Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị sản phẩm tại Kế Sách
Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, với sự cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng toàn thể nhân dân trên địa bàn, công tác phát triển KTTT, HTX trên địa bàn huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã có bước phát triển và ngày càng đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.
Với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp nên KTTT của huyện Kế Sách được hình thành và phát triển chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Đồng chí Lê Vũ Đức - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Kế Sách cho biết, trước đây, trên địa bàn huyện chỉ có 10 HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, với quy mô nhỏ, chưa làm được dịch vụ đầu vào, đầu ra… Đến nay, toàn huyện có đã 32 HTX đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 trong nhiều lĩnh vực như: sản xuất lúa, cây ăn trái, nông nghiệp kết hợp du lịch, kinh doanh tổng hợp, dược liệu... với 2.909 thành viên, thu hút 2.202 lao động. Các HTX đang hoạt động ở mức trung bình đến khá, tốt, trong đó có 19 HTX ngành nghề chính là sản xuất và tiêu thụ trái cây. Đồng thời, trên địa bàn huyện có 43 tổ hợp tác (THT) đang hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ, thu hút 824 thành viên và 1.025 lao động tham gia.
Trong 20 năm qua, được sự hỗ trợ của các sở, ngành tỉnh, với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân nên KTTT của huyện đã có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Theo đó, HTX đã giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Đồng chí Lê Vũ Đức thông tin thêm: “Đối với cây ăn trái chủ lực, các HTX đã tổ chức sản xuất với sản lượng, chất lượng ổn định, sản phẩm đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang các thị trường có rào cản kỹ thuật rất cao, tiêu chuẩn rất khắt khe như Hoa Kỳ, châu Âu bằng cách ứng dụng đồng bộ các biện pháp khoa học kỹ thuật gồm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc... Hiện có 8 HTX cây ăn trái đã xây dựng mô hình sản xuất theo VietGAP với diện tích 209,37ha, gồm: HTX Trinh Phú, HTX Quyết Thắng, HTX Bưởi năm roi - da xanh Kế Thành, HTX Xuân Thịnh, HTX Thành Công, HTX An Thạnh, HTX Đại Đoàn Kết, HTX Thắng Lợi và có 9 HTX được cấp 31 mã số vùng (điều kiện để có thể xuất khẩu) với diện tích 278,4ha cho các loại trái cây chủ lực như: vú sữa, bưởi, xoài, nhãn”.
Nhờ vậy, các chuỗi liên kết đã hợp đồng tiêu thụ cho nông dân với giá cao. Đối với cây vú sữa, 3 niên vụ vừa qua đã xuất khẩu 260 tấn sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore - đây là những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật rất khắt khe. Ở thị trường trong nước phân khúc chất lượng cao (siêu thị, chợ đầu mối...) đã tiêu thụ được 103 tấn vú sữa. Đối với cây bưởi thì trong năm 2020 đã xuất khẩu 60 tấn sang thị trường châu Âu; 6 tháng đầu năm 2021 tiêu thụ nội địa 1.090 tấn. Đồng thời, hàng trăm tấn bưởi, cam, xoài, vú sữa, sầu riêng của các HTX, THT sản xuất theo chuỗi liên kết cũng được tiêu thụ ở phân khúc chất lượng cao. Trong các chuỗi sản xuất cây ăn trái trên địa bàn huyện đã có 4 sản phẩm OCOP được xếp hạng 4 sao gồm: bưởi năm roi Kế Thành; bưởi da xanh Kế Thành (HTX Bưởi Thành Công), vú sữa tím Trinh Phú (HTX Trinh Phú) và vú sữa tím Xuân Hòa (HTX Quyết Thắng).
Đối với sản xuất lúa, các HTX là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất trong cánh đồng lớn. Diện tích cánh đồng lớn tăng lên hàng năm, trung bình đạt 3.000ha/năm. Diện tích ứng dụng sản xuất lúa bền vững và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp tăng nhanh (trên 98%), giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất. Các HTX trồng lúa đã đạt những tiêu chí để được Dự án VnSAT đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và trang thiết bị máy móc, trong đó, HTX Tín Phát là mô hình tiêu biểu trong tổ chức sản xuất lúa theo chuỗi giá trị đem lại hiệu quả cao. HTX Tín Phát còn chủ động trong sản xuất lúa giống cung cấp cho thành viên HTX và khu vực lân cận.
Việc thực hiện sản xuất theo chuỗi liên kết giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nông dân, tuy nhiên, KTTT của huyện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, như: các chuỗi liên kết sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có diện tích và sản lượng chưa lớn; sản xuất còn phân tán, nhỏ lẻ; khâu sơ chế, chế biến chưa đáng kể. Năng lực quản lý, điều hành của HTX chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập hiện nay. Liên kết giữa doanh nghiệp và các tổ chức KTTT chưa thật sự bền chặt, khi thị trường có sự biến động thì mối liên kết dễ bị gián đoạn, thậm chí bị hủy hợp đồng…
Từ thực trạng nêu trên, đồng chí Lê Vũ Đức kiến nghị đến Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh chỉ đạo các đơn vị thành viên quan tâm triển khai nội dung đào tạo nhân lực, nâng chất HTX hoạt động hiệu quả, đáp ứng được tình hình cạnh tranh, hội nhập hiện nay; các đơn vị thành viên ban chỉ đạo liên kết với các đơn vị khoa học để hỗ trợ các HTX sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản; các tổ chức tín dụng, Quỹ phát triển HTX tài trợ vốn cho các HTX, THT với thủ tục thuận lợi, hồ sơ đơn giản đối với các HTX có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi.