Phát triển không gian xanh đô thị Hà Nội: Cần giải pháp mạnh từ quy hoạch
Với sự gia tăng dân số cùng tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, vấn đề triển khai thực hiện quy hoạch hệ thống công viên, vườn hoa, cây xanh và hồ tại Hà Nội ngày càng trở nên quan trọng, cấp thiết, vì mục tiêu xây dựng Thủ đô thành một đô thị 'xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại', tạo dựng môi trường sống sinh hoạt, giải trí cho người dân với chất lượng cao.
Tạo dựng những lá phổi xanh
Để hạn chế tình trạng phát triển mất cân đối, trong những năm gần đây, lãnh đạo TP không ngừng quan tâm chú trọng đến mảng xanh cho Thủ đô. Từ năm 2014, Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù. Với tinh thần đó, từ năm 2016 bên cạnh những không gian xanh hiện hữu, TP đã khởi công xây dựng hàng loạt công viên có quy mô lớn như Công viên hồ điều hòa Nhân Chính (Công viên Thanh Xuân), Công viên, hồ điều hòa phía Bắc và phía Nam nghĩa trang Mai Dịch, Công viên giải trí CXCV1, Công viên giải trí tại Mễ Trì, Khu công viên, hồ điều hòa CV1 Cầu Giấy...
Theo quy hoạch, TP sẽ nâng cấp, cải tạo các công viên hiện có như Công viên Đống Đa, Công viên Thống Nhất; nâng cấp Công viên Bách Thảo, Vườn thú Hà Nội, tăng cường cây xanh trong các khu chung cư cũ với chỉ tiêu 1m2/người, chiếm từ 8 - 10% quỹ đất khu cải tạo... Khu vực Hồ Tây và khu vực phụ cận được quy hoạch để trở thành công viên văn hóa, kết hợp du lịch. Tại Mỹ Đình, sẽ xây dựng mạng lưới công viên, vườn hoa, hồ nước kết hợp khu vực rèn luyện thể thao quần chúng, chăm sóc sức khỏe cộng đồng…
Chị Nguyễn Thị Hằng, sống tại tòa nhà CT 24T1, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho hay: “Từ khi Công viên Thanh Xuân đưa vào hoạt động ngày 10/9/2018, chúng tôi có nơi để thư giãn, tập thể dục và vui chơi trong những ngày hè nóng nực. Việc cải tạo, xây dựng hồ điều hòa trong khu đô thị ở Hà Nội là ý tưởng tốt, cần thực hiện ở nhiều nơi hơn nữa để cải thiện tình hình ngột ngạt hiện nay, cũng như góp phần tạo môi trường sống trong lành cho người dân”. Cùng với đó, TP cũng yêu cầu các cấp, ngành đề xuất các chương trình, dự án cải tạo và làm sạch nguồn nước, phục hồi môi trường các tuyến sông đang bị cạn kiệt và ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch, sông Tích, sông Nhuệ, sông Đáy… Bên cạnh việc phát triển hồ điều hòa trong các công viên mới xây dựng, TP đã tập trung cải tạo môi trường nước các hồ hiện hữu. Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã và đang nạo vét, cải tạo môi trường nước 140 hồ ở cả nội và ngoại thành. Việc thực hiện tốt công tác cải tạo hồ nước bị ô nhiễm đã được sự đồng thuận lớn từ người dân, các hồ nước tại Hà Nội đã thực sự trở thành những “lá phổi xanh” điều hòa không khí cho cả khu vực, với môi trường hồ xanh sạch, cảnh quan đẹp.Đặc biệt, sau hơn hai năm triển khai chương trình trồng mới một triệu cây xanh, Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu. Nhiều tuyến đường được phủ xanh không những cải thiện môi trường không khí mà còn mang lại diện mạo mới cho đô thị. Trong hai năm tới, TP tiếp tục thực hiện trồng mới thêm 600.000 cây xanh, phấn đấu đạt mục tiêu cây xanh, công viên khu vực nội đô đến năm 2030 dự kiến đạt từ 4 - 4,5m2/người.Quyết liệt trong quy hoạch, quản lýTheo quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ ở Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP cần diện tích không gian xanh bình quân 2,43m2/người. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổ chức Health Bridge, Hà Nội đang thiếu rất nhiều vườn hoa, sân chơi trong các khu vực dân cư, đặc biệt trong khu vực nội thành, đất được dùng làm không gian xanh công cộng chỉ chiếm chưa đầy 2% tổng quỹ đất. Nhiều ý kiến cho rằng, TP cần tiếp tục có những hành động cụ thể, quyết liệt trong công tác quy hoạch, quản lý công viên, vườn hoa, nhằm mang lại môi trường trong lành, có thêm địa điểm để người dân vui chơi, giải trí.Chuyên gia Tổ chức Health Bridge Việt Nam Nguyễn Thị Hiền cho biết, vườn hoa, sân chơi trong các khu dân cư của Hà Nội đang phải đối diện với nhiều vấn đề. Đó là việc thu hẹp diện tích đất công cộng, sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công cộng với việc sử dụng đất cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, sự cạnh tranh trong sử dụng đất giữa các tiện ích công cộng với nhau.
Do vậy, Hà Nội cần có sự quản lý chặt chẽ hơn trong vấn đề này như thành lập một đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hệ thống thông tin tích hợp chung để thu thập, lưu trữ và chia sẻ thông tin đa ngành một cách thống nhất, trong đó có thông tin về quản lý đất công và vườn hoa, sân chơi.
“Hà Nội đang thực hiện rất tốt chương trình phát triển cây xanh đô thị. Để mở rộng và vận hành tốt hệ thống vườn hoa, sân chơi công cộng, Hà Nội nên gắn chặt quy hoạch về phát triển cây xanh với quy hoạch phát triển vườn hoa, sân chơi. Quy hoạch cây xanh cần được bổ sung nội dung liên quan vườn hoa, sân chơi đến tận cấp đơn vị” - bà Nguyễn Thị Hiền nhấn mạnh,
PGS.TS Vũ Thị Vinh - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cho biết, trong xu thế đô thị hóa, quỹ đất nội đô dành cho công viên, vườn hoa ngày càng thu hẹp, cho nên Hà Nội cần sớm có hành động cụ thể như huy động đất công sử dụng không hiệu quả trong các khu dân cư để làm vườn hoa, sân chơi. Các diện tích đất có thể được sử dụng cho công viên như quỹ đất có được từ việc di dời các cơ sở công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học, nhất là tại các quận như Thanh Xuân, Đống Đa... Xây dựng những tiêu chí về diện tích và tiện ích công cộng, xã hội đến tận cấp xã, phường để làm cơ sở thực hiện.
Các không gian xanh của Thủ đô Hà Nội là một kho tài sản thiên nhiên và nhân văn quý giá. Đó là những cơ hội để có thể xây dựng mô hình đô thị phát triển bền vững và giữ gìn bản sắc đô thị, đạt được mục tiêu xây dựng Thủ đô xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại đã được đề ra. Nhiều chuyên gia quy hoạch cho rằng, việc nhận diện, phân loại không gian xanh làm cơ sở cho việc xây dựng bản đồ hiện trạng và quy hoạch hệ thống không gian xanh Hà Nội và các quy định quản lý đối với từng loại không gian xanh là rất quan trọng. Hà Nội cần có các quy định mang tính pháp lý đủ mạnh, rõ ràng, cụ thể đối với hệ thống không gian xanh từ công tác quy hoạch đến quản lý sau khi quy hoạch.