Phát triển kinh tế ven sông nhưng đừng chăm chăm nhìn vào bất động sản
TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký hội Khoa học lịch sử TP.HCM cho rằng TP.HCM cần rút kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế ven sông và đừng chăm chăm nhìn vào hai bờ sông để phát triển bất động sản.
Tại Tọa đàm “Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn" do báo Pháp Luật TP.HCM sáng 12-12, TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng TP.HCM, các doanh nghiệp cần rút kinh nghiệm trong phát triển kinh tế dọc sông Sài Gòn.
Đặc trưng kinh tế hướng biển
Theo TS Hậu, một tính chất sông nước đặc trưng ở TP.HCM mà không nơi nào có chính là tính hướng biển. Có thể nói không có thành phố nào ở sâu trong nội địa lại có cảng biển lớn, tính chất sông nước và hướng biển tạo nên sắc thái kinh tế, tính chất cởi mở cả về văn hóa, quyết định tiềm năng kinh tế cơ bản như TP.HCM. Một trong những đặc trưng của kinh tế ven sông thành phố là cảng sông nối với cảng biển.
“Cách đây vài tháng, chúng tôi có bàn về độ tĩnh không của các cầu như cầu Thủ Thiêm 4 trên sông Sài Gòn. Nếu tĩnh không cầu thấp thì sông Sài Gòn sẽ có nguy cơ trở thành ao làng, không cởi mở thì tính chất kinh tế văn hóa không còn nữa” – TS Hậu lưu ý.
Theo bà Hậu, chúng ta đang học hỏi hai mô hình sông nước rất phát triển. Thứ nhất là giao thông trên sông của Bangkok (Thái Lan) được xuất phát từ giao thông thủy phục vụ cho cư dân và trở thành một hướng phát triển mạnh du lịch bởi nó mang sức sống của cộng đồng tại chỗ và tiện ích cho du khách.
Thứ hai là mô hình sông Seine ở Paris (Pháp) với thế mạnh phát huy được giá trị di sản văn hóa của thủ đô Paris.
“Chúng ta nên phát triển du lịch cộng đồng bắt đầu từ sự hiểu biết và tự hào của cư dân thành phố với di sản chúng ta đang sở hữu” – TS Hậu chỉ ra.
Cần nhìn rộng về nhiều lợi ích dọc bờ sông Sài Gòn
TS Nguyễn Thị Hậu cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp ở TP khi phát triển kinh tế luôn hướng đến mục tiêu lợi nhuận và họ cũng không quên trách nhiệm cao đối với cộng đồng.
Hiện có nhiều doanh nghiệp tâm huyết, sẵn sàng phát triển du lịch đường sông, gắn chặt với lợi ích cộng đồng. Trường hợp chúng ta phát triển du lịch đường sông và cả giao thông đường thủy sẽ hình thành hệ thống các dịch vụ ven bờ sông, bến bãi, nhà chờ... tất cả sẽ được phát triển gắn chặt với đường sông Sài Gòn nói riêng và TP.HCM nói chung.
Bên cạnh đó, từ sông Sài Gòn chúng ta không chỉ hình thành nên các sản phẩm du lịch, giao thông đường thủy... mà còn phải tạo nên một hệ sinh thái gắn chặt với kinh tế ven sông.
Lúc này, người dân cũng sẽ được hưởng lợi nếu TP phát triển kinh tế sông Sài Gòn gắn với cộng đồng, đường thủy và góp phần giảm tải lớn cho giao thông đường bộ hiện nay - đây là chủ trương lớn của TP.HCM.
Khi người dân được hưởng lợi, TP sẽ được đầu tư đúng mực, sẵn sàng cải tạo hai bờ sông Sài Gòn với nhiều sản phẩm hấp dẫn.
Tiến sĩ Hậu nhấn mạnh: "Chúng ta không nên chăm chăm nhìn vào hai bên bờ sông để phát triển bất động sản mà cần nhìn rộng về các lợi ích dọc bờ sông. Khi đó, phát triển không gian dọc bờ sông sẽ tạo được một không gian phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ hiện đại mà không tách rời khỏi nét đẹp văn hóa, bản sắc sông Sài Gòn.
Tôi cho rằng khi các lợi ích về tinh thần, vật chất và cả trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp đều được cân đối thì TP.HCM có thể phát triển bền vững" - TS Hậu nhấn mạnh.
Cần có các tuyến đường ven sông
Góp ý kiến tại hội thảo, ông Trần Văn Mười, Giám đốc Công ty TNHH Nhà đất Nhân Mười nhận định để phát triển kinh tế mạnh, chúng ta cần phát triển hướng ra sông, ra biển. Phát triển đường sông, đường biển là một yếu tố rất quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế.
"Tôi mong muốn TP không chỉ phát triển về đường sông mà còn tạo điều kiện để phát triển các sản phẩm du thuyền, nhà hàng, taxi đường sông và nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Vì vậy, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP cần hoạch định những tuyến đường ven sông để khi khách tới với TP có thể đi ven sông, ngắm nhìn được giá trị của hệ thống sông ngòi thành phố, đồng thời kết nối thuận tiện với bến thủy nội địa" - ông Mười nhấn mạnh.