Phát triển kinh tế số: Cần quan tâm đầu tư bao bì đóng gói sản phẩmTin khácMời bạn đọc, cộng tác viên gửi bài, ảnh cho Báo Lạng Sơn số Tết Dương lịch và Xuân Nhâm Dần 2022Doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng vượt qua đại dịch

Nhân viên VNpost hướng dẫn nông dân thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng đóng gói sản phẩm

– Hiện tại, các cấp, ngành trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với hàng chục nghìn hộ dân tham gia gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Có thêm kênh bán hàng giúp người dân thuận lợi hơn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khâu đóng gói hàng hóa, nông sản trước khi vận chuyển, giao đến tay người tiêu dùng còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Hàng hóa trước khi vận chuyển được đóng gói giúp bảo vệ giá trị của sản phẩm về chất lượng, mẫu mã, tạo điều kiện thuận lợi trong khâu phân lô, xếp dỡ và tiêu thụ. Bao bì để đóng gói sản phẩm phải đảm bảo những yêu cầu cơ bản như: không làm sản phẩm bị hư hỏng, ẩm mốc, biến mùi; có sự dẻo dai để chịu đựng những va chạm, kéo đẩy trong quá trình lưu trữ, vận chuyển, bốc xếp; có kích thước phù hợp để dễ dàng trong việc lưu kho bãi, lưu trong thùng xe, phương tiện vận chuyển; phù hợp với loại hình vận chuyển, phù hợp với việc thay đổi khí hậu, thời tiết ở các vùng miền, khu vực khác nhau; thể hiện rõ những điều cần lưu ý khi bốc xếp, vận chuyển, bảo quản…

Từ thực tế việc đóng gói sản phẩm bán trực tuyến thời gian qua cho thấy công tác này còn bộc lộ một số hạn chế. Đơn cử như trong vụ na năm 2021, sản phẩm quả na tươi của huyện Chi Lăng được UBND huyện đầu tư, hỗ trợ người dân thùng đựng riêng bằng bìa cát tông, có thiết kế đẹp mắt, dễ nhận diện với 2 loại thùng: 5 kg và 10 kg. Khi các đơn vị sử dụng thùng này để đóng gói na giao cho người tiêu dùng đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử voso.vn, postmart.vn thì bộc lộ một số bất cập.

Ông Hoàng Văn Dương, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Chi Lăng, thành viên Ban Chỉ đạo Phát triển kinh tế số huyện cho biết: Thùng đựng na vụ 2021 tuy có hình thức đẹp nhưng được thiết kế để vận chuyển quãng đường ngắn và không xếp nhiều lớp nên vỏ hộp mỏng, độ bền không cao, độ cứng thấp. Đặc biệt, hộp chỉ đảm bảo khối lượng quả đựng bên trong là 5 hoặc 10 kg khi không được bao bọc và có trọng lượng quả vừa phải (5 hoặc 6 quả/kg). Trong khi đó, để vận chuyển đi các tỉnh thì quả na cần phải được bọc giấy, ni lông, màng chống sốc… thì kích thước sẽ tăng lên, cộng thêm nếu khách đặt quả cỡ to (3 quả/kg) thì những hộp này không đảm bảo yêu cầu. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị liên quan như Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp vận chuyển để nghiên cứu các bao bì vừa đảm bảo yêu cầu bảo quản sản phẩm, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ.

Ông Hoàng Mạnh Tuân, Phó Giám đốc Viễn thông và Thương mại điện tử, Chi nhánh bưu chính Viettel Lạng Sơn cho biết: Khi phát hiện những vấn đề kể trên đối với việc đóng gói na, Viettelpost đã nghiên cứu và thiết kế các vách ngăn cài với nhau như: răng lược để tạo các những ô riêng biệt cho từng quả na cũng như cung cấp thùng đựng phù hợp cho người dân. Nhưng những thùng này lại không có nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc, lo go thương hiệu của từng loại đặc sản, điều này phần nào làm giảm hiệu quả quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Người tiêu dùng cũng ưa chuộng hộp đựng gắn với từng loại nông sản, đặc sản hơn.

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 4.300 sản phẩm hàng hóa của người dân, tổ chức bán trên các sàn thương mại điện tử, trong đó, nhiều loại nông sản đặc sản, sản phẩm chủ lực của địa phương như: na, quýt, hồng, khoai lang, rau bò khai, măng ớt, vịt quay, lợn quay, khau nhục, thạch ăn liền…; mỗi loại lại có những đặc tính riêng biệt, do đó, yêu cầu khâu đóng gói, vận chuyển cũng khác nhau. Ví như quả quýt, nếu để cuống dài thì dễ chọc thủng vỏ của quả xung quanh gây thối, hỏng nhanh chóng; hay mật ong, chanh rừng ngâm mật ong dễ có khí ga khi bị rung lắc, nếu hộp đựng là thủy tinh thì dễ vỡ. Đặc biệt, các loại thực phẩm như: lợn quay, vịt quay, khau nhục… thì khâu đóng gói, bảo quản càng phải được chú trọng hơn, không chỉ để bảo quản sản phẩm trong quá trình vận chuyển mà còn để người tiêu dùng nhớ thương hiệu.

Thời gian qua, để quảng bá, tạo dấu ấn riêng, nhiều sản phẩm được địa phương, tổ chức kinh tế thiết kế hộp đựng như: na Chi Lăng, quýt Bắc Sơn, hồng Bảo Lâm, hồng vành khuyên, khoai lang Lộc Bình… có hình thức đẹp, dễ nhận diện song nếu vận chuyển đi xa với số lượng lớn thì chưa đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Ông Triệu Văn Sỹ, Trưởng Phòng Tổ chức – hành chính, Bưu điện tỉnh Lạng Sơn cho biết: Qua theo dõi, đánh giá của đơn vị, các gian hàng trên sàn thương mại điện tử hầu hết là do cá nhân hoặc hộ dân đăng ký nên chưa quan tâm đầu tư thiết kế bao bì phù hợp đạt tiêu chuẩn để đóng gói, vận chuyển số lượng lớn đi xa, mà thường tận dụng lại các hộp các tông cũ, giấy báo… để đóng gói, do đó, chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt khi vận chuyển đi liên tỉnh.

Được biết, từ khi triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế số, bên cạnh mở rộng đối tượng tham gia bán hàng, mua hàng, các đơn vị liên quan như Viettelpost, Vnpost cũng đã hướng dẫn người dân một số kỹ thuật đóng gói nhằm bảo vệ hàng hóa trong quá trình vận chuyển như: sử dụng giấy bọt khí để bao bọc sản phẩm, đựng sản phẩm trong thùng xốp có lỗ thoáng khí, hộp các tông dày, đựng sản phẩm trong túi hút chân không, cấp đông… Tuy nhiên, việc đóng gói, bảo quản sản phẩm của người dân chưa được quan tâm đầu tư, còn tương đối sơ sài. Chính vì vậy, mong rằng các huyện, thành phố và ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, tổ chức kinh tế thực hiện đầu tư bao bì, kỹ thuật đóng gói sản phẩm một cách khoa học, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm từng bước hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế số tỉnh đã đề ra.

THỤC QUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/461912-phat-trien-kinh-te-so-can-quan-tam-dau-tu-bao-bi-dong-goi-san-pham.html