Phát triển kinh tế bền vững từ sản xuất công nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã thu được những kết quả tích cực. Hiện, thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa, đưa sản xuất công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan.

Xu hướng phục hồi, phát triển rõ nét

- Vượt qua nhiều khó khăn, tác động tiêu cực từ việc tăng giá xăng, dầu, nguyên, vật liệu đầu vào, sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2022 vẫn tăng trưởng tích cực. Điều này đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của thành phố như thế nào, thưa bà?

- Nhờ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, “mở cửa” nền kinh tế, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính tăng trưởng 6,31%, đóng góp 1,27% vào mức tăng 7,79% của GRDP. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 6,73%, đóng góp 0,88% vào mức tăng của GRDP.

Ngoài việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, các cấp, ngành thành phố Hà Nội cũng chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp lưu thông hàng hóa, kết nối với các chuỗi cung ứng, xúc tiến mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Qua thống kê cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2022 tăng 6,6%, trong khi 6 tháng đầu năm 2021 chỉ số này tăng 8,7%. Vậy theo bà nguyên nhân do đâu?

- Thứ nhất, dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh đầu năm 2020, do đó sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề. Từ cuối năm 2020, đầu năm 2021, dịch Covid-19 được kiểm soát nên chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2020. Thứ hai, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngoài ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp công nghiệp của Hà Nội bị ảnh hưởng trên nhiều phương diện khác, từ thiếu hụt nguồn nguyên liệu (đã sản xuất hết lượng dự trữ), vốn, nhân công, đến giảm đơn hàng, bị hủy đơn hàng, giảm sản lượng. Cùng với đó, tình hình xung đột trên thế giới và việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19, dẫn đến gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu, làm giá xăng dầu và nhiều hàng hóa tăng cao, tác động đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp khiến giảm đà tăng trưởng.

- Dự báo những khó khăn trên còn kéo dài, thậm chí là nặng nề hơn trong 6 tháng cuối năm 2022. Vậy, các giải pháp khắc phục trong thời gian tới như thế nào, thưa bà?

- Thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất của thành phố Hà Nội. Trong đó, chúng tôi tập trung vào một số nhiệm vụ chính, như đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý kinh doanh… xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm nguyên tắc “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Cùng với đó, chúng tôi chủ động trao đổi, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng.

Một nhiệm vụ quan trọng nữa là Sở Công Thương được thành phố giao tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại, khởi công các cụm công nghiệp, công trình điện trọng điểm phục vụ sản xuất… trên địa bàn thành phố.

Phát triển các cụm công nghiệp, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế

- Liên quan đến các cụm công nghiệp, bà có thể cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai như thế nào?

- Trong 6 tháng đầu năm 2022, các chủ đầu tư đã khởi công xây dựng 6 cụm công nghiệp (Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên); Cụm công nghiệp Dị Nậu (huyện Thạch Thất); Cụm công nghiệp Thắng lợi, Cụm công nghiệp Tiền phong - giai đoạn 2 (huyện Thường Tín); Cụm công nghiệp Đan Phượng - giai đoạn 2 (huyện Đan Phượng). Hiện nay, Sở Công Thương đang đôn đốc, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã liên quan, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ khởi công 38 cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, gồm: 37 cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020 và Cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên (huyện Thanh Oai) có quyết định thành lập trước năm 2017. Cùng với đó, Sở Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thẩm định dự án đầu tư mới, mở rộng 21 cụm công nghiệp; họp hội đồng lựa chọn chủ đầu tư 8 cụm công nghiệp.

- Được biết, việc xây dựng các cụm công nghiệp gặp nhiều vướng mắc từ khâu giải phóng mặt bằng, đến cơ chế, chính sách đối với nhà đầu tư. Vậy, Sở Công Thương có kiến nghị gì để bảo đảm tiến độ khởi công các cụm công nghiệp theo kế hoạch, thưa bà?

- Để bảo đảm đủ các điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 38 cụm công nghiệp trong năm 2022 theo đúng kế hoạch đề ra, chúng tôi đề nghị UBND các huyện, thị xã cập nhật, bổ sung quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với các cụm công nghiệp mới được thành lập; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ khởi công các cụm công nghiệp trên địa bàn đã được phê duyệt.

Cùng với đó, Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND các huyện, thị xã và chủ đầu tư về lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500; đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, trình UBND thành phố quyết định cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng; báo cáo thành phố giao đất theo giai đoạn đối với các dự án cơ bản đã xong giải phóng mặt bằng, chỉ còn phần diện tích nhỏ, có vướng mắc chưa được bàn giao mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND các huyện, thị xã, chủ đầu tư dự án chuẩn bị giải trình, hoàn thiện hồ sơ để UBND thành phố trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển đổi đất lúa đối với những cụm công nghiệp có diện tích đất lúa trên 10ha, trong đó tập trung hoàn thiện hồ sơ đối với các cụm công nghiệp đã được hội đồng thẩm định thống nhất; hướng dẫn chủ đầu tư lập, trình UBND thành phố phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cụm công nghiệp.

Chúng tôi xác định, việc phát triển các cụm công nghiệp là giải pháp quan trọng để thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Hỗ trợ các khu, cụm công nghiệp phát triển vững mạnh, sẽ tạo ra đòn bẩy phát triển kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của Thủ đô.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Thanh Hải

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1037089/phat-trien-kinh-te-ben-vung-tu-san-xuat-cong-nghiep