Phát triển kinh tế đêm tại huyện Phú Lộc: Nhìn từ phố đi bộ
Phú Lộc là một trong những địa phương thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Nhiều tiềm năng, thế mạnh về du lịch nhưng việc giữ chân khách ở lại lưu trú vẫn là bài toán gây nhiều trăn trở. Sự ra đời của tuyến phố đi bộ ở Lăng Cô sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, song, phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ đã có từ trước.
Phố đi bộ là lựa chọn thu hút khách về đêm
Có mặt trong tối khai trương tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn, thị trấn Lăng Cô, mới thấy rõ “sức hút” từ tuyến phố đi bộ này. Hàng ngàn người đến phố đi bộ để đi dạo, vui chơi, trải nghiệm tuyến phố mới. Có người còn so sánh: “Phố đi bộ này còn đông hơn một số phố đi bộ tại TP. Huế”.
So sánh đó có phần khập khiễng, bởi thông thường giai đoạn khai trương tuyến phố nào cũng rất đông. Nhưng xét về khía cạnh tích cực, đó là điều đáng mừng cho du lịch Phú Lộc nói riêng, Thừa Thiên Huế nói chung khi lâu nay địa phương này đang thiếu dịch vụ về đêm để giữ chân khách ở lại lưu trú. Năm 2023, lượng khách đến Phú Lộc du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng đạt hơn 1,8 triệu lượt khách. Lượng khách tăng so với các năm, nhưng doanh thu chưa tăng mạnh, một trong những nguyên nhân là thiếu các điểm vui chơi, nhất là về đêm nên việc giữ chân khách ở lại lâu chưa được như mong đợi.
Để khách “tiêu tiền” khi đi du lịch phải có giải pháp tăng thời gian lưu trú của khách, giữ chân họ ở lại. “Phú Lộc rất gần Đà Nẵng. Nhiều khách du lịch đến các điểm du lịch ở Phú Lộc, hoặc đến Lăng Cô tắm biển, thưởng thức hải sản rồi đêm lại quay vào Đà Nẵng là điều rất đáng tiếc cho du lịch Phú Lộc và cả du lịch Huế, cũng là điều mà chính quyền địa phương, ngành du lịch hết sức trăn trở”, ông Phạm Hữu Chung, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc chia sẻ.
Trăn trở của chính quyền địa phương được giải quyết bằng sự ra đời của tuyến phố đi bộ đường Nguyễn Văn ở thị trấn Lăng Cô, với rất nhiều kỳ vọng. Ông Nguyễn Hải Đăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, việc xây dựng phố đi bộ đường Nguyễn Văn nhằm mục đích tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo của thị trấn Lăng Cô, kỳ vọng tạo nên không gian giao lưu sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khai thác một cách hiệu quả tiềm năng, thế mạnh giá trị văn hóa, ẩm thực Huế vào việc thu hút khách du lịch; góp phần thúc đẩy hoạt động dịch vụ, thương mại, đặc biệt là bổ sung sản phẩm du lịch hoạt động về đêm hấp dẫn trên địa bàn.
Nhìn sang các nước du lịch phát triển, gần nhất là Thái Lan, Malaysia, Indonesia… các tuyến phố đêm đều là những điểm đến hút khách và “nơi tiêu tiền” của khách. Điển hình như Bangkok (Thái Lan), phố Khao San Road, Cowboy Soi tập trung vào ăn uống và giải trí với các quán bar, nhà hàng, ẩm thực được tổ chức tới sáng. Tạo được điểm nhấn khác biệt gắn với các hoạt động trải nghiệm, các khu phố đi bộ đã thực sự lôi cuốn khách để phát triển. Ngành du lịch từ đó dễ dàng “hốt bạc” từ du khách nhưng tạo được sự hài lòng từ họ.
Để phố đi bộ hoạt động hiệu quả
Khi nhắc đến các mô hình phát triển kinh tế đêm, sự ra đời của các tuyến phố đi bộ, hay phố đêm là lựa chọn được nhắc đến. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải phố đi bộ, phố đêm nào cũng hoạt động hiệu quả.
Nhìn từ thực tiễn ở Huế, phố đêm Hoàng Thành Huế ra đời ban đầu thu hút rất đông du khách, nhưng sau đó lại khá vắng vẻ hay gần đây, nhiều người bắt đầu lo ngại khi tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng không còn đông đúc mỗi dịp cuối tuần. Làm sao để hiệu quả hút khách xứng đáng với kỳ vọng và sự đầu tư cũng là câu hỏi lớn. Ở trong nước, một thực trạng chung ở nhiều phố đi bộ là khác xa với không khí tưng bừng, hoành tráng của lễ khai trương, sau thời gian hoạt động đã không thu hút được người dân, du khách. Đây là nỗi lo xa mà gần cho phố đi bộ đường Nguyễn Văn và cần phải nhìn thẳng vào vấn đề để có chiến lược lâu dài.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nhiều chợ đêm, phố đi bộ ban đêm ế khách, đó là mô hình tổ chức na ná nhau giữa các địa phương và mặc dù có điểm nhấn, đặc trưng riêng nhưng vẫn chưa rõ nét, chưa thực sự thu hút người dân và du khách. Dịch vụ nhìn chung nghèo nàn, công tác quy hoạch, sắp xếp, trung bày chưa chuyên nghiệp, bắt mắt. Các dịch vụ mua sắm, hàng lưu niệm giống nhau, nhàm chán; ẩm thực, giải trí đơn điệu, giá rẻ, chất lượng hàng hóa chưa thực sự đảm bảo… Bên cạnh đó, một số chợ đêm sau một thời gian hoạt động lại biến tướng, nhếch nhác không như mục đích ban đầu đề ra. Một nguyên nhân khác, là do thời tiết miền Trung không thuận lợi, những tháng mùa đông mưa rét cũng đã ảnh hưởng phần nào hoạt động tại các chợ đêm, phố đêm.
Để các phố đi bộ, phố đêm, trong đó có phố đi bộ đường Nguyễn Văn ở Lăng Cô thực sự mang lại hiệu quả “kinh tế ban đêm”, rất cần sự hợp lực nghiên cứu tìm giải pháp từ các cấp chính quyền, sở ngành liên quan, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch dịch vụ. Đặc biệt, sự ra đời của phố đi bộ mới như đường Nguyễn Văn phải rút kinh nghiệm từ những phố đi bộ trước đây, nhận diện đâu là điểm mạnh, điểm yếu, những vướng mắc thực tại, lâu dài tại chợ đêm, phố đêm. Từ đó, tìm giải pháp khắc phục.
Về lâu dài, căn cơ cần đào tạo đội ngũ nhân lực trong kinh doanh, buôn bán ở chợ đêm, phố đêm; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm; liên kết giữa các địa phương và các đơn vị lữ hành du lịch để đưa vào chương trình phục vụ du khách.