Phát triển kinh tế nhanh và bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 13ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long và Nghị quyết số 78 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13, tỉnh Đồng Tháp cụ thể hóa Nghị quyết số 13 bằng các chương trình, kế hoạch sát với điều kiện thực tế, mang lại nhiều kết quả quan trọng.
Tỉnh khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các dự án liên kết vùng như: dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, nâng cấp tuyến Cao Lãnh - Lộ Tẻ, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu... tạo kết nối giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời triển khai các nội dung Bản thỏa thuận hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025; chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Đồng Tháp với tỉnh An Giang giai đoạn 2022 - 2025; liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười giữa 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Năm 2023, cơ cấu kinh tế tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng đóng góp của khu vực phi nông nghiệp. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện với năng suất lao động năm 2022 đạt 115 triệu đồng/lao động (tăng gấp 1,2 lần so với năm 2020). Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2020 đóng góp khoảng 47,2% (cả nước 44,4%), giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt khoảng 54,6%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; doanh nghiệp đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản chất lượng cao, cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, hình thành chuỗi giá trị cao hơn.
Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững phát huy hiệu quả. Theo đó, sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2023 tiếp tục phát triển, nông sản được tiêu thụ thuận lợi, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến được nhân rộng. Nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp của tỉnh đã được hình thành và đưa vào sử dụng thử nghiệm, cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý của tỉnh. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2023 ước đạt 49.478 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,56% so với năm 2022 (tương ứng tăng 2.178 tỷ đồng). Các ngành hàng chủ lực tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao giá trị.
Cụ thể, đối với ngành hàng gạo, diện tích sản xuất tăng, cơ cấu giống dịch chuyển sang nhóm lúa chất lượng cao và nếp, cùng với thị trường tiêu thụ ổn định, giá bán khá cao nên ngành hàng lúa gạo tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước, giá trị sản xuất ước đạt hơn 16.130 tỷ đồng. Ngành hàng hoa, kiểng với giá trị sản xuất ước đạt hơn 6.100 tỷ đồng (tăng 2,8% - tương ứng tăng 169 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, năm 2023, tỉnh tổ chức Festival Hoa - Kiểng Sa Đéc lần thứ I, đánh dấu bước tiến lớn trong giới thiệu quảng bá, kết hợp du lịch gắn với hoa, kiểng.
Năm 2023, tỉnh có thêm 2 mô hình mới triển khai đi vào hoạt động có hiệu quả là Chợ quê Tân Thuận Đông và Chợ quê Gò Tháp. Mô hình có kết hợp du lịch đường thủy như: đưa đón khách tại Di tích Quốc gia Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 (Phường 6, TP Cao Lãnh) đi Chợ quê Tân Thuận Đông khai thác du lịch trên sông Sa Đéc, nhận được sự tham gia đông đảo của du khách trong mỗi phiên chợ. Đồng thời phát triển 2 điểm du lịch cấp tỉnh, 4 điểm du lịch cộng đồng, có 2 điểm du lịch được Hiệp hội du lịch đồng bằng sông Cửu Long quyết định công nhận là Điểm du lịch tiêu biểu của khu vực. Qua đó, tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh cùng phát triển du lịch. Ước cả năm 2023, tỉnh thu hút khoảng 4 triệu lượt khách (tăng 13,6%) với tổng thu du lịch ước đạt 1.900 tỷ đồng (tăng 14,2%) so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-nhanh-va-ben-vung-119552.aspx