Phát triển hệ thống logistics hiện đại: Tạo đà cửa khẩu thông minh

Ðể triển khai mô hình cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu trên địa bàn, bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng tại cửa khẩu, tỉnh còn đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống logistics tại cửa khẩu theo hướng hiện đại.

Xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc)

Xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) - Ái Điểm (Trung Quốc)

Trong nhiều năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tích cực thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ logistics, việc này giúp quá trình thông quan hàng hóa diễn ra thông suốt, từ đó thu hút nhiều doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa qua địa bàn tỉnh.

Doanh nghiệp chủ động

Ngày 11/12/2024, Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn chính thức khai trương tại Khu Kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng – Lạng Sơn - đây là trung tâm logistics có hạ tầng đồng bộ và hiện đại bậc nhất tại Việt Nam, cung cấp chuỗi dịch vụ logistics XNK khép kín trong hoạt động thông quan hàng hóa (thông quan, kiểm dịch, kiểm hóa, sang tải, lưu kho đến vận tải theo mô hình hiện đại).

Ông Lê Hồng Giang, Giám đốc Công viên logistics Viettel Lạng Sơn cho biết: Công viên được triển khai theo các tiêu chuẩn cao nhất về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và bản sao số (digital twins) và tự động hóa (smart locker - khóa thông minh,…), do vậy, các chủ hàng có thể thực hiện kê khai hàng hóa tự động 100%. Đặc biệt, hiện Công viên đã sẵn sàng triển khai vận hành hệ thống xe tự hành, do vậy, khi cơ sở hạ tầng cửa khẩu thông minh tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, cửa khẩu Tân Thanh hoàn thiện và đi vào hoạt động, Công viên sẽ đáp ứng ngay việc vận chuyển hàng hóa theo mô hình xe tự hành IVG qua lại hai bên cửa khẩu.

Tại cửa khẩu song phương Chi Ma cũng đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống kho bãi, địa điểm tập kết hàng hóa XNK quy mô lớn. Trong đó, công ty Cổ phần Dịch vụ XNK tổng hợp Chi Ma HTT đang triển khai dự án mặt bằng kho bãi, 2 kho ngoại quan trong khu vực Cửa khẩu Chi Ma với tổng diện tích hơn 8,6ha.

Sử dụng máy móc bốc xếp hàng hóa tại bãi xe của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương

Sử dụng máy móc bốc xếp hàng hóa tại bãi xe của Công ty Cổ phần Hữu Nghị Xuân Cương

Ông Mai Đức Trung, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Dịch vụ XNK tổng hợp Chi Ma HTT chia sẻ: Trong giai đoạn sắp tới, cặp cửa khẩu song phương Chi Ma (Việt Nam) – Ái Điểm (Trung Quốc) sẽ được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, đồng thời mô hình cửa khẩu thông minh sẽ mở rộng triển khai tại cửa khẩu này. Trong bối cảnh đó, công ty sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống quản lý, vận hành hệ thống kho, bãi tự động; áp dụng hệ thống vận hành tự động mới nhất để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa chuyên biệt; cải tiến các thiết bị cơ giới để tự động hóa trong quá trình bốc xếp hàng hóa,…

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn, hiện tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn có 32 doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bến và kho bãi phục vụ hoạt động XNK hàng hóa. Trong đó, các kho, bến (bãi) có diện tích lớn tập trung tại các khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma, các kho bãi có diện tích nhỏ và vừa tập trung tại các khu vực cửa khẩu Cốc Nam, Bình Nghi, Na Hình, Nà Nưa…

Đặc biệt, hướng đến triển khai mô hình cửa khẩu thông minh, các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kho, bãi tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đã và đang tập trung đầu tư, nâng cấp các quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống lưu thông hàng hóa XNK tự động, hiện đại, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thông quan hàng hóa theo mô hình cửa khẩu thông minh.

Khuyến khích đầu tư

Ông Vũ Quang Khánh, Phó Trưởng Ban Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc hướng đến đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước, thời gian qua, ban đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tập trung tăng cường thu hút đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics.

Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, các sở, ban, ngành của tỉnh đang tiếp tục triển khai nâng cấp nền tảng cửa khẩu số, từ đó giúp “số hóa” công tác quản lý hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Song song với đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ngành và các lực lượng liên quan tại các cửa khẩu của tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động XNK hàng hóa.

Được biết, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung thi công hoàn thiện 3 dự án thuộc Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh (dự án: đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại khu vực mốc 1088/2-1089; mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089; mở rộng đường chuyên dụng xuất nhập khẩu hàng hóa khu vực mốc 1119-1120) vào cuối năm 2025.

Cùng với đó, các sở, ban, ngành và các lực lượng tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đang tổ chức khai thác, quản lý hiệu quả hệ thống logistics của các doanh nghiệp đã đầu tư tại khu vực cửa khẩu. Đồng thời, tiếp tục phát triển thêm các dịch vụ logistics mới nhằm đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu. Ngoài ra, các cơ quan liên quan của tỉnh đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng và nâng cấp hạ tầng phục vụ hoạt động logistics, từ đó tiến tới hiện đại hóa khu vực cửa khẩu.

Chia sẻ vấn đề này, ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương đang triển khai thiết lập cơ chế hợp tác thúc đẩy dịch vụ logistics qua biên giới với Chính phủ nhân dân thành phố Sùng Tả, Quảng Tây, Trung Quốc.

Theo đó, Sở Công Thương đang tập trung phối hợp, nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, hướng tới đẩy mạnh dịch vụ logistics qua biên giới phục vụ XNK hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) trong các hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hợp tác, liên kết phát triển chuỗi cung ứng logistics, tích hợp các dịch vụ để XNK hàng hóa thuận tiện.

Hiện nay, ngoài tiếp tục tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp các hệ thống logistics tại cửa khẩu, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch, đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics với các địa phương biên giới của Trung Quốc. Trong đó, trước mắt tập trung đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các dự án cảng cạn, khu chế xuất, khu phi thuế quan…

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng logistics thông qua việc rà soát các quy hoạch và kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải; tập trung đầu tư phát triển đồng bộ dịch vụ logistics gắn với phát triển Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn, điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển hệ thống logistics tại cửa khẩu.

Việc không ngừng đầu tư hệ thống hạ tầng cửa khẩu, đầu tư, hiện đại hóa các hệ thống logistics hỗ trợ hoạt động XNK đã và đang góp phần đưa tỉnh Lạng Sơn trở thành trung tâm dịch vụ logistics cửa khẩu hiện đại của cả nước. Việc đầu tư phát triển hệ thống logistics tại cửa khẩu sẽ tạo nền móng vững chắc để tỉnh triển khai mô hình cửa khẩu thông minh – mô hình thí điểm đầu tiên trên cửa khẩu nhằm thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa XNK tự động, hiện đại.

TRÍ DŨNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-trien-he-thong-logistics-hien-dai-tao-nen-mong-trien-khai-cua-khau-thong-minh-5044662.html