Luật Dược sửa đổi năm 2024: Hoàn thiện hành lang pháp lý, mở rộng cơ hội phát triển ngành dược

Từ ngày 01/7/2025, Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ chính thức có hiệu lực (Luật Dược sửa đổi năm 2024) với nhiều điểm nổi bật, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, được cho là bước chuyển biến tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngành dược…

Ảnh minh họa, nguồn internet

Ảnh minh họa, nguồn internet

Luật Dược sửa đổi năm 2024 tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như: Ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, mở rộng quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FIE), hoàn thiện hành lang pháp lý cho các mô hình kinh doanh hiện đại. Đồng thời, Luật còn nâng cao hiệu quả quản lý giá thuốc phù hợp với Luật Giá, và bãi bỏ một số thủ tục không còn phù hợp như xác nhận nội dung thông tin thuốc.

Cùng với Luật Dược sửa đổi năm 2024, hai đạo luật khác cũng mang lại tín hiệu tích cực cho ngành dược bao gồm: Luật Đấu thầu (sửa đổi) năm 2023 - đã phân loại rõ ràng các nhóm thuốc có thương hiệu riêng biệt phục vụ đấu thầu, đồng thời cho phép bán thuốc qua các nhà thuốc tại bệnh viện công – mở ra kênh phân phối linh hoạt hơn cho doanh nghiệp.

Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) năm 2024 - Cho phép thiết lập chu kỳ cố định hai năm để xem xét, cập nhật Danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả (NRDL). Đây là bước tiến rõ rệt so với cơ chế không có kế hoạch trước đây, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong chiến lược phát triển và tiếp cận thị trường thuốc phát minh.

Quy định rõ ràng hơn về hoạt động của doanh nghiệp FIE: Luật Dược sửa đổi năm 2024 đã có những điều chỉnh tích cực tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, dù vẫn còn một số điểm cần tiếp tục hoàn thiện.

Tăng tốc xử lý hồ sơ trong giai đoạn chuyển tiếp: Cơ quan quản lý đang nỗ lực rút ngắn thời gian gia hạn hồ sơ còn tồn đọng nhằm đảm bảo nguồn cung thuốc không bị gián đoạn trong thời gian chuyển tiếp giữa Luật Dược năm 2016 và Luật Dược sửa đổi năm 2024.

Chính sách phát triển ngành dược bền vững: Luật Dược sửa đổi năm 2024 đã thể hiện rõ định hướng khuyến khích chuyển giao công nghệ, sản xuất trong nước các loại thuốc biệt dược, đồng thời mở rộng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm lâm sàng – những yếu tố then chốt để ngành dược Việt Nam phát triển mạnh mẽ và cạnh tranh quốc tế.

Nhìn nhận về một số điểm nổi bật của Luật Dược sửa đổi năm 2024, theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024 mới đây do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu rõ: Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về cơ chế công nhận, thừa nhận dựa trên sự tin cậy - Cho phép rút ngắn thời gian cấp phép lưu hành đối với các loại thuốc đã được phê duyệt. Đây là bước tiến quan trọng nhằm đẩy nhanh khả năng tiếp cận thuốc mới, chất lượng cao cho người bệnh tại Việt Nam.

Luật Dược sửa đổi năm 2024 là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc hoàn thiện khung pháp lý, tạo động lực phát triển cho ngành dược. Tuy nhiên, để luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, việc triển khai thực hiện cần đồng bộ, minh bạch và sát với thực tiễn.

Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tiếp tục được đồng hành, đối thoại và đóng góp trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành – từ đó cùng chung tay phát triển ngành dược Việt Nam hiện đại, bền vững và hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trước đó, đánh giá về Luật Dược sửa đổi năm 2024, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Luật này đã thể hiện tinh thần đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, hướng đến tạo thuận lợi, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong ngành dược; các nội dung về kiểm soát chất lượng thuốc đã được điều chỉnh theo hướng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thuốc an toàn hiệu quả./.

Ngọc Tú

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/luat-duoc-sua-doi-nam-2024-hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-mo-rong-co-hoi-phat-trien-nganh-duoc.html