Phát triển kinh tế tập thể ở Thiệu Hóa

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, huyện Thiệu Hóa luôn quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tập thể, trọng tâm là phát triển HTX. Các HTX phát triển, cung cấp có hiệu quả các dịch vụ phát triển nông nghiệp, thương mại – dịch vụ, vốn đầu tư phát triển sản xuất... tạo việc làm, thu nhập cho người lao động trực tiếp của các HTX.

Nông dân thị trấn Thiệu Hóa đầu tư nhà lưới sản xuất rau, quả đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo báo cáo của UBND huyện Thiệu Hóa, hiện trên địa bàn huyện có 48 HTX; trong đó có 39 HTX dịch vụ nông nghiệp, 1 HTX tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX thương mại dịch vụ, 3 quỹ tín dụng Nhân dân và 2 HTX khác. Tổng số thành viên của HTX khoảng 7.034 người, tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 418 người; doanh thu bình quân một HTX ước đạt 2,4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 219 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt bình quân 28 triệu đồng/năm.

Đối với các HTX dịch vụ nông nghiệp, bên cạnh việc phục vụ người dân về các dịch vụ thủy nông, vật tư nông nghiệp... còn liên kết với các doanh nghiệp để tổ chức thực hiện tiêu thụ các sản phẩm nông sản cho xã viên; tổ chức chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho Nhân dân trên địa bàn. Đối với các HTX lĩnh vực thương mại – dịch vụ hoạt động khá tốt và cơ sở vật chất, nguồn nhân lực bảo đảm; tuy nhiên, hiện nguồn vốn khó khăn nên bị ảnh hưởng đến khả năng kinh doanh. Đi đôi với đó, hiện nay trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 3 quỹ tín dụng Nhân dân đang hoạt động là Quỹ tín dụng Nhân dân Thiệu Viên, Quỹ tín dụng Nhân dân Thiệu Trung và Quỹ tín dụng Nhân dân Duy Thanh. Nhìn chung, hoạt động của các quỹ tín dụng Nhân dân trên địa bàn có sự tăng trưởng khá, bảo đảm an toàn, hiệu quả và phát triển. Qua quá trình hoạt động, các quỹ tín dụng Nhân dân không những thể hiện vai trò trong việc tương trợ cộng đồng mà còn góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo đánh giá của UBND huyện Thiệu Hóa, thời gian qua, các HTX đã có những đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nổi bật là việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Qua đó, tiếp tục khẳng định HTX là thành phần kinh tế quan trọng trong cung cấp dịch vụ và kết nối sản xuất cho các hộ nông dân. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học - công nghệ và máy móc vào sản xuất nông nghiệp, như dịch vụ mạ khay, máy cấy, mấy sấy,... góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí nhân công trong sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, góp phần vận động bà con nông dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp và tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng được những vùng trồng, nhãn hiệu riêng cho nông sản, đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện có một số HTX bước đầu đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, như HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Phúc, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hợp. Một số HTX tham gia chuỗi cung ứng trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất, mở các cửa hàng giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm như HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Vũ, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Thành... Đồng thời, cung cấp dịch vụ mạ khay, dịch vụ máy cấy cho Nhân dân với quy mô lớn; tham gia thực hiện mô hình trồng dưa trong nhà lưới với hệ thống tưới theo công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Công tác quản lý Nhà nước về kinh tế HTX trên địa bàn huyện đã được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. UBND huyện thường xuyên ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ để đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, như tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về kinh tế tập thể, Luật HTX năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho cán bộ, công chức, viên chức, thành viên, người lao động trong HTX. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ HTX bảo đảm hoạt động có hiệu quả... Đồng thời, trong những năm qua, huyện đã tổ chức các lớp đào tạo cho các giám đốc, cán bộ các HTX, cán bộ ban quản trị, cán bộ kế toán nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, tổ chức cho cán bộ, thành viên các HTX đi khảo sát thực tế tại một số mô hình phát triển HTX điển hình trong và ngoài tỉnh để áp dụng cho các đơn vị. Huyện cũng đã hỗ trợ các HTX dịch vụ nông nghiệp tham gia các hoạt động triển lãm, xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận. Tạo điều kiện cho các HTX tìm kiếm mở rộng thị trường, tiếp cận thông tin về thị trường giá cả. Huyện đã triển khai cho các HTX thực hiện chính sách liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm và chủ yếu là mô hình như ớt, khoai tây, đậu tương rau, ngô... Trong những năm gần đây, cùng với các chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh và các chính sách hỗ trợ do HĐND huyện ban hành, nhiều HTX đã mua máy cấy, máy sấy, máy làm đất, từng bước áp dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất lao động.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thành lập mới các tổ hợp tác, HTX hoạt động theo quy định của pháp luật; đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hợp tác, HTX hiện có. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các tổ hợp tác, HTX với nhau; HTX với các thành phần kinh tế để ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ, tiêu thụ nông sản và các sản phẩm khác. Định hướng và tuyên truyền cho các HTX hoạt động đa ngành, đa nghề. Thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ đào tạo nghề cho cán bộ quản lý và thành viên HTX. Cung cấp thông tin, hướng dẫn, tư vấn cho HTX tham gia các chương trình kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá thương hiệu, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Chủ động kêu gọi, lồng ghép các cơ chế, chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản. Hỗ trợ HTX vay vốn tín dụng và tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhất là tiếp cận quỹ phát triển HTX, các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất mô hình nông thôn mới... Thực hiện hỗ trợ các HTX chưa có đất và trụ sở hoạt động trong công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục về giao đất, cho thuê đất. Củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể theo hướng thống nhất đầu mối quản lý cấp huyện. Tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành có liên quan trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ HTX; đồng thời, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện cơ chế, chính sách... Đi đôi với đó, các HTX chủ động phát huy nội lực, huy động các nguồn lực để phát triển thêm ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn hoạt động. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hỗ trợ, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới phù hợp. Từng bước góp phần hoàn thiện thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khu vực nông thôn, bao gồm mạng lưới chợ nông thôn, hệ thống đại lý dịch vụ bán lẻ nguyên vật liệu cho sản xuất và hàng tiêu dùng. Đi đôi với đó, huyện thực hiện rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX, từ đó có kế hoạch giải quyết dứt điểm các HTX yếu kém. Phát triển các mô hình chuỗi liên kết gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế.

Bài và ảnh: Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-kinh-te-tap-the-o-thieu-hoa/159458.htm