Phát triển khu công nghiệp xanh, thông minh

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương và Bình Phước đã tạo nhiều dấu ấn trong phát triển công nghiệp với sự hình thành các khu công nghiệp (KCN) theo hướng công nghiệp gắn với đô thị, dịch vụ.

Thành công từ các KCN đã tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế cùng động lực phát triển mới cho địa phương.

Đột phá thu hút đầu tư từ phát triển khu công nghiệp

Bình Phước từ một tỉnh nông nghiệp đã phát triển mạnh mẽ với tỷ trọng ngành công nghiệp đến nay chiếm 42,3%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,32%, cao nhất vùng Đông Nam bộ và đứng thứ 20 cả nước. Ngành công nghiệp của Bình Phước tăng ở mức cao là 20,63% và chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17,8%, GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng/người/năm, tăng 26 lần sau 25 năm tái lập tỉnh. Năm 2021, tỉnh đã có 63 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn 514 triệu USD, tăng 88,5% về số dự án, gấp 3 lần về số vốn so với năm 2020 và 120 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn 12.000 tỷ đồng.

Theo đồng chí Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, việc đầu tư triển khai KCN quy mô lớn đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách. Toàn tỉnh hiện có 13 KCN với tổng diện tích 4.686ha, trong đó 11 KCN đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động. Thông qua các KCN, tỉnh đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tiêu biểu là KCN Becamex-Bình Phước (huyện Chơn Thành), sau 4 năm triển khai đã thu hút được 49 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trực tiếp đóng góp vào ngân sách hơn 1.700 tỷ đồng, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 6.000 lao động.

Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐỨC TUẤN

Một góc khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II (VSIP II) tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: ĐỨC TUẤN

Với tỉnh Bình Dương, sau 25 năm phát triển đã trở thành địa phương năng động, có kinh tế và công nghiệp phát triển, là điểm sáng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. 29 KCN của tỉnh với tổng diện tích hơn 12.660ha đều được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cách làm hay của tỉnh Bình Dương đã sớm phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa, vừa đưa công nghiệp bứt phá, vừa tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ phát triển theo. Các KCN trong tỉnh đã thu hút 2.342 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 26 tỷ USD, cùng 672 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 86.810 tỷ đồng. Năm 2022, Ban quản lý các KCN tỉnh đưa ra mục tiêu thu hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI.

Là đơn vị đầu tư chủ lực các dự án KCN lớn của Bình Dương và Bình Phước, ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp-Công ty Cổ phần (Becamex IDC) cho biết: “Giá trị cốt lõi của Becamex IDC khi phối hợp với các địa phương trong phát triển KCN là phải gắn liền với khu đô thị, thương mại, dịch vụ, khu tái định cư, nhà ở xã hội và bao quanh là hệ sinh thái giao thông, y tế, giáo dục chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân. Đây là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, tạo điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân tại khu vực.

Khu công nghiệp xanh, thông minh

Trong quá trình phát triển KCN, hai địa phương là Bình Dương và Bình Phước cùng với sự phối hợp, triển khai tích cực của Becamex IDC đã sớm định hướng xây dựng các KCN phát triển bền vững theo mô hình “3 trong 1”. Đó là KCN gắn với khu đô thị và dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân chứ không đơn thuần chỉ là đường giao thông, công trình, nhà xưởng... Các địa phương đang hướng đến thu hút đầu tư theo chiều sâu, xây dựng KCN xanh, thông minh để phát triển bền vững.

Mới đây, tại KCN Becamex-Bình Phước, nhà máy của Công ty TNHH Hayat Kimya Việt Nam có vốn đầu tư 250 triệu USD đã chính thức khánh thành với tiêu chuẩn thiết kế giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm nước, tiết kiệm nguyên vật liệu với mức phát thải bằng 0. Nhà máy còn được đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời công suất lớn 5,3MWp để tận dụng tối đa khả năng vận hành của dây chuyền sản xuất và tiết kiệm điện theo cam kết về yêu cầu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tại Bình Dương, KCN Việt Nam-Singapore III (VSIP III) cũng chính thức được động thổ xây dựng với quy mô 1.000ha. VSIP III đặt mục tiêu trở thành KCN xanh, thông minh đầu tiên của cả nước với năng lượng xanh tái tạo, thay thế điện lưới bằng điện năng lượng mặt trời, nước thải sau xử lý đủ tiêu chuẩn xanh tái sử dụng, tạo không gian cây xanh. KCN còn được thiết kế để tích hợp công nghệ thông minh trong các hoạt động, quản lý giao thông và an ninh. Đặc biệt, KCN dành 50ha làm trang trại năng lượng mặt trời.

Ông Kelvin Teo, Giám đốc điều hành Tập đoàn SembCorp Development (Singapore), đồng Chủ tịch VSIP Group cho biết: “KCN VSIP III đánh dấu sự thay đổi lớn về chiến lược phát triển bền vững, sẽ góp phần thu hút dòng vốn FDI cho tỉnh Bình Dương và sẽ giúp KCN VSIP III trở thành một trong những môi trường làm việc xanh và bền vững tại Việt Nam”.

Trong giai đoạn phát triển mới, Bình Dương và Bình Phước đã xác định, muốn đón nhà đầu tư lớn, các KCN cần phải nâng cấp lên chuẩn mới, đó là phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hiện UBND tỉnh Bình Dương cùng Becamex IDC đang tập trung xây dựng KCN Khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng, là dự án trọng điểm của Đề án Vùng đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Trong quá trình tham vấn về quy hoạch chiến lược giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia, nhà khoa học đề nghị tỉnh Bình Dương cần chú ý chuyển đổi thu hút chọn lọc theo hướng mô hình KCN hỗ trợ công nghệ cao, KCN sinh thái, luôn đặt công tác bảo vệ môi trường là ưu tiên hàng đầu, xây dựng hình ảnh Bình Dương là một trong những địa phương đáng sống của khu vực.

Đồng chí Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Lợi thế vượt trội của tỉnh là hạ tầng giao thông, hạ tầng các KCN có tính kết nối liên vùng, đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh kiên định mục tiêu thu hút các dự án mới có chọn lọc, ưu tiên các đối tác có tiềm lực mạnh, tập đoàn kinh tế lớn với các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường vào các KCN mới, hiện đại”.

Trong chuyến thăm, làm việc với hai tỉnh Bình Dương, Bình Phước trong ngày 19 và 20-3 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương phải nhận rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, cơ hội phát triển để có kế hoạch, giải pháp phát triển phù hợp. Bình Dương phải tiên phong xây dựng hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới với các KCN xanh, thông minh, phát triển bền vững, phấn đấu sớm trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại và đô thị thông minh của cả nước. Bình Phước cần thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mở rộng các KCN tập trung, ưu tiên thu hút lĩnh vực phù hợp, có tính liên kết cao, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

HỒNG GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-khu-cong-nghiep-xanh-thong-minh-689626