Phát triển hệ thống giao thông thúc đẩy du lịch nội địa
Việt Nam hiện nay bên cạnh hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đã tương đối thuận lợi, vẫn đang trong tiến trình phát triển hệ thống giao thông. Trong tương lai đây sẽ là một lựa chọn tối ưu cho nhiều tệp khách du lịch.

Các tuyến đường bộ, đường sắt đang được nhiều du khách lựa chọn để giảm chi phí và có trải nghiệm độc đáo cho chuyến đi của mình. (Nguồn: Tùng Phương)
Tiết kiệm chi phí, đa dạng lựa chọn
Trong vài năm trở lại đây, giá vé máy bay ở các tuyến nội địa đang có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, vào mùa cao điểm du lịch như Tết Nguyên đán, hè, dịp nghỉ lễ, vé máy bay đến các tỉnh, thành phố gấp ba, bốn lần so với bình thường. Trên một số trang web, app du lịch nổi tiếng, vé máy bay tới các điểm như Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu),... vào tháng 6 - mùa cao điểm du lịch hè đang có mức giá dao động từ 3 triệu - 5 triệu/ lượt, như vậy, một cặp vé khứ hồi sẽ có giá từ 6 - 10 triệu đồng.
Không những vé máy bay đến các điểm du lịch trọng điểm có mức giá cao, mà du khách còn “đau đầu” khi lựa chọn các hãng máy bay. Ví dụ, một số hãng máy bay giá rẻ thường xuyên hoãn giờ bay, đổi chuyến bất ngờ. Thậm chí, khách hàng phải chờ vài ngày, vài tiếng để được “bù” chuyến bay. Ngược lại, đối với các hãng hàng không uy tín, chi phí vé máy bay tương đối cao so với thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. Giá vé rẻ chỉ rơi vào những khung giờ bay “xấu” như nửa đêm, rạng sáng, tối muộn.
Vì vậy, nhiều du khách đã chuyển sang lựa chọn phương tiện giao thông khác như xe khách, ô tô riêng, tàu hỏa để bảo đảm trải nghiệm vui vẻ, hoàn hảo cho chuyến đi. Những phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt ở Việt Nam có ưu điểm với nhiều khung giờ, tuyến đường, phân khúc cho khách hàng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, trên các trang web bán vé tàu hỏa, vé xe khách uy tín, giá vé khứ hồi (hai chiều đi và về) cho một chuyến đi từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP HCM,... dao động khoảng 2 triệu cho đến 4 triệu đồng tùy vào phân khúc mà khách lựa chọn.
Chia sẻ với truyền thông, Công ty Du lịch Việt cho biết, trong năm 2024, nhu cầu về du lịch tàu hỏa tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Nhiều gia đình trẻ, cán bộ, công nhân viên chức lựa chọn tàu hỏa để đổi mới trải nghiệm và tiết kiệm chi phí cho chuyến đi du lịch của mình.
Nâng cấp các tuyến đường sắt, đường bộ tăng trải nghiệm cho du khách
Thực tế, hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt đang góp phần tăng trưởng du lịch, trở thành một sản phẩm độc đáo ở nhiều tỉnh, địa phương tại Việt Nam. Theo thống kê, giai đoạn 2022 - 2024, lượng hành khách đi tàu Hà Nội - Hải Phòng tăng đều bình quân 10%/năm, đạt hơn 1,5 triệu lượt khách. Chỉ tính trong năm 2024, hơn 1,5 triệu lượt khách đã đến với TP Hải Phòng bằng đường sắt, tăng so với 1,4 triệu lượt khách của năm 2023. TP Hải Phòng có những dự định xây dựng, phát triển đường sắt thành một sản phẩm du lịch đặc thù.
Tại miền Bắc, các tuyến cao tốc nối liền Hà Nội với các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Trung Bộ đã được đưa vào vận hành, tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển. Thời gian di chuyển từ Hà Nội đến các điểm đến nổi tiếng tại miền Bắc như Sa Pa (Lào Cai), Hải Phòng, Hạ Long (Quảng Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh), Ninh Bình, Nghệ An đều đã được rút ngắn chỉ bằng một nửa thời gian di chuyển trước đây. Với tuyến đường Móng Cái - Quảng Ninh, tỉnh không những thu hút du khách nội địa, mà còn hấp dẫn cả khách nước ngoài du lịch bằng đường bộ.
Mặc dù, hiện nay, dịch vụ đường sắt, đường bộ tại Việt Nam tương đối tốt, tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế nhất định. Ví dụ như thời gian di chuyển các tuyến dài xuyên Bắc - Nam mất khoảng 12 tiếng trở lên. Tại một số tỉnh, địa phương đang trên đà phát triển du lịch vẫn chưa có những tuyến đường cao tốc đi qua. Đây là một vấn đề khiến nhiều du khách đắn đo lựa chọn các tour du lịch nội địa.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã đề xuất cho phép áp dụng 9 cơ chế, chính sách đặc thù với đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku; điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tăng từ 17.837 tỷ đồng lên 21.551 tỷ đồng. Dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku được đề xuất đầu tư với tổng chiều dài khoảng 125km, đi qua địa phận 2 tỉnh Bình Định (khoảng 40km) và Gia Lai (khoảng 85km). Quy mô tuyến gồm 4 làn xe, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 100km/h.
Đặc biệt, Quốc hội vừa thông qua nhiều dự án lớn chưa từng có trong lịch sử ngành đường sắt như dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây là một “siêu dự án” với tổng vốn đầu tư lên đến 67 tỉ USD; dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng trị giá hơn 8,3 tỉ USD. Theo đề án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tuyến đường được xây mới đường đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tốc độ khai thác cao nhất 320km/h đối với tàu đường dài, tốc độ tối đa 250 - 280km/h đối với tàu chặng ngắn.