Tiềm năng nuôi cá sủ đất
Những năm gần đây, cá sủ đất được người dân một số địa phương trong nước nuôi với số lượng lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Tại Khánh Hòa, Viện Nghiên cứu Thủy sản - Trường Đại học Nha Trang đã xây dựng thành công mô hình “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất tại Khánh Hòa”, bước đầu tỷ lệ sống cá sủ đất cho kết quả ổn định.
Cá sủ đất thuộc họ cá lù đù, đây là loài cá có tiềm năng lớn nhờ tốc độ sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, giá trị kinh tế cao và có thể nuôi trong môi trường mặn hoặc lợ, phù hợp với nhiều người nuôi. Đến nay, đã có một số tỉnh phía bắc như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định đã triển khai thành công mô hình nuôi thương phẩm cá sủ đất. Nhận thấy tiềm năng của loại cá này, từ năm 2021 đến nay, Viện Nghiên cứu Thủy sản - Trường Đại học Nha Trang đã triển khai mô hình “Xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá sủ đất tại Khánh Hòa” do Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh - Trường Đại học Nha Trang làm chủ nhiệm.
Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình nuôi vỗ cá bố mẹ, cho đẻ và ấp nở trứng, quy trình ương giống, sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá sủ đất; tổ chức hội thảo tập huấn nhân rộng mô hình... Các thí nghiệm trên cá con và triển khai thực nghiệm sản xuất giống được thực hiện tại Trại sản xuất giống cá biển Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang. Mô hình sản xuất giống và nuôi thương phẩm được thực hiện tại một số cơ sở sản xuất giống và nuôi cá lồng trên địa bàn tỉnh, trong đó có 3 hộ nuôi ở Hòn Lăng, Hòn Thị, đầm Nha Phu (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa) với tổng cộng 8.000 con giống.
Theo Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, kết quả đề tài cho thấy, cá sủ đất có thể ăn thức ăn công nghiệp lẫn thức ăn tươi. Qua 11 lần kiểm tra cá bố mẹ từ tháng 3-2022 đến tháng 4-2024, tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ đạt trung bình 75,81%, cao hơn chỉ tiêu đề tài đặt ra là 70%. Sức sinh sản của cá mẹ dao động từ 43.838 - 215.652 trứng/kg, trung bình đạt 125.782 trứng/kg cá mẹ. Điều này cho thấy, cá sủ đất hoàn toàn có thể nuôi thương phẩm trong lồng bằng thức ăn công nghiệp. Mặt khác, điều kiện thời tiết tại Khánh Hòa ấm và ổn định hơn các tỉnh phía bắc nên cá sinh trưởng cũng nhanh hơn.
Ông Tô Minh Cường - một trong những hộ nuôi thí điểm tại Hòn Thị cho biết, cá sủ đất dễ nuôi và lớn nhanh. Vụ vừa qua, ông nuôi thử nghiệm 3.000 con giống. Trong khoảng 1 năm nuôi, cá đạt trọng lượng khoảng 3kg. Chất lượng thịt cá khá ngon, song đây là loài nuôi mới nên chưa được thị trường đón nhận nhiều, giá thu mua của thương lái chưa cao. Thời gian đến, nếu đầu ra ổn định, ông sẽ mở rộng vùng nuôi đối với loại cá này.
Theo Tiến sĩ Ngô Văn Mạnh, việc nuôi cá sủ đất không chỉ giúp cải thiện sinh kế cho người dân mà còn mở ra cơ hội phát triển cho ngành nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Tuy nhiên, với giá thành sản xuất cá thương phẩm dao động từ 95.000 đến 104.000 đồng/kg, người nuôi chưa có lãi. Hiện tại, cá sủ đất vẫn còn khá mới mẻ đối với nhiều người tiêu dùng. Nhu cầu thị trường chưa đủ mạnh để tiêu thụ hết sản phẩm từ các hộ nuôi, khiến nhiều người lo ngại về việc mở rộng quy mô nuôi trồng. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ cá sủ đất chủ yếu chỉ được tiêu thụ dưới dạng cá tươi sống, chưa có nhiều sản phẩm chế biến hoặc các phương án đa dạng hóa sản phẩm khác để tiếp cận nhiều phân khúc thị trường... Để giải quyết những khó khăn trên, việc tham gia của doanh nghiệp là điều cần thiết nhằm thúc đẩy đầu ra sản phẩm thông qua việc đầu tư vào chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm từ cá sủ đất phục vụ cho thị trường nội địa và xuất khẩu.
Vừa qua, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã tổ chức nghiệm thu và đánh giá đề tài xếp loại đạt. Việc xây dựng thành công quy trình sản xuất giống cá sủ đất ở quy mô thương mại và việc chủ động sản xuất con giống tại địa phương sẽ thúc đẩy sự phát triển của các trại sản xuất giống nuôi cá biển, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.