Phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cần tư duy mở và quyết sách lớn
Đồng bằng sông Cửu Long được xem là 'Vùng cực Nam - Thành đồng Tổ quốc', cửa ngõ phía Tây Nam đất nước. Với nhiều lợi thế và tiềm năng rất lớn song vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang có sự phát triển chưa tương xứng. TBTCVN thực hiện bàn tròn cùng chuyên gia về những định hướng lớn để phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tốc độ phát triển chưa tương xứng tiềm năng
PV: Theo các chuyên gia, tốc độ phát triển kinh tế - đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến nay đã tương xứng với tiềm năng hay chưa?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, tiềm năng của vùng ĐBSCL là rất lớn. Đây là khu vực đất đai có độ phì nhiêu, bằng phẳng lớn nhất Việt Nam và đặc biệt là lợi thế về vận tải đường thủy, cũng như phát triển phù hợp với hoạt động của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, chúng ta đã có bước đầu quy hoạch để phát triển vùng ĐBSCL và từ đó từng bước khai thác vị trí địa lý, cũng như lợi thế về mặt thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên. Tuy nhiên, nếu nói đã khai thác được nhiều chưa thì vẫn chưa.
Tính liên kết giữa các khu vực trong vùng ĐBSCL với nhau cũng chưa thực sự rõ nét. Đặc biệt, mối liên kết giữa vùng ĐBSCL với các khu vực xung quanh, để vừa tận dụng được lợi thế của vùng ĐBSCL nhưng đồng thời vừa phát huy được sức mạnh của các tỉnh thành trong khu vực, từ đó tạo ra liên kết, sức mạnh, mang tính hỗ trợ, tận dụng lợi thế của nhau.
Chưa nói đến các quy hoạch về giao thông vận tải, logictis, kho bãi, bảo quản, công nghiệp chế biến,… thực tế mà nói đã có quy hoạch rồi nhưng khi đi sâu vào thì lại gần như chưa có gì và đặc biệt là tận dụng sự phát triển của khoa học công nghệ với từng lĩnh vực cũng như tất cả lĩnh vực của vùng ĐBSCL. Đây là yếu điểm rất lớn trong định hướng phát triển của vùng đất này.
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn: Chúng ta cứ hình dung nước Việt Nam như gánh lúa, ở giữa là đòn gánh và miền Bắc, miền Nam là hai đầu bó lúa nên tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, đặc biệt lớn hơn rất nhiều so với miền Trung, vì vừa có quỹ đất, vừa có hệ thống sông ngòi, đất đai màu mỡ và đường ven biển.
Tuy nhiên, trong khoảng 1 thập niên trở lại đây tốc độ phát triển ngày càng đi xuống khi gặp phải khá nhiều vấn đề.
Thứ nhất, kinh tế tăng trưởng chậm lại rất nhiều, GRDP cũng tăng trưởng chậm.
Thứ hai, làn sóng di dân ngược, là người dân rời vùng ĐBSCL để đi ra những vùng khác như: Đông Nam Bộ, phía Bắc, thậm chí là miền Trung cho nên đã giảm đi nguồn nhân lực.
Thứ ba, kết nối hạ tầng của vùng ĐBSCL còn kém và thiếu đầu tư. Do đó, kết nối vùng còn khó khăn bao gồm cả giao thông đường thủy, giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không.
Nên có tư duy “mở”
PV: Vậy theo các chuyên gia, cần có những quyết sách gì để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL, trong thời gian tới?
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Thực tế, tiềm năng và lợi thế của vùng ĐBSCL chính là nông nghiệp, phát triển chủ yếu là nông nghiệp. Nhưng chúng ta chỉ áp dụng các công nghệ, logictis, chế biến bảo quản như hiện nay thì rõ ràng tăng trưởng và phát triển không đạt được như mong muốn.
Do vậy, chúng ta phải thực hiện phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tức là ứng dụng các loại cây con theo các chuẩn mực mới, quy trình sản xuất nuôi trồng hiện đại và đặc biệt là thu hoạch, bảo quản chế biến đi vào bài bản.
Đồng thời, phải biết ứng dụng công nghệ vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, biết lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với khả năng sản xuất và xuất khẩu. Biết ứng dụng các công nghệ vào quy trình logictis, chế biến, bảo quản để có được sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao thì lợi thế của vùng sẽ phát huy rất rõ.
Thêm nữa, cơ sở vật chất vùng này cũng chưa thay đổi rõ nét. Điều quan trọng là phải có được quy hoạch một cách tương đối cặn kẽ, bài bản, phù hợp với sự phát triển lâu dài của nền kinh tế đất nước thì lúc đó tiềm năng của vùng ĐBSCL mới phát huy hết được.
Đây là vùng đất cực kỳ tiềm năng nhưng quy hoạch như cũ, cứ để nông dân chạy theo phong trào, trồng giống lúa này nếu không bán được thì chuyển sang trồng cái khác… thì thật sự rất khó.
Do đó, trong thời gian tới, rõ ràng chúng ta cần giải bài toán làm sao để quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL trong điều kiện phát triển của khoa học công nghệ và điều kiện tự nhiên. Bởi trong vài chục năm tới, dự báo sẽ có những biến động lớn như thay đổi về mặt địa lý cũng như cấu trúc của vùng và từ đó sẽ đòi hỏi việc sử dụng các công nghệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, logictis, công nghệ bảo quản chế biến,… vào hoạt động phát triển vùng mang tính đặc thù.
TSKH. KTS Ngô Viết Nam Sơn: Tôi cho rằng, vùng ĐBSCL đang phát triển nhiều dự án. Vì thế, nguồn ngân sách đang ngay “dưới chân mình” chứ không ở đâu xa. Vậy nên, bắt buộc vùng ĐBSCL phải năng động hơn, quan sát chuyển biến về mặt giá trị.
Nếu ngày xưa, ngân sách trung ương rót vào ngân sách địa phương bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, không có thì ngồi chờ. Nhưng bây giờ là xu hướng đổi mới theo tư duy kinh tế thị trường. Trong mọi dự án, công tác đang làm đều ẩn chứa cơ hội phát triển. Để tạo nên nguồn thu ngân sách thì các địa phương nên có những tư duy “mở” hơn.
Nhìn ở góc độ tư duy kinh tế thị trường, mọi dự án từ hạ tầng giao thông đến những dự án công đều tạo ra cơ hội mới để tạo nguồn thu ngân sách. Cho nên, các địa phương cần tỉnh táo, sáng suốt để nắm bắt những cơ hội này, song song cũng nên có sự cùng nhau vận động trung ương để có điều chỉnh về mặt nền tảng pháp lý phù hợp, nhằm có cơ sở pháp lý thực hiện những đề xuất theo tư duy kinh tế thị trường. Chẳng hạn như đền bù đất giải tỏa, phát triển dự án, đấu giá đất, nộp ngân sách,... Tất cả những việc này cần phải minh bạch, có pháp lý rõ ràng.
Hiện giờ, mạng lưới đường bộ cao tốc của ĐBSCL kết nối vùng rất kém. Chúng ta cần vận động nguồn ngân sách trung ương, cũng như thể chế để hợp tác tìm kiếm nguồn ngân sách công tư xã hội hóa, sớm xây dựng xong hạ tầng kết nối vùng này.
Bài toán ở đây là vốn trung ương cho, hay thể chế đều mang tính chất “mồi” để phát triển dự án ban đầu, nhưng đừng quên khi phát triển những dự án kết nối vùng thì song song phải có tư duy “mở” để nhìn thấy được cơ hội đang mở ra từ chính những dự án kết nối vùng đó.
Thực tế, bấy lâu nay vùng ĐBSCL được xem như là vựa lúa của cả nước và của cả khu vực, chỉ tập trung vào phát triển nông nghiệp, nên cái này vừa là điểm cộng vừa là điểm trừ.
Cần lưu ý rằng, trước đây làm nông nghiệp vựa lúa là đúng, nhưng đến nay chưa chắc đã đúng. Bởi vùng này đang bị tác động từ nhiều phía như tác động từ ngoài nước, đập thủy điện ở thượng nguồn xả lũ thì bị ngập và nếu không giữ nước thì bị hạn.
Bên cạnh đó, giá trị đất nông nghiệp không tăng nhiều nhưng khi phát triển hệ thống hạ tầng thì sẽ có những vùng đất giá trị địa tô tăng rất nhiều, nhưng nếu mình không có tư duy nắm bắt việc đó để tạo nguồn thu cho ngân sách thì rõ ràng đã bỏ phí cơ hội này.
Vùng ĐBSCL cần tận dụng những cơ hội mới, ngoài hệ thống đường kết nối vùng tôi vừa nêu thì còn có hệ thống đường kết nối vùng ven biển, tuyến đường này có ý nghĩa lớn vừa giúp chúng ta giữ đất, thậm chí là lấn biến theo hướng trong xu hướng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.../.