Phát triển kinh tế tuần hoàn

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế.

Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý cơ bản "mọi thứ đều là đầu vào của thứ khác", nghĩa là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác, hoặc tuần hoàn nội tại trong một DN.

Tăng nguồn thu từ phụ phẩm

Với vùng nguyên liệu khoảng 95 nghìn héc ta, công suất hoạt động 4.000 tấn tinh bột mì/ngày và 30 nghìn mét khối cồn thực phẩm/ngày, lưu lượng nước thải, phụ phẩm và sản phẩm phụ của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi thải ra rất lớn. Riêng tại Quảng Ngãi, Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cơ sở 1 và cơ sở 2 có tổng công suất 430 tấn tinh bột mì/ngày, thải ra 74 tấn bã mì và gần 6.000m3 nước thải/ngày đêm. Nếu không xử lý hiệu quả, đây sẽ là tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất.

Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cơ sở 2, ở xã Sơn Hải (Sơn Hà) được đầu tư đồng bộ.

Hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cơ sở 2, ở xã Sơn Hải (Sơn Hà) được đầu tư đồng bộ.

Trước thực trạng này, Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đã chú trọng đầu tư dây chuyền sản xuất, chế biến tiên tiến và hệ thống thu gom, xử lý nước thải, phụ phẩm, sản phẩm phụ. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi Lê Ngọc Hinh cho biết, lượng bã mì chiếm khoảng 15% so với sản phẩm chính. Do đó, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý sấy và ép, bảo quản để cung cấp bã mì cho các DN chế biến thức ăn chăn nuôi. Vỏ lụa và bùn đất được chế biến thành phân bón vi sinh phục vụ cây trồng. Nước thải được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn để tái sử dụng trong quá trình rửa củ nguyên liệu qua cơ chế tái tuần hoàn nước... Qua đó, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) kiểm tra hệ thống thu gom, lưu giữ bùn sinh học - nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón vi sinh. Ảnh: ĐVCC

Cán bộ kỹ thuật Nhà máy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) kiểm tra hệ thống thu gom, lưu giữ bùn sinh học - nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất phân bón vi sinh. Ảnh: ĐVCC

Đối với Công ty CP Đường Quảng Ngãi, các loại phụ phẩm trong quy trình sản xuất cũng góp phần tăng nguồn thu cho công ty, đặc biệt là bã mía tại Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai). Với vùng nguyên liệu 32 nghìn héc ta mía, mỗi năm Nhà máy Đường An Khê thải ra hàng nghìn tấn bã mía. Để tận dụng triệt để phụ phẩm này, những năm qua, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đầu tư xây dựng cụm sản xuất đường - điện hiện đại và lớn nhất cả nước tại Nhà máy Đường An Khê, với công suất ép 18 nghìn tấn mía cây/ngày; đường tinh luyện 1.000 tấn/ngày và nhà máy điện sinh khối sản xuất từ bã mía có công suất 95MW.

Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, sản xuất điện từ bã mía vừa xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa chủ động nguồn điện phục vụ sản xuất và tăng lợi nhuận qua việc phát điện lên lưới điện quốc gia. Đơn cử vụ mía 2023 - 2024, nhà máy mua và ép khoảng 2 triệu tấn mía, sản xuất 225 nghìn tấn đường các loại. Doanh thu 4 tháng đầu năm 2024 đạt 1.580 tỷ đồng, trong đó nhà máy điện sinh khối đóng góp 419 tỷ đồng.

Tái sử dụng nước thải

Cùng với việc biến bã mía thành điện năng, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đầu tư công nghệ xử lý nước thải để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước gắn với bảo vệ môi trường. Thời gian qua, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt các trạm quan trắc tự động nước thải và khí thải tại các nhà máy vệ tinh. Đặc biệt, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải có công suất 8.400m3/ngày đêm, xử lý nước thải đạt cột B và được kiểm soát chất lượng đảm bảo đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường qua hoạt động trạm quan trắc tự động, liên tục.

Những năm qua, Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt (Tư Nghĩa) cũng chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm và xử lý tốt nước thải, chất thải nhằm giảm tác động môi trường. Qua đó, giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với quy mô 300 con heo nái, 3.000 heo thịt và 100 con bò thịt.

Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Tiến Đạt Nguyễn Văn Sáng cho biết, công ty áp dụng nguyên tắc vườn - ao - chuồng trong xử lý và tái sử dụng nước thải, chất thải gắn với ứng dụng khoa học công nghệ. Theo đó, công ty đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ lý hóa, vi sinh và hầm Biogas 1.000m3 gồm 3 hồ lắng. Nước thải sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn được tái sử dụng để tưới cây, ao nuôi thủy sản. Chất thải chăn nuôi và phế phẩm trồng trọt được thu gom xử lý thành phân bón vi sinh, tái phục vụ cây trồng.

Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cơ sở 1, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tái sử dụng nước thải và các sản phẩm phụ.

Nhà máy sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi, cơ sở 1, ở xã Tịnh Phong (Sơn Tịnh) đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại để tái sử dụng nước thải và các sản phẩm phụ.

Theo đánh giá của Sở KH&CN, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế và nguồn nước trong sản xuất không chỉ tiết kiệm tài nguyên mà còn giảm chi phí sản xuất và cải thiện môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh sự chủ động của cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn, tỉnh cần xây dựng khung chính sách, cơ chế đặc thù, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DN về vốn, tiếp cận khoa học công nghệ và liên kết DN trong hệ thống kinh tế tuần hoàn vùng, khu vực. Qua đó, tạo điều kiện và động lực để các DN ứng dụng hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, tiêu dùng, góp phần phục hồi và tiết kiệm nguồn tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202407/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-79d1007/