Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ rừng
Rừng tự nhiên rất quan trọng, đặc biệt là đối với vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng tự nhiên là trách nhiệm của mọi người; cũng như việc phát triển kinh tế tại khu vực này phải gắn với bảo vệ rừng.
1. Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, cả nước có khoảng 10,2 triệu hec-ta rừng tự nhiên, trong đó có 2 triệu hec-ta diện tích rừng đặc dụng, 3,9 triệu hec-ta rừng phòng hộ, 3,9 triệu hec-ta rừng sản xuất... Rừng tự nhiên ở nước ta đã và đang mang lại nguồn thu đáng kể bởi những chính sách đúng đắn, hiệu quả, trong đó có chính sách Dịch vụ môi trường rừng. Vào thời điểm năm 2017, cả nước có khoảng 6 triệu hec-ta rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Nhờ có tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mà hàng chục ngàn hộ dân ở vùng rừng được hưởng lợi từ việc bảo vệ rừng. Qua đó, ý thức của người dân được nâng lên, bảo vệ rừng tốt hơn, số vụ phá rừng ngày một ít hơn. Tại các địa phương, trước khi có tiền dịch vụ môi trường rừng, các thôn bản vẫn thành lập các tổ bảo vệ rừng nhưng rất ít người tham gia, vì thế hiệu quả đạt được thấp. Nhưng kể từ khi có tiền chi trả từ dịch vụ này, số người tham gia đông hơn hẳn, từ đó kết quả thu được cũng rất cao. Đáng chú ý, từ dịch vụ môi trường rừng, thu nhập của bà con cũng cao lên, trung bình khoảng 11 triệu đồng/1 hộ/năm, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, giúp người dân gắn bó với rừng.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, không chỉ có nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, từ đó rừng tốt lên nên những năm gần đây du lịch sinh thái gắn với rừng cũng thu hút ngày một nhiều hơn khách du lịch. Cả nước có khoảng 65/176 khu rừng đặc dụng có tổ chức du lịch sinh thái. Riêng trong năm 2017 có 1,6 triệu lượt khách, thu khoảng 136 tỷ đồng. Ngoài ra còn nguồn thu lớn từ khai thác lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên với tổng giá trị ước đạt 1 tỷ USD năm 2017, trong đó khoảng 330 triệu USD từ xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ.
Thực tế cho thấy, nếu rừng được chính người dân địa phương bảo vệ thì sẽ đem lại hiệu quả cao: rừng được bảo quản tốt, đồng thời người dân có thêm thu nhập. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cũng cho rằng, để việc bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế rừng thì rất cần hạn chế chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Nước ta có nhiều khu rừng được đồng bào dân tộc thiểu số bảo vệ một cách nghiêm ngặt, cấm mọi hình thức xâm hại. Đó là những khu rừng thiêng, rừng quản lý và bảo vệ theo hương ước, lệ làng, luật tục… gắn với thúc đẩy thiết chế cộng đồng. Việc khoán bảo vệ rừng tự nhiên cho đồng bào nhiều hơn thì rừng sẽ càng được bảo vệ tốt hơn.
2. Tới nay, việc bảo vệ, phát triển kinh tế rừng tại nhiều địa phương trong cả nước đã làm khá tốt.
Những năm gần đây, tỉnh Yên Bái đã chủ động định hướng cho người dân phát triển kinh tế từ rừng với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể. Từ đó trồng rừng đã mang lại nguồn thu nhập cao, giúp nhiều hộ thoát nghèo, gia tăng diện tích rừng che phủ, gắn phát triển kinh tế rừng với bảo vệ rừng. Yên Bái có diện tích đất lâm nghiệp là 522.983 hec-ta. Trong đó, diện tích rừng là 433.641 hec-ta, độ che phủ đạt 63%. Trong 3 năm (2016-2018) toàn tỉnh trồng mới 45.740 hec-ta rừng các loại, bình quân mỗi năm trồng mới 15.246 hec-ta công tác trồng rừng đều hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong năm 2019, diện tích trồng rừng kế hoạch là 16.000 hec-ta, trong 6 tháng trồng đạt 13.100ha, đạt 81,9% kế hoạch. Trung bình mỗi năm, tỉnh Yên Bái trồng mới trên 15.000 hec-ta rừng, độ che phủ rừng đạt 63%
Cùng với đó, toàn bộ diện tích rừng trong độ tuổi chăm sóc được các chủ rừng quan tâm chăm sóc và bảo vệ tốt, bình quân mỗi năm diện tích rừng được chăm sóc khoảng trên 30.000ha. Yên Bình là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Yên Bái với 44.343 hec-ta, giá trị sản xuất lâm nghiệp trong năm 2018 đạt 265.825 triệu đồng. Trong đó, sản phẩm rừng trồng và chăm sóc rừng đạt 21.097 triệu đồng, bảo vệ rừng 719 triệu đồng. Tỷ lệ che phủ rừng từ 51,21 % năm 2016 lên 54,7 % năm 2018. Nhờ thu nhập từ rừng mà người dân trong thôn,xã ngày càng đổi thay, cuộc sống của người dân khấm khá lên nhiều.
Còn tại tỉnh Kon Tum, việc phát triển kinh tế rừng đi liền với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tỉnh Kon Tum đã và đang triển khai 3 nhóm giải pháp chính: Phát triển rừng; giao khoán quản lý, bảo vệ rừng và quản lý bảo vệ rừng kết hợp phát triển sinh kế của người dân. Năm 2018-2019, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án hỗ trợ trồng rừng sản xuất với tổng diện tích gần 700 hec-ta chủ yếu tại huyện Sa Thầy và thành phố Kon Tum. Các đơn vị chủ rừng rà soát quỹ đất quy hoạch lâm nghiệp trong lâm phần được giao quản lý, trên cơ sở đó có phương án trích một phần tiền dịch vụ môi trường rừng là nguồn thu của đơn vị để trồng rừng hoặc hỗ trợ người dân có nhu cầu trồng rừng sản xuất.
Đối với việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng là các Ban quản lý, các Công ty lâm nghiệp thực hiện khoán bảo vệ rừng trung bình đạt 201.211 hec-ta/năm cho 13 tổ chức, 335 cộng đồng, 234 nhóm hộ và 2.589 hộ gia đình; hỗ trợ bảo vệ rừng đối với diện tích đã giao rừng nhưng chưa được hưởng lợi cho 11 cộng đồng với 7.935,4 hec-ta. Theo đó, đã có 29 cộng đồng và 159 hộ gia đình tham gia các hoạt động bảo vệ 7.048 hec-ta rừng; hỗ trợ trồng 125 ha rừng; quỹ phát triển sinh kế cộng đồng hỗ trợ 29 cộng đồng 10 tỷ đồng phát triển rừng… góp phần đạt được mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh Kon Tum đã cho 5 doanh nghiệp thuê gần 7.400 hec-ta rừng để trồng Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác dưới tán rừng tại huyện Tu Mơ Rông và Kon Plông.
Được biết, hiện tỉnh Kon Tum có gần 609.000 hec-ta rừng, độ che phủ đạt 62,95%, dự kiến đến năm 2020 đạt chỉ tiêu đề ra là 63,7%. Tỉnh hiện đã quy hoạch gần 177.000 hec-ta đất lâm nghiệp để trồng rừng và tạo sinh kế cho người dân trong thời gian tới.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ve-rung-tintuc451557