Phát triển Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, bền vững

Ngày 20/2, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định.

Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày những nội dung chính trong thuyết minh đồ án. Theo đó, Khu kinh tế Vân Phong là phần đất và mặt nước thuộc khu vực Vịnh Vân Phong, được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 25/04/2006 với diện tích 150.000ha. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt tại Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 17/03/2014.

Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa được xác định là một trong những khu kinh tế ven biển ưu tiên đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng. Sau 5 năm thực hiện, mục tiêu, tính chất và tầm nhìn của Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong năm 2014 cần phải được nghiên cứu lại để phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Khu kinh tế Vân Phong, của tỉnh Khánh Hòa và khu vực lân cận.

Mặt khác, Quỵ hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đang được thực hiện theo Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 07/08/2020.

Theo đó, định hướng quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong là một phần quan trong trong nội dung Quy hoạch tỉnh để đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất giữa các quy hoạch. Do vậy, việc lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết.

Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch có quy mô diện tích 150.000ha, trong đó phần đất liền và đảo khoảng 70.000ha (không kể phần lấn biển), phần mặt nước khoảng 80.000ha thuộc huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa.

Mục tiêu của đồ án là xây dựng Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trở thành vùng động lực phát triển, đô thị thông minh, bền vững bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực va chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

Xây dựng Khu kinh tế Vân Phong theo mô hình phát triển thân thiện môi trường, khai thác hiệu quả tiêm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển…

Về tính chất, Khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước. Trong đó kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác.

Đồng thời là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp với những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Động lực phát triển kinh tế vùng lân cận và cả nước

Theo nội dung điều chỉnh, dự báo quy mô dân số Khu kinh tế Vân Phong đến 2030 khoảng 380.000 người, quy mô dân thường trú khoảng 330.000 người, dân số quy đổi khoảng 50.000 người. Đến 2040, dân số khoáng 550.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 450.000 người, dân số quy đổi và lao động khoảng 100.000 người.

Quy mô đất xây dựng đến năm 2040 khoảng 31.000 - 34.000ha, trong đó quỹ đất xây dựng các khu đô thị và dân cư nông thôn khoảng 11.000 - 12.000ha và quỹ đất xây dựng các khu ngoài dân dụng khoảng 20.000ha.

Về định hướng phát triển không gian, Khu kinh tế Vân Phong được chia thành 2 khu vực gồm khu vực Bắc Vân Phong và khu vực Nam Vân Phong. Đồ án cũng đã thiết lập ranh giới các phân khu chức năng chính gồm 19 phân khu phủ kín 70.000 ha, đó là Khu du lịch sinh thái Đảo Hòn Lớn, Khu du lịch Núi Khải Lượng, Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn; Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên – Mũi Đá Son; Khu đô thị, dịch vụ du lịch Tuần Lễ - Hòn Ngang; Khu du lịch Đảo Điệp Sơn; Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh; Khu đô thị du lịch Cổ Mã – Tu Bông; Khu sinh thái núi Tây Tu Bông; Khu sinh thái núi Tây Vạn Giã; Khu đô thị Van Giã và vùng phụ cận; Khu đô thị Nam Vạn Giã;

Khu công nghiệp, dịch vụ Vạn Hưng; Khu đô thị đa năng Ninh Hải – Dốc Lết; Khu dịch vụ đô thị, công nghiệp Tây Ninh An; Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hòa; Khu đô thị và công nghiệp Bắc Hòn Hèo, Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hòa; Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong.

Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đánh giá cao nội dung điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050. Đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến để giúp đơn vị tư vấn và địa phương bổ sung, hoàn thiện đồ án.

Theo đó, địa phương cần làm rõ mối quan hệ giữa Khu kinh tế với quy hoạch vùng; cập nhật đầy đủ số liệu mới; cập nhật các tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, hiện trạng cảng hàng không, đường sắt; làm rõ các nội dung về đánh giá hiện trạng sử dụng đất; nghiên cứu tập trung phát triển khu công nghiệp công nghệ cao, khu chức năng; phân bổ rõ thời gian thực hiện dự án, cơ chế huy động vốn; bổ sung giải pháp, định hướng bảo tồn các di tích quan trọng; làm rõ các căn cứ pháp lý; bổ sung nội dung đánh giá với công trình hạ tầng đầu mối…

Thay mặt tỉnh Khánh Hòa, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và cho biết, tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện đồ án đạt chất lượng cao nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị tỉnh Khánh Hòa phải tập trung hoàn thiện, bổ sung một số nội dung trọng tâm của đồ án. Địa phương cần rà soát căn cứ pháp lý, quy hoạch Khu kinh tế phải phù hợp với quy hoạch tỉnh; xem xét kết nối mang tính liên kết vùng của Khu kinh tế; xem xét các nội dung liên quan đến phân khu chức năng.

Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu địa phương cần đánh giá rõ hơn nội dung hiện trạng, tốc độ đô thị hóa, phát triển công nghiệp, du lịch, phải gắn với các dự án; đánh giá thực trạng, các khu chức năng theo đúng quy hoạch để triển khai; cần xác định rõ, có sự tính toán dân số hợp lý; phải xem xét lại quy mô đất đai; làm rõ quy định cho từng phân khu chức năng để quản lý, quy hoạch phân khu; cải tạo môi trường biển, phát triển mở rộng quỹ đất.

Về hạ tầng, tỉnh cần xác định rõ các công trình cần thiết để đầu tư; ưu tiên triển khai và có kế hoạch cụ thể hóa các dự án trong đô thị; đánh giá kỹ về hạ tầng khung kết nối. Bên cạnh đó, phải rà soát các quy hoạch có liên quan, đặc biệt là quy hoạch ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị đơn vị tư vấn và UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng, phối hợp với đơn vị chỉnh sửa, hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Yến Mai

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/phat-trien-khu-kinh-te-van-phong-tro-thanh-trung-tam-kinh-te-nang-dong-thong-minh-ben-vung-349604.html