Phát triển kinh tế biển, thúc đẩy liên kết vùng

Mô hình tương lai của TP HCM cần đặt kết nối vùng quyết liệt hơn để tận dụng và phát triển kinh tế biển, cảng biển gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm quốc tế

Nhiều năm qua, tiềm năng và lợi thế của kinh tế biển chưa được khơi dậy trong chiến lược phát triển toàn diện của TP HCM.

Hệ thống giao thông thủy và kinh tế cảng gắn với dịch vụ hệ sinh thái sau cảng hàng trăm năm nay tuy luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng, chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GDP của thành phố nhưng chỉ dựa vào hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai và sông Soài Rạp để ra biển. Trong khi đó, biển Cần Giờ lại đang bị lãng quên, giá trị các dịch vụ hệ sinh thái độc đáo của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ chưa được phát lộ để khai thác, sử dụng hiệu quả.

Chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh

Vùng ven biển là vùng có cơ hội phát triển kinh tế rất cao do không gian biển rộng lớn và giàu tài nguyên. Nhiều ngành kinh tế biển như hàng hải, du lịch, giao thương quốc tế, ngư nghiệp, khai thác tài nguyên, sản xuất năng lượng tái tạo từ biển... mang lại thu nhập cao cho kinh tế quốc dân và địa phương.

TP HCM hoàn toàn có thể trở thành một cực kinh tế biển lớn của Việt Nam - điểm đến quan trọng mang tầm vóc quốc tế trong mạng lưới chuỗi đô thị biển khu vực Đông Nam Á thông qua phát triển chuỗi đô thị - kinh tế biển xanh gắn với vịnh Cần Giờ.

Mở rộng tiếp cận biển ở toàn bộ mặt tiền vịnh Cần Giờ và vịnh Gành Rái, thay vì phải thông qua cửa Soài Rạp như truyền thống. Vượt ra khỏi ranh giới hành chính trong công tác quy hoạch và xây dựng chiến lược phát triển cho vùng TP HCM để thoát ra khỏi tấm áo chật chội của ranh giới hành chính, tạo cơ chế cho sự tham gia của các bên liên quan trong liên kết vùng và chuyển sang liên kết bằng lợi ích vùng.

Thay đổi bộ mặt xã hội theo hướng hội nhập quốc tế và văn minh sinh thái biển; phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị biển quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội cộng sinh trong phát triển; từ đó dẫn đến những thay đổi về chất lượng nguồn lao động, tạo nền tảng thu hút lực lượng lao động chất lượng cao và phát triển các dịch vụ chất lượng. Đó chính là sự thay đổi căn bản để tạo bộ mặt xã hội mới, văn minh, hiện đại cho TP HCM.

Chuỗi đô thị biển Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công tại vịnh Cần Giờ sẽ tạo "mặt tiền" biển để chủ động đón nhận các cơ hội phát triển kinh tế biển giá trị gia tăng cao và giao dịch hàng hải quốc tế, làm bàn đạp cho TP HCM trở thành một thành phố cửa ngõ kết nối mạnh hơn nữa với khu vực và quốc tế.

Thành phố khi đó không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển của vùng kinh tế phía Nam, mà còn là mấu chốt trong các chiến lược quốc tế, như hành lang kinh tế Ấn Độ - Mekong, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hay sáng kiến Vành đai và Con đường.

Cần Giờ có nhiều lợi thế để phát triển cảng biểnẢnh: Hoàng Triều

Cần Giờ có nhiều lợi thế để phát triển cảng biểnẢnh: Hoàng Triều

Tạo bộ mặt xã hội mới mang vị thế quốc tế

Mô hình phát triển trong tương lai gần của TP HCM cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ, tích tụ dân cư biển, đón nhận cơ hội, tạo bước ngoặt thay đổi phương thức phát triển của thành phố; chuyển từ phát triển dựa vào đất đai sang phát triển dựa vào biển.

Bên cạnh đó, liên kết vùng sẽ giúp TP HCM tập trung vào phát triển các ngành kinh tế chất lượng; đẩy mạnh khai thác thương hiệu thế giới của Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, đặc trưng của khu vực Đông Nam Á và phát triển chuỗi đô thị biển quốc tế. Xây dựng chuỗi đô thị biển để hình thành mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế sinh thái và kinh tế biển xanh nhằm tạo bộ mặt xã hội mới mang vị thế quốc tế của TP HCM. Phân công chức năng kinh tế cho chuỗi đô thị biển vịnh Cần Giờ: Vũng Tàu - Cần Giờ - Gò Công với hai hướng Đông và Tây nối dài ra biển. Trong đó, phía Đông được hình thành với chức năng kinh tế công nghiệp - dịch vụ - cảng biển (sân bay Long Thành và Tân cảng Cái Mép - Thị Vải đóng vai trò hạt nhân); phía Tây được xác định chức năng kinh tế nông nghiệp sinh thái/nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái (kết nối với Gò Công và ĐBSCL).

TP HCM cần giữ vững vai trò nhạc trưởng trong liên kết vùng với 8 tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của ĐBSCL, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ trong bối cảnh không gian vùng đang phát triển thành đa cực, đa trung tâm với sự xuất hiện các cửa ngõ hàng không và cảng biển quốc tế mới.

Xu hướng sắp tới là tạo kết nối không chỉ giữa đất liền và biển, mà còn đặt TP HCM vào bối cảnh của quốc gia là sớm hoàn thiện một hệ thống đô thị biển.

Giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế hướng biển trên 3 phương diện: Cảng biển - Đô thị cảng biển; khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn - Du lịch sinh thái rừng và phát triển đô thị du lịch sinh thái biển hiện đại sẽ tạo nên thế mạnh to lớn cho TP HCM.

Nguyễn Ngọc Diễm

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/phat-trien-kinh-te-bien-thuc-day-lien-ket-vung-20230626211205608.htm