Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực

Ngày 11-12, tại Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ nhất phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một nội dung quan trọng trong các đột phá chiến lược và được xác định là động lực chính để tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, hội nghị được tổ chức nhằm thảo luận, góp ý cho việc hoàn thiện pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng bộ với các pháp luật liên quan.

Trong đó, tập trung vào các chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu...

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, quá trình xây dựng văn bản pháp luật về khoa học và công nghệ rất cần sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học công tác tại các viện, trường.

Sự tham gia từ sớm của các nhà khoa học, các nhà quản lý chắc chắn sẽ cung cấp được nhiều luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp các chính sách này gần gũi hơn với cuộc sống, mang lại hiệu quả chung cho ngành, cũng như cho sự phát triển của kinh tế-xã hội.

PGS, TS Nguyễn Xuân Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, để góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030, cần tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội cơ bản về đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Tích cực cung cấp luận cứ cho việc xây dựng đường lối, chính sách; bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam. Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học xã hội. Đổi mới căn bản hoạt động công bố, quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học theo hướng điện tử hóa, số hóa; nâng cao năng lực hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn.

GS, VS Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chia sẻ, mặc dù mỗi đơn vị đều có cách tiếp cận riêng nhưng đều hướng tới mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Tuy nhiên Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, để phát triển đồng bộ không thể bỏ qua nghiên cứu cơ bản, bởi nghiên cứu cơ bản cung cấp luận cứ cho phát triển đồng bộ, liên ngành về khoa học và công nghệ.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2022.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2022.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đã chia sẻ các vấn đề liên quan. Các ý kiến đều cho rằng, cần gắn chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với giáo dục đào tạo; tạo môi trường bình đẳng cạnh tranh về nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập và tư nhân; hình thành trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo đầy đủ các lực lượng như viện, trường, doanh nghiệp…; cần đo lường hoạt động về đổi mới sáng tạo cụ thể để đánh giá toàn diện khía cạnh khoa học và công nghệ Việt Nam, để làm được cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ; nên có chiến lược đào tạo nhân lực khoa học giai đoạn 10 năm theo hướng cá thể hóa.

Cũng tại hội nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã ký kết Chương trình phối hợp công tác trong giai đoạn 2021-2022.

Tin, ảnh: TRẦN HỒNG - LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/tin-tuc/phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nguon-nhan-luc-680184