Phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu - Bài cuối: Xu hướng xanh
Biến đổi khí hậu luôn là vấn đề nghiêm trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân, thúc đẩy di cư và cản trở phát triển đô thị… Do vậy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm tăng tính cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường cũng như việc tận dụng hết những lợi thế, tiềm năng năng lượng tái tạo… trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long vừa để đảm bảo sự phục hồi bền vững vừa phù hợp với xu thế toàn cầu.
Phát triển năng lượng tái tạo
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết mạnh mẽ Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Chuyển dịch năng lượng là yếu tố không thể thiếu để đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Vì vậy, cần tận dụng hết những lợi thế, tiềm năng năng lượng tái tạo để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với những sự thay đổi từng ngày, từng giờ của biến đổi khí hậu.
PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có lợi thế về năng lượng tái tạo nên đây chính là khu vực trọng điểm để Việt Nam có thể đạt được kết quả như Thủ tướng cam kết tại COP26.
Ông Nguyễn Đình Thọ kiến nghị Bộ Công Thương hoàn thành Quy hoạch điện VIII giúp khu vực có thể thực hiện các dự án năng lượng tái tạo bởi năm 2021 là năm bản lề để các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long phát triển quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thực tế, với lợi thế đường bờ biển dài, dư địa cho phát triển điện gió ngoài khơi ở Đồng bằng sông Cửu Long rất rộng mở, đặc biệt ở các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh… Tại Bạc Liêu, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, chọn năng lượng tái tạo (trong đó có điện gió, điện mặt trời, hydrogen…) là một trong những lĩnh vực ưu tiên phát triển hàng đầu nhằm trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, tỉnh có bờ biển dài hơn 56 km, hội tụ những điều kiện tốt lý tưởng và tiềm năng để trở thành nơi phát triển điện gió. Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tổng công suất tiềm năng về điện gió của Bạc Liêu lên đến 3.500MW. Hiện trên địa bàn có 8 dự án điện gió đã đi vào hoạt động chính thức. Các dự án này có tổng công suất 469MW (đứng thứ 3 trên cả nước) gồm 176 trụ turbine, với tổng mức đầu tư gần 23.900 tỷ đồng. 8 dự án điện gió đã đi vào hoạt động ổn định chính thức cũng giúp tăng nguồn thu cho ngân sách của Bạc Liêu 450 tỷ đồng/năm.
Ông Phạm Văn Thiều cũng cho biết, Bạc Liêu đã đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cho tỉnh sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của địa phương giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000 MW (gồm 500MW điện gió trên bờ và 1.500MW điện gió ngoài khơi) nhằm phát huy đúng mức tiềm năng gió của tỉnh theo quy hoạch của Bộ Công Thương. Cùng đó, Bạc Liêu cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu đi Thốt Nốt, Cần Thơ; đồng thời, chấp thuận đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục các dự án đầu tư được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII…
Trong những năm qua, tỉnh Trà Vinh thực hiện chính sách pháp luật về phát triển năng lượng, đặc biệt về chính sách phát triển năng lượng tái tạo. Hiện nay, tỉnh có 5 nhà máy điện gió, tổng công suất là 256,8 MW (4 nhà máy đấu nối cấp 110kV và 1 nhà máy đấu nối cấp 220kV). Gần đây, Trà Vinh đã khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất hydro xanh với diện tích đất trên 20ha, tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, việc sản xuất hydro xanh từ năng lượng tái tạo đã được định hướng phát triển theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Trong những năm gần đây, hydro xanh được kỳ vọng là nguồn năng lượng tương lai, là chìa khóa cho chiến lược chuyển đổi năng lượng của thế giới theo xu hướng bền vững và thân thiện với môi trường, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch cũng như cắt giảm tác động của khí thải carbon.
“Việc đầu tư dự án nhà máy sản xuất hydro xanh trên địa bàn giúp tỉnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, trở thành một trong những trung tâm năng lượng xanh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Đây là cơ hội để Trà Vinh phát triển, khẳng định sự vươn lên theo hướng xanh và bền vững trong tương lai”, ông Lê Văn Hẳn khẳng định.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Để tạo động lực cho chuyển đổi sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu đúng hướng và hiệu quả cao, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã coi trọng chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mà chủ yếu là công nghệ cao và công nghệ sinh học; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, nâng khả năng cạnh tranh…
Về sản xuất lúa, Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long) khẳng định ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong phát triển lúa gạo chất lượng cao hiện nay là điều cực kỳ quan trọng. Trong 10 năm gần, Viện đã kết hợp giữa phương pháp giữa lai tạo truyền thống với phương pháp công nghệ hiện đại (kỹ thuật sinh học phân tử, kỹ thuật di truyền, kỹ thuật nuôi cấy mô tạo biến dị soma, nuôi cấy túi phấn, đột biến phóng xạ, nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử, lập bản đồ gen, giải trình tự, chuyển nạp gen và gần đây là công nghệ chỉnh sửa gen…) cho chương trình lai tạo các giống lúa mới đa mục tiêu: ngắn ngày, năng suất, phẩm chất, kháng sâu bệnh (rầy nâu, đạo ôn, bạc lá...), chống chịu điều kiện bất lợi của môi trường (phèn, mặn, khô hạn, ngập…).
Đơn vị đã chọn tạo ra trên 160 giống lúa mới, hơn 20 quy trình được công nhận tiến bộ kỹ thuật mới; ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, ủy quyền sản xuất kinh doanh khoảng 30 giống lúa cho các doanh nghiệp và chuyển giao quyền sử dụng chung giống lúa OM cho gần 60 đơn vị là doanh nghiệp, trung tâm giống các tỉnh trong khu vực nhằm thúc đẩy việc mở rộng diện tích sản xuất lúa.
Đến nay, diện tích gieo trồng các giống do Viện chọn tạo chiếm 60 - 70% tại Đồng bằng sông Cửu Long. Một số giống nổi bật như: OM18, OM5451, OM380, OM4900, OM7347, OM6976… phát triển ra các khu vực miền Trung, miền Bắc và một số nước khác như: Campuchia, Lào, Brunei, Indonesia, Cu Ba…
Đối với phát triển giống cây ăn quả chủ lực, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 70% các loại trái cây của cả nước với diện tích trồng cây ăn quả trên 360.000 ha, đây được xem là vùng sản xuất và xuất khẩu trái cây nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Hiện nay, Viện đã tiến hành phục tráng giống và bình tuyển các cây đầu dòng đặc sản, bản địa như bưởi da xanh, sầu riêng Ri6, chôm chôm Java, xoài Cát Chu, xoài cát Hòa Lộc, nhãn xuồng cơm vàng... qua đó, nâng cao chất lượng quả, chống thoái hóa vườn cây.
Thời gian tới, Viện đề xuất tiếp tục thực hiện các chương trình lai tạo giống mới theo nhu cầu đa dạng của thị trường có khả năng chống chịu với nhóm bệnh lây lan qua đất và chống chịu điều kiện bất thuận của môi trường; tạo giống chống chịu một số dịch hại quan trọng, thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung ưu tiên những cây trồng chủ lực, có lợi thế vùng miền, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, gắn với việc bảo hộ giống mới của Việt Nam.
Tại Bạc Liêu, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào nuôi tôm được xem là khâu đột phá nhằm tăng năng xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 25 công ty, đơn vị và hơn 800 hộ dân đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh và nuôi tôm 2 giai đoạn, tập trung chủ yếu tại vùng ven biển thành phố Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải. Gắn bó với nghề nuôi tôm nhiều năm nay, ông Ngô Quang Hùng (huyện Đông Hải) cho biết, việc nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao rút ngắn được thời gian nuôi, cho năng suất trung bình từ 30 - 50 tấn/ha, tăng từ 10 - 15 lần so với nuôi tôm thông thường. Ngoài ra, việc áp dụng các công nghệ cao còn giúp thực hiện nuôi quay vòng, gối vụ liên tục, ao này tôm chưa lên thì ao kia tôm đã xuống giống.
Tiến sĩ Lê Anh Xuân, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ Sinh học Trúc Anh (Bạc Liêu) nhận định, việc nghiên cứu, cải tiến và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật, xây dựng nhiều mô hình nuôi tôm đạt năng suất cao, giảm rủi ro, giảm chi phí đầu vào và thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay được cho là bài toán hữu ích. Đơn vị đã nghiên cứu và hoàn thiện một số quy trình nuôi hiệu quả đã và đang được chuyển giao đồng hành cùng với nông dân trong toàn quốc như: quy trình nuôi tôm Quảng canh cải tiến áp dụng trong mô hình Tôm - Lúa đạt năng suất 500 - 700 kg/ha/năm; quy trình nuôi tôm sú bằng các chế phẩm sinh học của công ty Trúc Anh; tuy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn đạt năng suất 30 - 50 tấn/ha/năm… đạt hiệu quả cao và bền vững…
Như vậy, khoa học và công nghệ đã và đang trở thành một lực lượng sản xuất vô cùng quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời, mở ra triển vọng to lớn cho ngành nông nghiệp và thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.