược thực tiễn nhằm phát triển ngành hàng sầu riêng thật bền vững.

Phương Đông - Lê Thắng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-he-sinh-thai-sau-rieng-ben-vung-can-co-nhung-bien-phap-dong-bo.html