Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống

Phú Riềng hiện có 20 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 12,6% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần lao động sáng tạo, các cấp, ngành và nhân dân trong huyện luôn gắn bó, đoàn kết chung tay xây dựng Phú Riềng ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đặc biệt, thông qua Đề án 'Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020', đời sống tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm, góp phần làm phong phú nét văn hóa truyền thống dân tộc giàu bản sắc.

Phú Riềng hiện có 20 thành phần dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó 12,6% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ phát huy truyền thống yêu nước và tinh thần lao động sáng tạo, các cấp, ngành và nhân dân trong huyện luôn gắn bó, đoàn kết chung tay xây dựng Phú Riềng ngày càng phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đặc biệt, thông qua Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, đời sống tinh thần của đồng bào DTTS ngày càng được quan tâm, góp phần làm phong phú nét văn hóa truyền thống dân tộc giàu bản sắc.

Phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Hiện ngoài các dân tộc bản địa như S’tiêng, Khơme, trên địa bàn huyện Phú Riềng còn có rất nhiều dân tộc nhập cư đến từ các tỉnh, thành trong cả nước như: Tày, Thái, Hoa, Chơro, Chăm, Mạ, Vân Kiều, Sán Dìu… Người S’tiêng gắn liền với nghề dệt thổ cẩm, điệu múa dân vũ kết hợp với đánh cồng chiêng; người Khơme có múa lâm thôn, món bún nước lèo; đồng bào Tày duy trì đàn tính, hát then; người Chăm có lễ hiến sinh, lễ cưới hỏi, tháng lễ ăn chay Ramadan…

Phụ nữ S’tiêng ở thôn Phu Mang 2, xã Long Hà, huyện Phú Riềng dệt thổ cẩm trong lúc rảnh rỗi

Vào Bình Phước lập nghiệp từ năm 1987, bà Vy Thị Nông (70 tuổi), dân tộc Tày, hiện là Chủ nhiệm và là thành viên lớn tuổi nhất Câu lạc bộ đàn tính, hát then xã Long Bình. Bà Nông cho biết, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, đàn tính - hát then chính là linh hồn, là văn hóa đặc trưng của người Tày. So với các dân tộc khác, cộng đồng người Tày ở Phú Riềng chỉ có một bộ phận nhỏ (571 người), chiếm 0,32% tổng dân số toàn huyện. Tuy nhiên, bằng tất cả niềm đam mê và lòng tự hào dân tộc, năm 2002, từ 4 thành viên ban đầu, đến nay số thành viên câu lạc bộ tăng lên đáng kể, chất lượng các tiết mục cũng không ngừng tăng và đạt nhiều giải cao tại các hội thi văn nghệ, liên hoan văn hóa thể thao các DTTS do huyện, tỉnh tổ chức.

Cũng là dân tộc nhập cư, từ năm 1980, 69 hộ đồng bào Chăm sinh sống ở thôn Phú Vinh, xã Phú Riềng hiện vẫn bảo tồn và lưu giữ gần như toàn bộ nghi lễ và tập tục truyền thống. Tại thánh đường Hồi giáo Phú Riềng, giáo cả Châu Mách Ly cho biết: Những năm trước, đồng bào Chăm sống khá khép kín, một phần còn xa lạ, phần vì điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Những năm trở lại đây, được cấp ủy, chính quyền quan tâm thông qua các chương trình 134, 135 và chính sách an sinh xã hội, cuộc sống người Chăm giờ đây đã phát triển khá bền vững. Số hộ khá không ngừng tăng, hiện chỉ còn 1 hộ nghèo và 2 hộ cận nghèo. Diện mạo thôn, ấp ngày khang trang, sạch đẹp, từ đó người Chăm càng quan tâm, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

So với các dân tộc ít người khác, người S’tiêng có số dân đông nhất với 8.456 người (trên 8% số dân toàn huyện). Người S’tiêng ở đây thuộc nhóm S’tiêng Bù Lơ, cư trú chủ yếu ở 12 thôn thuộc 6 xã: Long Hà, Long Bình, Long Tân, Phú Riềng, Phước Tân và Bình Sơn. Bà Lê Thị Như Thùy, công chức văn hóa xã Long Hà cho biết: Toàn xã có 502 hộ DTTS, chủ yếu là người S’tiêng (411 hộ). Khoảng 50% phụ nữ trong các thôn biết dệt thổ cẩm, riêng ở thôn Phu Mang 2, số người biết dệt thổ cẩm trên 70%. Đặc biệt, không ít người vẫn lưu giữ nghề đan lát và hướng dẫn con cháu cách làm gùi rất bền và đẹp.

Bà Thị Nhung (61 tuổi) biết dệt thổ cẩm khi mới 15 tuổi. Theo bà, nghề dệt thổ cẩm được duy trì đến ngày nay một phần vì tâm nguyện của ông bà, cha mẹ. Bản thân bà cũng nhận thấy vẻ đẹp độc đáo của thổ cẩm mang hơi thở và đặc trưng riêng của người S’tiêng. Sự khéo léo, tỉ mỉ cùng kinh nghiệm hàng chục năm trong nghề giúp bà Nhung tạo ra những sản phẩm thổ cẩm rất đẹp, tinh xảo với hoa văn độc đáo, tính thẩm mỹ cao, phù hợp để mặc trong dịp lễ, tết.

Ngoài dệt thổ cẩm, đan lát, phần lớn người dân ở thôn Phu Mang 2 còn biết đánh cồng chiêng. Ông Điểu Lâm (83 tuổi), nghệ nhân đánh cồng chiêng giỏi và lâu năm nhất ở Phú Riềng cho biết, năm 16 tuổi, ông đã biết đến cồng chiêng. Đối với ông, cồng chiêng là báu vật linh thiêng, là linh hồn của người S’tiêng. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn coi cồng chiêng là niềm vui của tuổi già và dành trọn tình yêu với bộ cồng chiêng mình đang lưu giữ. Để lưu truyền cho đời sau, từ năm 1991, ông tổ chức truyền dạy cho con cháu trong thôn. Nhờ đó, mọi người dân lớn nhỏ trong thôn đều biết đánh cồng, chiêng và tình yêu dành cho cồng, chiêng ngày càng lớn dù điều kiện kinh tế còn không ít khó khăn.

Đẩy mạnh hoạt động bảo tồn

Cùng với Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”, ngay từ ngày mới thành lập, công tác bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các DTTS đã được cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể huyện Phú Riềng quan tâm thực hiện. Từ đó, chất lượng hoạt động văn hóa của đồng bào các DTTS ngày càng được nâng cao; hoạt động văn nghệ - thể thao diễn ra sôi nổi, thu hút nhân dân tích cực tham gia.

Ông Nghiêm Văn Nam, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Riềng cho biết: Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp chính là góp phần hạn chế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào. 5 năm qua, huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa các DTTS trên địa bàn, nhất là duy trì và phát huy giá trị nét văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng và Chăm, giai đoạn 2016-2019. Đến nay, toàn huyện có 8 bộ cồng chiêng còn lưu giữ ở các thôn, 1 bộ lưu giữ tại Phòng Văn hóa - Thông tin; tạo điều kiện cho hàng trăm người biết dệt thổ cẩm và sử dụng thành thạo cồng chiêng, trong đó có hàng chục nghệ nhân. Huyện còn tổ chức 6 lớp dạy cồng chiêng, 3 lớp dạy múa dân gian, 1 lớp dạy đàn đá, thu hút hàng trăm lượt người tham gia; đồng thời triển lãm trưng bày tranh ảnh, hiện vật, công cụ, nhạc cụ, trang phục… của đồng bào các DTTS.

Để duy trì và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS, những năm tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác dân tộc; tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu cao ý thức tự lực, tự cường và tham gia củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã và đang gắn việc duy trì, bảo tồn, phát huy một số nét văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện với các chương trình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào.

Ông Nghiêm Văn Nam, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Riềng

Điểu Vĩnh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ton-van-hoa-truyen-thong-2549